Những đền xưa… đổ nát dưới thời gian

Thoạt nhìn tháp Poh Nagar (Nha Trang), tôi sững người và nhớ ngay đến câu thơ của Chế Lan Viên: 'Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi. Những đền xưa đổ nát dưới thời gian' (Trên đường về). Đó là những bí ẩn luôn hấp dẫn con người. Khi vừa đến chân tháp, tiếng kèn Saranai vang lên lảnh lói, cùng với tiếng trống ghi năng bập bùng như ánh lửa trong đêm lễ hội của người Chăm. Mơ mộng và huyền bí...

Kỳ ảo tháp Bà Poh Nagar và Bí ẩn đồi vàng

Giờ đây tháp Bà Poh Nagar không chỉ là nơi tổ chức lễ hội của người Chăm nữa mà còn cả của người Việt, với nữ thần Thiên Y Ana. Người dân ở thành phố Nha Trang và những dân cư quanh vùng đều coi đây là nữ thần chung cho cả hai dân tộc. Nghĩa là khi nói đến nữ thần Poh Nagar là nói đến Thiên Y Ana và ngược lại.

Và câu chuyện cổ tích về sự hình thành ngôi đền này đều xuất phát từ sự hòa đồng về chốn linh thiêng, cả hai dân tộc đều thờ bà chúa cao cả, có công đem lại đời sống tốt đẹp cho loài người. Nữ thần Poh Nagar (Thiên Y Ana) đã dạy cho con người biết cách làm ăn, trồng lúa, dệt vải, đúc dụng cụ sản xuất và yêu thương đồng loại.

Từ đó nhân dân đã lập đền thờ, xây tháp, tạc tượng để tưởng nhớ công ơn của nữ thần Poh Nagar cách đây hơn ngàn năm. Khu đền được người Chăm xây dựng từ năm 817, trên đồi Cù Lao, cách thành phố Nha Trang chừng ba cây số. Nó đánh dấu một thời kỳ huy hoàng nhất của dân tộc Chăm (Chiêm Thành) trên dải đất miền Trung Nam Bộ. Đây là một di tích tiêu biểu cho nền văn hóa Chăm, với kiến trúc hoàn chỉnh nhất, còn tồn tại đến ngày nay.

Toàn cảnh bốn tháp Poh Nagar ở Nha Trang.

Quần thể kiến trúc được phân khúc, thành ba lớp xây trên đồi Cù Lao, nằm cạnh sông Cái đổ ra biển Đông. Qua bao vương triều Chăm, khu đền tháp được các nhà vua, thần dân cung tiến, củng cố xây dựng ngày một lộng lẫy và là nơi tổ chức lễ hội hằng năm. Trên các bia đá, người Chăm đã ghi rất nhiều sự đóng góp lớn của vua chúa mỗi thời cho khu đền tháp này. Họ luôn muốn thể hiện sự phồn thịnh, giàu có và lòng thành với nữ thần.

Có thể kể ra vô số những báu vật như miện vàng, vòng bạc, ngọc ngà gươm báu, hoặc ngai vàng để đặt tượng nữ thần… Thậm chí vào năm 918, vua Indravarman III đã đúc hẳn một tượng thần Poh Nagar bằng vàng, tựa như người thật để cung tiến, mong muốn lưu danh muôn thuở. Chính vì thế, khu đền tháp Bà được coi là một kho báu khổng lồ, đầy bí ẩn. Để chống sự nhòm ngó của phường trộm cắp, cướp bóc, người ta đào cả một đường hầm bí mật từ trên đồi xuống dưới biển để cất giấu kho báu. Bàn dân thiên hạ còn gọi ngọn đồi tháp là núi vàng.

Sự kỳ thú mỗi ngày một tăng lên. Bọn cướp biển đã để ý. Bọn gian thương đã nhòm ngó núi vàng này. Quả nhiên vào năm 950, một cuộc hỗn chiến đẫm máu đã xảy ra tại đây. Bọn cướp Kambujas từ biển khơi phương Nam đổ bộ lên tàn phá khu đền và giết người cướp của. Chúng phóng hỏa đốt đền rồi bỏ đi cùng với bức tượng thần vàng.

Hay tin cấp báo, vua Chăm Sri Satyavarman đã chỉ huy cuộc rượt đuổi bọn cướp biển. Nhưng toàn bộ của cải chúng đã vất hết xuống biển. Mãi 15 năm sau, đền thờ Poh Nagar mới được phục dựng lại với kiến trúc rực rỡ hơn và mở rộng thêm những hệ thống tháp đẹp hơn. Riêng tượng nữ thần được đúc bằng đá xanh. Những lưu dấu di tích từ ngày đó còn được bảo tồn cho đến ngày nay, tuy một phần đã bị tàn phá theo thời gian và chiến tranh hơn 1.000 năm qua.

Có thể nói, tháp chính Poh Nagar và ba tháp phụ trên đồi, cùng với 10 trụ tháp phía dưới là công trình kiến trúc hoàn chỉnh nhất của người Chăm còn được giữ lại trong cả hệ thống tháp kéo dài suốt dải miền Trung Nam Bộ.

Riêng đường hầm bí mật dẫn xuống kho báu dưới biển đã bị xóa dấu tích. Vậy nên trong dân gian truyền lại, vẫn còn đó một kho vàng dưới biển, chỉ ngay trước mặt đền tháp Poh Nagar mà thôi. Phía trước là vịnh biển Nha Trang, cách chân tháp không xa có cụm đá Hòn Chữ. Đứng ngay trên cầu Xóm Bóng, ai cũng có thể nhìn thấy chúng. Trên đá Hòn Chữ có những ký hiệu Chăm cổ (mang những dấu tích văn hóa Ấn Độ xưa).

Dân gian truyền lại, nếu đọc được những chữ cổ này, ắt có thể biết được con đường xuống biển tới kho báu. Không ít lần người ta đã thấy những ánh chớp xanh lóe lên từ Hòn Chữ. Đã có người chết vì dám lặn mò xuống chân Hòn Chữ để tìm cửa hầm bí mật. Hay còn có chuyện, nhiều khi vào nửa đêm, trên đồi tháp Bà Poh Nagar vẫn bừng lên một quầng sáng màu vàng ruộm. Đó là ánh sáng thần linh báo hiệu, vẫn còn đâu đó một kho báu đang hiện hữu, bí ẩn khôn lường.

Xóm Bóng - làng nghệ sĩ

Thật may lần này khi lên tháp Poh Nagar, tôi được xem chính những người xóm Bóng biểu diễn, phục vụ du khách. Họ là những nghệ sĩ dân gian người Chăm ở xóm Bóng, dưới chân đồi Cù Lao. Trải qua hàng trăm năm, xóm Bóng xưa còn ở một cù lao dưới biển và lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá. Từ xưa họ tập hợp xung quanh chân đồi để hát ca trong những ngày lễ hội. Dần dần số người đông lên và lập thành những "gánh hát" nhỏ, quây quần thành một xóm. Gọi là xóm Bóng.

Ta có thể hình dung họ như những người hát những Giá Đồng ở ngoài Bắc. Họ phục vụ lễ hội Chăm vào cuối xuân mỗi năm. Đó là ngày lễ Vía bà nữ thần Poh Nagar (Thiên Y Ana). Trong lễ hội, ngoài lễ tắm tượng nữ thần, còn có múa quạt, múa đèn, dâng bông và hát bóng. Đó là sự hóa thân của những nghệ sĩ vào những ngôi vai thần linh để múa hát truyền dạy lẽ đời, sống sao phải trọng nghĩa, trọng tình.

Đời sống lãng du của những người nghệ sĩ xóm Bóng đã được phản ánh trong ca dao như: "Ai về xóm Bóng quê nhà. Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không? Thế thường tre lụn còn măng. Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành".

Hệ thống trụ tháp.

Tôi cố lách lên phía trên để nghe cho rõ hơn lời hát và những điệu múa quạt bay bổng trước mặt. Lời ca của Chăm khi dịch ra tiếng Việt nghe sao gần gũi, thân thương. Một người vừa vỗ trống vừa hát phụ cho cô gái thật hồn hậu và đằm thắm. Tôi được anh trưởng đoàn dịch lại lời cô hát rằng: "Trên có ông xanh cao rộng. Dưới có biển lặn sông trong. Em mà ăn ở hai lòng. Trời tru đất diệt không mong thấy chàng".

Hay khi chàng trai cất tiếng trả lời thì lại ví von: "Chừng nào Hòn Chữ bể tư. Cửa Nha Trang kia có cạn, anh mới từ nghĩa em". Tôi bị mê hoặc trong cơn mộng du với tiếng kèn réo rắt và điệu múa uyển chuyển của vũ nữ Chăm. Trước mắt, những Apsara quyến rũ trong ánh sáng thơm ngát hương hoa đồng nội. Tôi chợt nhớ đến lời thơ của của thi sĩ Chế Lan Viên viết về sự huyền bí này: "Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo. Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa" (Trên đường về).

Đặc biệt trên cù lao xóm Bóng, còn có cây cầu cũng với tên Cầu Xóm Bóng, để đánh dấu một hình ảnh hoạt động văn hóa đặc sắc trong lễ hội vào tháng 3. Cầu vượt qua sông Cái, sông lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, dẫn nối thành phố Nha Trang với khu đến tháp Bà, rồi đi tiếp về phía đông. Xưa con cầu thấp và là đường dẫn cho đoàn người khắp nơi đổ về ngay lễ Vía bà. Nay cầu được dựng khá lớn và trở thành biểu tượng của thành phố về kiến trúc hiện đại và trung tâm văn hóa du lịch tâm linh. Cầu Xóm Bóng luôn hiển hiện như một chứng tích cho những câu chuyện cổ, với những kho báu dưới biển và những vũ nữ Chăm thanh thoát với điệu múa tình tứ, đắm say.

Hòn Vợ - Hòn Chồng

Nằm trong khu du lịch tâm linh, đền Tháp Poh Nagar, ngoài xóm Bóng, còn có bãi đá Hòn Vợ - Hòn Chồng. Bãi đá này được coi là cái đuôi rồng nối tiếp khu dãy núi Trường Sơn chảy ngang ra biển. Đồng thời nó cũng là phần còn sót lại của ngọn đồi vàng trên khu Tháp Bà.

Điều kỳ lạ nơi đây còn dấu bàn tay khổng lồ lõm vào một tảng đá lớn. Người ta kể đó là dấu tích bàn tay của một chàng trai khổng lồ để lại sau một cuộc chiến một mất một còn với các nàng tiên. Và tảng đá lớn ấy như một cánh buồm trên con tàu, tượng trưng cho người đàn ông ra khơi (Hòn Chồng), không hẹn ngày về.

Còn phía xa, gần bờ là những tảng đá dựng đứng, tạo dáng người đàn bà ngóng chồng trở về. Đó chính là Hòn Vợ. Câu chuyện mang tính huyền thoại nhưng là dấu tích tâm hồn, được gìn giữ với câu ca về tình yêu thủy chung mà người xóm Bóng vẫn hát bao đời nay.

Nha Trang, tháng 5-2018

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-den-xua-do-nat-duoi-thoi-gian-494988/