Những đề xuất chính sách gây tranh cãi và vai trò phản biện của dư luận

Dùng lu để chống ngập nước cho TP.HCM; Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải nộp phí chia tay; Cải cách chữ tiếng Việt;… là những đề xuất gây tranh cãi nhiều nhất trong dư luận thời gian qua.

“Bất lực” trước tình trạng ngập lụt, đại biểu HĐND TP.HCM đề xuất mua lu chống ngập

TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, nằm ở hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai và giáp với biển Đông, nơi có địa hình thấp và khá bằng phẳng với gần 75% diện tích có cao độ dưới +2 m, chịu tác động trực tiếp dòng chảy lũ từ thượng lưu thông qua các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn cũng như những tác động trực tiếp từ biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng.

Mưa ngập trên đường phố TP.HCM (Ảnh: Vietnamnet)

Mưa ngập trên đường phố TP.HCM (Ảnh: Vietnamnet)

Trong những năm qua, các cấp chính quyền của TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng ngập úng, dù đã thu được nhiều kết quả tích cực nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

“Bất lực” trước tình trạng ngập lụt, ngày 12-7 tại kỳ họp HĐND TP.HCM, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM đã đề xuất dùng lu để chống ngập nước.

Đề xuất này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến cho rằng đề xuất này là không khả thi mà ngược lại, nó chỉ làm ổ cho lăng quăng và sẽ làm bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại phiên họp chiều 12-7 (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân giải thích đề xuất này xuất phát từ sáng kiến của các chuyên gia Nhật Bản, theo nguyên tắc “tích tiểu thành đại”. Ngoài ra, đây chỉ là biện pháp tạm thời khi trời mưa lớn, khi trời tạnh mưa thì nước trong lu sẽ dùng để tưới cây hoặc rửa xe. Tuy nhiên, do cách gọi quá dân gian nên khiến nhiều người hiểu lầm.

Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải nộp “phí chia tay”

Chiều 12-3, trong phiên thảo luận về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đã đề xuất vào luật quy định “thu phí chia tay” khi công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với số tiền từ 3 đến 5 USD. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Sáng 13-3, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô bên hành lang Quốc Hội, ĐB Nguyễn Quốc Hưng giải thích lý do ông đề xuất như vậy là để tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho cơ quan chức năng Việt Nam tại nước ngoài và nhân viên xuất nhập cảnh trong nước, từ đó tăng chất lượng phục vụ của họ đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài và công dân Việt Nam có nhu cầu xuất nhập cảnh.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Theo ông Hưng, khoản phí này không lớn, chỉ bằng một bữa ăn sáng, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng luật này ví dụ như Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh, đề xuất của ông mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, còn cần Quốc hội thảo luận và nghiên cứu xem có phù hợp hay không.

Cải cách chữ tiếng Việt

Cuối năm 2017, dư luận bùng nổ cuộc tranh cãi khi PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất cải cách tiếng Việt theo nguyên tắc: “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”. Theo nguyên tắc này thì "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

PGS.TS Bùi Hiền là một nhà giáo có gần 30 năm công tác giảng dạy Tiếng Nga - người đưa ra đề xuất cải tiếng tiếng Việt (Ảnh: Dân trí)

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học chia sẻ những đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền là không mới, trước đây cũng có rất nhiều đề xuất tương tự, tuy nhiên đề xuất của PGS Hiền thì rối rắm hơn các đề xuất trước đó. GS Thêm cũng nhấn mạnh là việc thay đổi chữ Quốc ngữ là vô cùng phức tạp, có nhiều thứ liên quan chứ không chỉ đơn thuần là tính logic thuần thúy của ngôn ngữ.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học (Ảnh: Zing)

Trước những tranh luận gay gắt trong dư luận, Chính phủ đã khẳng định chưa có nhu cầu cải tiến chữ Quốc ngữ.

Vai trò phản biện của dư luận

Thời gian qua, bên cạnh những chính sách tốt, có tính thực tiễn cao thì vẫn tồn tại nhiều chính sách xa rời thực tiễn, gây hoang mang trong dư luận. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định là phải bảo đảm cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện, tranh luận,… ở những khâu đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đó cũng là chủ trương, nguyên tắc trong việc xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử.

Lê Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-de-xuat-chinh-sach-gay-tranh-cai-va-vai-tro-phan-bien-cua-du-luan/817623.antd