Những đêm trắng tại trung tâm chỉ huy cứu hộ-cứu nạn

Các tình huống thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn diễn ra bất ngờ, chỉ trong tích tắc có thể để lại hậu quả khôn lường về người và tài sản.

Bởi vậy, đòi hỏi cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ-cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) phải trực 24/24 giờ, luôn sẵn sàng “tác chiến” để khi nhận được thông tin thì nhanh chóng xác minh, đánh giá mức độ ảnh hưởng, kịp thời đề xuất phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện ứng phó các sự cố bảo đảm hiệu quả nhất.

Sẵn sàng “tác chiến” 24/24 giờ

23 giờ ngày thứ bảy (2-7), chúng tôi vượt mưa dông để đến Sở chỉ huy Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN. Lúc này, bão số 1 (tên quốc tế là Chaba) đã suy yếu và đi vào đất liền Trung Quốc nhưng Đại tá Nguyễn Việt Hoa, Trực ban trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cùng kíp trực vẫn tất bật với công việc. Trước mặt anh Hoa là bản đồ tác nghiệp, máy cơ yếu; các màn hình hiển thị theo dõi cấp độ sóng biển, dòng hải triều, hoạt động của tàu cá ở các khu vực trên Biển Đông. Vừa "dán mắt" vào màn hình, anh Hoa vừa chú ý nghe tín hiệu từ những máy fax quân sự, dân sự, hệ thống thông tin liên lạc... ở sau lưng, sẵn sàng nhận thông tin để kịp thời ứng phó với các sự cố.

Quan sát kíp trực làm việc đến lúc bớt bận rộn, tôi hỏi anh Hoa: “Bão số 1 không đổ vào nước ta mà trực vẫn căng anh nhỉ?”.

Anh Hoa cúi xuống, kéo sọt rác to đựng đầy giấy in ra và nói: “Gần 2/3 gram giấy A4 về xử lý thông tin, văn bản của ca trực này đấy đồng chí ạ! Nhưng hôm nay vẫn chưa là gì so với những lần bão lớn đổ bộ vào nước ta đâu”...

 Thông tin từ Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn đã giúp nhiều bệnh nhân nặng trên biển, đảo được kịp thời đưa vào đất liền để chữa trị. Ảnh: HÙNG KHOA

Thông tin từ Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn đã giúp nhiều bệnh nhân nặng trên biển, đảo được kịp thời đưa vào đất liền để chữa trị. Ảnh: HÙNG KHOA

Tôi thấy trên mặt bàn làm việc của anh, hệ thống văn bản được sắp xếp ngay ngắn theo thứ tự: Thông tin diễn biến hoạt động TKCN trên biển; báo cáo nhanh tình hình triển khai ứng phó bão số 1 của các đơn vị, địa phương; tình hình nắng nóng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; tình hình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; báo cáo tình hình thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trong ngày; cập nhật diễn biến dịch Covid-19...

Công việc của Đại tá Nguyễn Việt Hoa và các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN thường xuyên như vậy. Kể cả những ngày không có bão tố, lũ lụt, họ vẫn lặng thầm trực thâu đêm với nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản, bởi các tình huống tai nạn, sự cố trên biển, trên đất liền và trên không vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đưa tay vuốt ngược mái tóc, anh Hoa cho hay: “Cả hai bên nội ngoại nhà tôi không ai tóc bạc sớm. Nhưng chỉ sau 5 năm công tác tại trung tâm, mái tóc của tôi đã bạc gần hết, nhiều người bảo nguyên nhân là do trực đêm thường xuyên. Đã mấy lần đang ngủ say ở nhà, nghe hoặc mơ thấy âm thanh như tiếng máy fax, chuông điện thoại, theo phản xạ, tôi bật dậy nhanh như điện khiến vợ giật mình hỏi “Anh bị làm sao đấy?”. Lúc ấy, tôi mới biết mình đang ngủ ở nhà”.

Kim đồng hồ chuyển sang ngày 3-7, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp ở Trung Quốc, nhưng Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cùng kíp trực vẫn không rời mắt khỏi màn hình và để ý các thông tin, bởi mưa lớn sau bão dễ gây sạt lở, lũ quét, ngập lụt... Đang trao đổi với chúng tôi, điện thoại của anh kêu “Teng! Teng!”. Đọc xong dòng tin nhắn: “Cả 3 tàu cá và các thuyền viên vừa về đến đất liền an toàn rồi anh à”, anh Sơn cười rồi chia sẻ: “Trưa ngày 1-7, nhận được thông tin tại khu vực cách phía đông Đà Nẵng khoảng 80 hải lý, có 2 tàu cá QT 92399TS và QT 90139TS bị sóng đánh chìm, trên 2 tàu có 8 ngư dân, chúng tôi lập tức xác định tọa độ, gửi thông báo đến Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, đề nghị tàu, thuyền trong khu vực đến ứng cứu hai tàu cá bị nạn kịp thời. Nay họ đã trở về an toàn, mừng quá. Đối với những người lính cứu hộ, cứu nạn, niềm vui lớn nhất là nhận tin báo đã cứu thành công người gặp nạn”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, dẫn đến nhiều thiên tai, sự cố. Nhưng với tinh thần chủ động nắm chắc tình hình, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, cứu nạn thì ngay lập tức cán bộ, nhân viên ứng trực tại trung tâm kịp thời xử lý mọi tình huống; tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhanh chóng ra các văn bản, công điện chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó với các sự cố kịp thời, hiệu quả.

Cần thông tin chính xác, kịp thời

"Alô! Alô! Tôi là Nguyễn Tiến Phong ở thôn... Bão đang vào gần đất liền, đề nghị Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN chỉ đạo cho người đến nhà tôi chặt giúp cây dừa, sợ nó đổ vào nhà...”.

Theo các đồng chí trực tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN, thi thoảng vẫn có những cuộc điện thoại như vậy gọi về trung tâm, thậm chí, có ngư dân chỉ bị trầy xước nhẹ ở chân, tay cũng đề nghị giúp đỡ. Khá nhiều tin báo không đúng thực tế nhưng làm cán bộ, nhân viên trung tâm phải mất thời gian liên hệ điều tra, xác minh.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành Tìm kiếm cứu nạn theo dõi đường đi của bão số 1, đêm thứ 7 ngày 2-7.

Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN là nơi tham mưu cho chỉ huy các cấp và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN chỉ đạo, điều hành và phối hợp các lực lượng trên phạm vi cả nước trong thực hiện nhiệm vụ TKCN. Tuy nhiên, có văn phòng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương duy trì trực chưa thường xuyên nên việc liên lạc để triển khai ứng phó với những sự cố phức tạp, khẩn cấp, cần huy động lực lượng tại chỗ ngay có lúc còn khó khăn.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Để ứng cứu kịp thời các sự cố thiên tai, tai nạn đắm tàu hay người đi biển bị bệnh hiểm nghèo... cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn sẵn sàng trực 24/24 giờ. Nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông hay các sự cố thiên tai, hỏa hoạn... chúng tôi luôn bảo đảm 100% quân số thực hiện nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm. Quy trình xử lý bắt đầu từ nhận thông tin; tác nghiệp trên bản đồ, hải đồ; xác minh; đề xuất các phương án xử lý... Các bước đều phải tiến hành nhanh chóng, chính xác để ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất nên rất mong mọi thông tin gửi đến phải đúng sự việc và kịp thời. Trên thực tế, nhiều trường hợp báo nạn quá muộn nên khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn cơ động được đến nơi thì không thể cứu được nữa. Chúng tôi mong nhận được thông tin báo nạn nhanh chóng và chính xác để bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn thành công".

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN nhận thông tin và đã tham mưu ban hành hàng trăm văn bản, công điện của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp chỉ đạo các đơn vị, địa phương điều động hơn 700.000 lượt người, hơn 30.000 lượt phương tiện khắc phục hậu quả gần 8.000 vụ, cứu hơn 12.000 người và 800 phương tiện...

Bài và ảnh: SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-dem-trang-tai-trung-tam-chi-huy-cuu-ho-cuu-nan-699081