Những địa chỉ văn hóa, tâm linh ở Bà Rịa - Vũng Tàu : Thiền viện Chơn Không

Nằm ở độ cao 80m trên triền Núi Lớn, ẩn mình giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Thiền viện Chơn Không (36/11 Vi Ba, TP. Vũng Tàu) là ngôi chùa tu thiền độc đáo theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là thiền viện đầu tiên ở các tỉnh phía Nam.

Cổng vào Thiền viện Chơn Không.

Cổng vào Thiền viện Chơn Không.

Năm 1966, một vị hòa thượng tâm huyết với Phật giáo Thiền Tông - Hòa thượng Thích Thanh Từ - đã khai phá Hòn Chụp, Núi Lớn, cất Pháp Lạc Thất để tu thiền. Mấy năm sau Thiền viện Chơn Không chính thức được khởi dựng tại đây. Chơn Không (Chân Không) là pháp danh của thiền sư Chân Không, vị thiền sư nổi tiếng triều đại Lý Nhân Tông cách đây gần một ngàn năm.

Thiền viện Chơn Không chủ trương khôi phục và truyền bá Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông lập ra. Sau khi đại phá quân Nguyên Mông lần thứ ba (1285), đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế chế Nguyên Mông lừng lẫy, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con, xuất gia tu hành tại núi Yên Tử, nay thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, lập ra Thiền phái Trúc Lâm để thống nhất các thiền phái Phật giáo trong cả nước.

Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập đã tiếp thu những tinh hoa của Phật giáo, kết hợp với truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam để đoàn kết toàn dân phục vụ sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Các vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm sau này đều chủ trương nhập thế, sống từ bi, hỷ xả theo tinh thần của Phật phái Trúc Lâm.

Để lên Thiền viện Chơn Không, du khách phải theo đường Vi Ba, hướng lên Núi Lớn, sau đó vượt qua một con dốc khá cao. Hai bên dốc là rừng cây đại thụ, quanh năm tỏa bóng mát rượi. Ở đây, không gian tĩnh lặng, có thể nghe thấy tiếng lá rơi xào xạc, tiếng bước chân và cả tiếng “thở” của núi rừng.

Trên khuôn viên rộng khoảng 2ha, nhiều công trình kiến trúc kiên cố của Thiền viện Chơn Không đã được xây dựng. Cổng chính nằm ngay giữa lưng chừng dốc với 2 tầng mái cong, các cột trang trí hoa văn, họa tiết theo phong cách truyền thống. Bước qua cổng chính, quang cảnh tĩnh lặng như chốn bồng lai tiên cảnh hiện ra trước mắt.

Một khu vườn đầy hoa lá, tùng bách xanh tươi trước chính điện. Trung tâm khuôn viên là vườn non bộ với điểm nhấn là bức tượng đài hình một bàn tay nâng cao đóa hoa sen, biểu tượng vươn cao của Phật phái Thiền Tông. Quanh vườn non bộ là Tháp tổ, Thiền đường, Tăng đường, Trai đường, Thiền viện Bát Nhã, nhà khách, hồ chứa nước...

Tháp chuông nằm bên trái của chính điện. Trong tháp chuông có chiếc đại hồng chung nặng gần 1 tấn. Mỗi lần gióng chuông, âm thanh trầm bổng kỳ diệu ngân nga trên triền núi, lan tỏa, hòa quyện vào cây rừng, vách đá.

Từ tháp chuông, du khách có thể quan sát một phần TP. Vũng Tàu bên dưới với những đường phố ngang dọc như bàn cờ, những tòa cao ốc, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và những hàng cây xanh mướt... Xa hơn nữa là đại dương màu ngọc bích mênh mông vô tận.

Kể từ khi khởi dựng đến nay, Thiền viện Chơn Không đã mở nhiều khóa đào tạo thiền sinh để truyền bá và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở các tỉnh phía Nam, tôn thờ giáo lý phụng sự đạo pháp cũng như đạo lý yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam. Thiền viện Chơn Không là cội nguồn phục hồi và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong nước cũng như nước ngoài.

Bài, ảnh: TIỂU BÌNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201912/nhung-dia-chi-van-hoa-tam-linh-o-ba-ria-vung-tau-thien-vien-chon-khong-887354/