Những 'địa chỉ đỏ' trên đất Pháp

Mỗi người Việt Nam khi đến Pháp, nếu có cơ hội, thời gian, ngoài việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng thì đều sẽ tìm đến những địa danh gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những địa danh đó được coi là những 'địa chỉ đỏ', bởi đó là những nơi Người đã sống và làm việc trong những năm tháng đầu khi ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 6/5/1911, Bác Hồ đã rời bến cảng Nhà Rồng trên con tàu Latouche – Tréville với thân phận của một người phụ bếp mang tên Văn Ba. Sau một tháng lênh đênh trên biển, tàu đã cập cảng Marseille nhưng phải đến khi tàu tới bến cảng Le Havre, cách thủ đô Paris 200km về phía Đông Bắc thì Người mới thực sự đặt chân lên đất Pháp.

Cảng Le Havre

Chúng tôi tìm đến Le Havre vào một dịp cuối tuần. Bến cảng khá vắng vẻ. Cảng Le Havre ngày nay là một trong những cảng lớn nhất nước Pháp về ngoại thương nói chung và vận tải hàng hóa container nói riêng. Đến Le Havre, ta dễ dàng nhận ra khu cảng nhờ tàu thuyền neo đậu đông đúc và mô hình biểu tượng của cảng được ghép từ những thùng container sắc màu.

Cảng Le Havre hiện là nơi vận chuyển 74% lượng container tại Pháp.

Cảng Le Havre hiện là nơi vận chuyển 74% lượng container tại Pháp.

Dấu tích về Bác tại Le Havre chỉ còn tấm biển đồng ghi dấu nơi Người từng ở tại số 1 phố Courbet, nhưng bạn có thể nhìn thấy lịch sử đau thương giữa nước Pháp và bán đảo Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng nếu tới khu tưởng niệm các chiến binh vùng Normandie tử trận trong các kỳ thế chiến, trong đó có cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1945 - 1954. Tại đây có tấm bản đồ Việt Nam bằng đá, trên đó khắc rõ ba miền Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine). Ngoài ra, thị trấn Saint - Adresse ở ngoại ô Le Havre cũng được xác nhận là nơi Bác đã từng sống và làm vườn thuê cho một gia đình giàu có. Đến nay, khu vườn vẫn còn nhưng đã bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho hai tòa chung cư.

Tấm bản đồ bán đảo Đông Dương bằng đá đặt tại khu tưởng niệm các chiến binh vùng Normandie tử trận trong các kỳ thế chiến.

Căn nhà tại số 9 ngõ Compoint, Paris

Bác Hồ có gần 8 năm sống tại Pháp, chia làm nhiều giai đoạn (1911-1912, 1917-1923, 1927) nhưng phần lớn thời gian, Người sống tại Paris nên ở đây còn khá nhiều kỷ niệm về Người. Được biết đến nhiều nhất là địa chỉ số 9, ngõ Compoint tại quận 17 của Paris, nơi người sống gần hai năm từ 1921 đến 1923. Khu vực này đã thay đổi thành một khu chung cư nhưng bên dưới có gắn tấm biển đồng ghi lại việc Bác đã ở đây.

Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint ở quận 17 Paris là nơi Bác đã ở từ năm 1921 đến 1923, được nhiều người Việt Nam viếng thăm.

Rất nhiều kỷ vật về Bác, trong đó có cả cánh cửa căn nhà số 9, ngõ Compoint cũng được đưa đến khu lưu niệm “Không gian Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng lịch sử Sự sống bên trong khuôn viên công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Paris.

“Không gian Hồ Chí Minh” tại thành phố Montreuil

Bạn có thể di chuyển từ trung tâm Paris đến công viên Montreau, thành phố Montreuil rất dễ dàng nhờ hệ thống giao thông công cộng tiện lợi.

Khi đến đây, đầu tiên là phải tìm đến bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt phía ngoài Bảo tàng. Người dân nơi đây cũng đã quen với việc lâu lâu lại thấy một đoàn người Việt Nam tìm đến và chụp ảnh đầy trang nghiêm trước bức tượng Người.

“Không gian Hồ Chí Minh” phía bên trong Bảo tàng là một căn phòng tuy nhỏ nhưng đã tái hiện lại không gian sống của Bác trong những năm tháng ở Pháp. Tại đây trưng bày nhiều bài báo, thư từ mà Bác đã viết hoặc viết về Bác. Bạn cũng có thể nhìn thấy viên gạch hồng đã từng giúp Bác ủ ấm chống lại những đêm đông băng giá tại Paris. Tất nhiên, đây chỉ là phiên bản. Các kỷ vật đã thể hiện lối sống thanh bạch vượt qua mọi khó khăn của Bác.

Cuốn lưu bút dày ghi lại cảm xúc của các đoàn khi được đến thăm "Không gian Hồ Chí Minh".

..."Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả mùa băng giá"...

Theo sổ sách ghi chép và đã được công nhận thì có hàng chục địa điểm tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp lưu dấu những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính quyền nhiều địa phương ở Pháp đã cho đặt biển di tích, lưu giữ những kỷ vật về Người và coi đây là niềm tự hào.

Nếu không có điều kiện tìm hiểu hết thì hãy đến những địa điểm nêu trên, chúng ta sẽ hiểu thêm về những năm tháng Người sống và làm việc tại Pháp trong hành trình tìm đường cứu nước. Chúng ta cũng sẽ thấy tình cảm mà người dân Pháp dành cho vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.

Thanh Thiện

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201905/nhung-dia-chi-do-tren-dat-phap-2440990/