Những di tích, bảo vật của Thủ đô nghìn năm văn hiến: Đền Ngọc Sơn - không gian thiêng giữa lòng Hà Nội

'Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn' là những câu thơ gợi lên không khí náo nức của du khách thập phương đến thăm hồ Hoàn Kiếm. Trong đó, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn được vẽ nên như điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp về Hồ Gươm, là những thành tố không thể không nhắc tới trong cảnh quan chung nơi đây. Đặc biệt, đền Ngọc Sơn với sự tổng hòa của tam giáo đã góp phần tạo nên không gian văn hóa tâm linh.

Khung cảnh tuyệt đẹp của đền Ngọc Sơn vào mùa hè với sắc tím của hoa bằng lăng và màu đỏ của cầu Thê Húc

Khung cảnh tuyệt đẹp của đền Ngọc Sơn vào mùa hè với sắc tím của hoa bằng lăng và màu đỏ của cầu Thê Húc

Khung cảnh tuyệt đẹp

Đền Ngọc Sơn có sức hút đặc biệt với du khách, điều đó được tạo ra bởi vị trí đắc địa của nó khi tọa lạc trên hòn đảo giữa hồ Hoàn Kiếm. Ngôi đền có lịch sử khá lâu đời và đặc biệt. Xưa kia, đây vốn là đền thờ Quan Đế để trấn áp cái ác, sau chuyển sang thờ Phật, cuối cùng được tu sửa lại giống như ngày nay. Ngay bên ngoài cửa đền Ngọc Sơn, du khách sẽ bị ấn tượng với hình ảnh của tháp Bút. Tháp được xây dựng trên núi Ngọc Bội (trước kia là núi Độc Tôn) vào năm 1865 theo ý tưởng của nhà nho Nguyễn Văn Siêu. Trên tháp được khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (Viết lên trời xanh).

Để vào đền Ngọc Sơn, du khách sẽ đi qua cầu Thê Húc. Cây cầu có màu đỏ phần chân được tạo nên từ những chiếc trụ lớn. Tên của cầu mang ý nghĩa “Nơi đón ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm” hay “Ngưng tụ hào quang”. Bước qua cổng đền Ngọc Sơn là đến đền chính gồm 2 ngôi nối liền nhau thờ Văn Xương Đế Quân và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Đền mang đặc trưng phong cách kiến trúc đền chùa Bắc bộ. Bên trong là 2 pho tượng lớn, pho Đức thánh Trần được đặt ở hậu cung với bệ đá cao hơn 1m, pho thần Văn Xương tay cầm bút lông với dáng vẻ đầy thư thái, thanh tao.

Sự hòa hợp về tôn giáo

Phía Nam của đền Ngọc Sơn còn có đình Trấn Ba (hay còn gọi là đình Chắn Sóng, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa những thay đổi thời thế). Đình Trấn Ba có hình vuông, bao gồm 8 mái, mái 2 tầng có 8 cột chống đỡ, 4 cột ngoài bằng đá, 4 cột trong bằng gỗ đầy uy thế. Ngoài ra, đền Ngọc Sơn cũng thờ Phật A-di-đà, Lã Động Tân, Quan Vân Trường… nhằm thể hiện rõ quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt với ý nghĩa rộng hơn là tinh thần đoàn kết, hòa hợp các tôn giáo.

Kiến trúc tổng quan của đền Ngọc Sơn thể hiện khá rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo và văn hiến qua nghìn năm lịch sử. Đền Ngọc Sơn được xây dựng theo hình chữ Tam, bên trong có các câu đối, hoành phi và bài trí linh thiêng. Cùng với tháp Bút, đài Nghiên bên hồ Hoàn Kiếm, trước cửa đền Ngọc Sơn cũng đều là những biểu tượng văn hóa, những công trình kiến trúc độc đáo, nổi tiếng của Thăng Long từ nhiều đời nay. Dấu vết của nghìn năm lịch sử văn hiến Việt Nam như được in đậm trên từng bờ tường, từng mái ngói nơi đây. Cầu Thê Húc cong cong bắc ngang từ bờ đến cổng đền Ngọc Sơn khiến di tích danh thắng này vừa cổ kính, lộng lẫy, lại vừa lạ lẫm nhưng cũng rất thân thuộc trong dáng hình Hà Nội những năm xưa cũ. Toàn bộ quần thể công trình được xem là nơi hội tụ linh khí giữa đất trời, trải qua bao thăng trầm của thời gian, đây vẫn là hình ảnh đáng tự hào của người dân đất Kinh kỳ xưa và nay.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-di-tich-bao-vat-cua-thu-do-nghin-nam-van-hien-den-ngoc-son-khong-gian-thieng-giua-long-ha-noi-post446177.antd