Những di sản văn hóa thế giới ở Trung Quốc không thể bỏ qua

Với lịch sử trải dài hơn 5.000 năm, là nơi khởi nguyên của 1 trong 4 nền văn minh cổ đại lớn, Trung Quốc sở hữu đến 53 di sản thế giới. Hãy cùng Vietrantour điểm qua các di sản đáng ghé thăm nhất Trung Quốc trong năm 2019 này!

Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên – Trương Gia Giới

Vườn quốc gia Trương Gia Giới, thuộc khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên được UNESCO công nhận là di sản thế giới, với diện tích khoảng 4.810ha, là minh chứng về bàn tay kiến tạo tài tình của Mẹ thiên nhiên suốt 380 triệu năm đã tạo nên cảnh đẹp sông nước hữu tình, những khu rừng nguyên sinh hoang dã cho đến hơn 3.000 “trụ trời” hùng vĩ cao đến 800m như minh chứng xác thực về sự tồn tại của “Pandora trên trái đất”.

Ấn tượng nhất phải kể đến ngọn núi cao 1.080m mang tên “Cột trụ trời Nam” được lấy làm nguyên mẫu trong siêu phẩm điện ảnh Avatar của đạo diễn lừng danh Hollywood James Cameron năm 2009. Năm 2010, trước sức hút của “bom tấn” Avatar, ngọn núi này đã chính thức đổi tên thành “Avatar Hallelujah”. Vườn quốc gia Trương Gia Giới còn có nhiều tiểu khu như Thiên Tử Sơn, Viên Gia Giới, hồ Bảo Phong, động Hoàng Long… với tứ đại cảnh trí là rừng tháp đá, biển mây mù và hừng đông ngoạn mục.

Vạn Lý Trường Thành – Bắc Kinh

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987, Vạn Lý Trường Thành trải dài 20.000 cây số, bắt đầu ở phía Đông của Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Hà Bắc và kết thúc ở phía Tây tại Gia Dục Quan ở tỉnh Cam Túc.

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 17 sau Công nguyên, Vạn Lý Trường Thành là minh chứng hùng hồn về tư duy chính trị chiến lược, lực lượng quân sự, quốc phòng hùng mạnh của các Nhà nước phong kiến tập quyền và là công trình tiêu biểu về kiến trúc, công nghệ và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Trung Quốc cổ đại.

Cổ trấn Lệ Giang

Là cổ trấn tiêu biểu nhất xây cuối đời Nam Tống ở độ cao 2.400m, Lệ Giang được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1997. Đúng như phong hiệu “Venice phương Đông”, Lệ Giang hiện ra với những nếp nhà người Nạp Tây lợp ngói đỏ tồn tại hàng trăm năm trước, gần 350 cây cầu lát đá in hoa văn thanh nhã bắc ngang các bờ kênh trong vắt của hồ Hắc Long… cho đến những dãy hàng lưu niệm treo đầy đèn lồng đỏ rực rỡ sắc màu khi đêm về.

Hang Mạc Cao – Đôn Hoàng

Hang Mạc Cao, cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng 25km về phía Đông Nam, được ngợi ca là khám phá lớn nhất của thế giới về văn hóa Phương Đông cổ đại và cũng là nơi lưu giữ kho tàng nghệ thuật Phật giáo lớn, phong phú và từng được sử dụng lâu dài nhất toàn cầu.

Xây dựng lần đầu năm 366 SCN và bồi đắp trong suốt 1.000 năm, hang Mạc Cao đại biểu cho thành tựu vĩ đại của nghệ thuật Phật giáo trong suốt 11 thế kỷ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987. Hiện nơi đây có 492 hang động đang được bảo tồn, lưu giữ khoảng 45.000m2 diện tích tranh tường và hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc phủ sơn.

Cung điện Potala – Tây Tạng

Nằm ở trên núi Đỏ có độ cao 3.700m giữa trung tâm thung lũng Lhasa, thuộc quần thể di tích cung điện Potala được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1994, cung điện Potala - biểu trưng cho Phật giáo Tây Tạng – còn lập kỷ lục Guiness là cung điện có vị trí tọa lạc cao nhất thế giới.

Đây từng là cung điện mùa Đông cho Đức Đạt Lai Lạt Ma từ thế kỷ thứ 7 và có vai trò trung tâm trong chính quyền Tây Tạng truyền thống. Quy mô cung điện có thể ví nó như “Tử Cấm thành” của Tây Tạng bởi nó huy động tới 7.000 thợ thủ công và 66,154kg vàng để hoàn thiện.

Lâm viên cổ kính của Tô Châu

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997, “Hoa viên chi thành” Tô Châu nổi bật với 9 lâm viên tiêu biểu cho kiến trúc sân vườn cổ điển Trung Quốc. Có niên đại từ thế kỷ 11 – 19, các lâm viên được ghi nhận là kiệt tác nghệ thuật sân vườn đã phản ánh tầm quan trọng sâu sắc của vẻ đẹp tự nhiên trong văn hóa Trung Hoa. Có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 6 TCN khi Tô Châu được thành lập như là kinh đô của nước Ngô thời kỳ Tam Quốc. Khởi xướng từ các khu vườn săn bắn hoàng gia được xây bởi vua Ngô, các lâm viên tư nhân dần hình thành trong khoảng 4 thế kỷ và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18.

Ngày nay, Tô Châu vẫn còn lưu giữ được hơn 50 lâm viên, trong đó có 9 khu vườn gồm Chuyết Chính Viên (Vườn của người quản gia khiêm tốn), Lưu Viên, Võng Sư Viên, Thương Lang Đình, Sư Tử Lâm, Nghệ Phố, Ngẫu Viên, Hoàn Tú Sơn Trang, Thoái Tư Viên được xem là hiện thân tiêu biểu của lâm viên sơn thủy Trung Hoa.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng – Tây An

Nằm dưới chân của núi Lý về phía Bắc, cách 35km thành phố Tây An về phía Đông Bắc, tỉnh Thiểm Tây, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là nơi an nghỉ của Hoàng đế sáng lập đế chế thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc vào thế kỷ 3 TCN. Được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1987, lăng mộ cũng là lăng mộ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc với một tiêu chuẩn, bố cục độc đáo và số lượng lớn các đồ tang lễ tinh xảo.

Được xây dựng vào năm 246 TCN, gò mộ vẫn duy trì độ cao đến 51,3m bên trong khu vực hình chữ nhật được bao quanh bởi hai lớp tường chạy theo hướng Bắc - Nam. Có gần 200 hố đi kèm chứa hàng ngàn tượng binh lính bằng đất nung bằng kích thước người thật, xe ngựa bằng đồng và vũ khí cùng với các ngôi mộ, kiến trúc vẫn còn hiện hữu ở hơn 600 địa điểm trong khu vực có tổng diện tích gần 60km2.

(Baodulich.net.vn)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhung-di-san-van-hoa-the-gioi-o-trung-quoc-khong-the-bo-qua-104964.html