Những đêm diễn giàu ý nghĩa

Đã lâu lắm, người mê cải lương mới thấy sân khấu Hồng Liên (259 Hậu Giang, quận 6) sáng đèn. Suất diễn tối 17-9 mang tên 'Kết nối thiện tâm' khá đặc biệt, tài tử hát chỉ lấy cát-xê tượng trưng, các mạnh thường quân và khán giả trực tiếp ủng hộ kinh phí cho đêm diễn và gây quỹ giúp các nghệ sĩ (NS) già neo đơn, xây nhà tình thương cho người nghèo.

Một tiết mục tại đêm diễn "Kết nối thiện tâm".

Bà Huỳnh Mỹ Phương, ngụ gần bến xe Chợ Lớn hồ hởi nói, lâu lắm rồi mới được đi xem hát cải lương, ngày trước thì thường xuyên. Rạp Hồng Liên đông người xem vì có nhiều tài tử giỏi và các vở diễn hay. Ðêm diễn chưa bắt đầu, nhưng đã có khá đông người mê cải lương đến rạp. Cũng như bà Phương, nhiều người đến sớm chỉ để mong nhìn thấy tận mắt tài tử mình yêu thích và sống lại không khí tuồng hội truyền thống của cải lương vốn đã ngấm vào máu thịt mình từ lâu.

Ðêm diễn có các tiết mục ca cổ, tân cổ giao duyên, tấu hài và biểu diễn thời trang do các tài tử nổi tiếng biểu diễn như NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Chung Tử Long, vợ chồng NS Vương Long - Hương Thảo... Tiền thù lao các NS chỉ lấy tượng trưng, ai cũng biểu diễn say mê và đầy cảm hứng. Khán giả đến kín rạp, họ vừa xem hát vừa trực tiếp quyên tiền để cùng với giới nghệ sĩ làm từ thiện, có người ủng hộ đến hai lần. Ông Huỳnh Linh, một khán giả cao niên ngụ ở quận 5 chia sẻ: Cải lương là một môn nghệ thuật đặc sắc, món ăn tinh thần thân thuộc với người Nam Bộ. Chỉ tiếc là mấy năm gần đây, cải lương ít được biểu diễn ở các sân khấu quen thuộc để người dân, nhất là người lao động nghèo thưởng thức. Khán giả đóng góp mỗi người một ít cũng chỉ mong cải lương giữ được nhịp ca, các NS có thêm điều kiện để đến với sân khấu và người mê cải lương lại được đắm chìm trong tiếng đờn cò, tiếng đàn hạ uy di cùng những giọng ca của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Là mạnh thường quân, đồng thời là người kêu gọi giới doanh nhân chung tay bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật văn hóa cải lương, bà Huỳnh Thị Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Unesco Doanh nghiệp văn hóa Việt Nam cho biết, cải lương là môn nghệ thuật truyền thống của cha ông nhưng vì nhiều lý do mà môn nghệ thuật này ngày càng bị mai một. Mục đích của các đêm diễn "Kết nối thiện tâm" là để các NS cải lương có đất diễn, không quên nghề, khán giả được sống lại những lời ca, điệu múa của môn nghệ thuật này. NS Hương Thảo, Trưởng ban tổ chức chương trình cải lương "Kết nối thiện tâm" cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, chương trình đã thực hiện được bốn đêm diễn, mục tiêu là duy trì "dòng chảy cải lương" trong đời sống của người dân, chung tay đóng góp hỗ trợ những NS già neo đơn, xây nhà cho người nghèo.

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Hội trưởng hội từ thiện "Kết nối thiện tâm" cho biết: "Chúng tôi muốn gây quỹ để giúp đỡ cho các NS cải lương nghèo, đồng thời tạo đất diễn cho các NS vốn rất yêu nghề và có dịp giao lưu với khán giả cải lương gần xa. Riêng trong đêm diễn lần thứ nhất tổ chức tại Rạp Hưng Ðạo, số quỹ thu được đã giúp các NS nghèo ăn Tết và 110 phần quà gửi đến cho những người khuyết tật, bị nhiễm chất độc da cam. Lần hai chúng tôi hỗ trợ đặt máy trợ tim cho nhạc sĩ Duy Khanh và giúp cho một bệnh nhân bị bệnh phổi. Ðêm diễn lần ba ở Rạp Công Nhân kết thúc, số quỹ gây được đã xây được căn nhà cho mẹ con chị Nguyễn Phương Linh (Vĩnh Long) và anh Phạm Văn Hai ở Cần Giuộc (Long An) có nơi để ở.

Nghệ sĩ Hương Thảo cho biết, cuối năm nay, 20 hội viên của chương trình từ thiện "Kết nối thiện tâm" cố gắng tổ chức một đêm diễn hoành tráng, vừa để phục vụ người dân thành phố mê cải lương, vừa có thêm kinh phí gửi tặng các NS nghèo neo đơn và những người nghèo khó. "Các NS cải lương mong sân khấu luôn sáng đèn để được hát, người yêu cải lương thành phố muốn có nhiều hơn những đêm diễn để thưởng thức những lời ca ngọt ngào từ các NS vốn là thần tượng của mình. Ðây cũng là mục đích của chương trình "Kết nối thiện tâm" mà các hội viên mong muốn đóng góp", NS Hương Thảo nói thêm.

Ðại Ðồng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37719702-nhung-dem-dien-giau-y-nghia.html