Những đề xuất cải cách giáo dục khiến dư luận tranh cãi gay gắt

Các đề xuất giáo dục như: Cải cách bảng chữ cái tiếng Việt, loại bỏ tác phẩm 'Chí Phèo' khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, mới đây nhất là cải cách SGK lớp 1 'Công nghệ giáo dục'... gây khá nhiều tranh cãi và nhận được phản hồi đa chiều từ dư luận.

 1. Cải cách SGK lớp 1 "Giáo dục công nghệ" Vừa qua, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã công bố quyết định thẩm định Bộ SGK lớp 1 - "Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại xếp loại "không đạt" với lý do sách “vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1"

1. Cải cách SGK lớp 1 "Giáo dục công nghệ" Vừa qua, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã công bố quyết định thẩm định Bộ SGK lớp 1 - "Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại xếp loại "không đạt" với lý do sách “vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1"

Trước đó, bộ sách này đã nhiều lần khiến dư luận xôn xao. Phần lớn phụ huynh có phản ứng tiêu cực khi thấy con đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ, từ đó cho rằng phương pháp học này phản khoa học, khó hiểu, học vẹt

Nhiều thầy cô giáo đã dạy học theo chương trình sách "Công nghệ giáo dục" lại cho rằng đây là cách tiếp cận mới và có tác dụng cao. Trẻ sẽ hiểu được bản chất nên nhớ rất lâu và không bị tái mù chữ. Sau 3 tháng, trẻ có thể tự đọc và ghi lại rất chắc chắn, hầu như các em không quên

Đáng nói là, bộ sách này đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng 900.000 học sinh theo học, nay lại bị loại bỏ, khiến dư luận hoang mang liệu có gây khó khăn trong việc dạy và học cho các trường đang áp dụng hay không

Cụ thể, năm 1978, sách bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Từ năm 2000, bộ sách được thí điểm trong phạm vi hẹp. Năm 2006, bộ sách được triển khai giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số, 2 năm sau đó được thí điểm trong khoảng 20 tỉnh. Đến năm 2012, bỏ thí điểm, mở rộng phạm vi áp dụng sách. Năm 2019, bộ sách được yêu cầu tái thẩm định

“Tôi thanh thản sau khi sách công nghệ giáo dục bị loại khỏi vòng thẩm định. Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là nghe cái gì, nghe ai, ai nói”, GS Hồ Ngọc Đại nói

2. Đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền Năm 2017, PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 ký tự rút xuống còn 31 ký tự. Trong đó: bỏ chữ Đ và bổ sung chữ cái tiếng Latin F, J, W, Z; đồng thời thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên

Theo đó, "tiếng Việt" sẽ viết thành "tiếq Việt", "nhà nước" là "n'à nướk", "Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"

Ông cho rằng, điều đó sẽ giảm được khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập. Tuy nhiên, đề xuất này vừa được công bố ngay lập tức đã nhận được phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Nhiều người cho rằng, cách viết này kỳ quái, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt

Các chuyên gia ngôn ngữ học cũng "vào cuộc" phân tích. PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc TT Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Đại học KHXH &NV – ĐHQG Hà Nội cho rằng: đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền về cơ bản hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, nếu được áp dụng sẽ gây ra tình trạng lộn xộn về chính tả vì sự xung đột giữa thói quen viết lối cũ với cách viết

Ông cho biết thêm: "Đây chỉ là một báo cáo khoa học của cá nhân chứ không phải là đề xuất của một tổ chức khoa học hay cơ quan nhà nước nào nên mọi người cũng không nên quan trọng hóa vấn đề. Ít ra đây cũng là dịp để mọi người hiểu biết hơn về chữ quốc ngữ và cách ứng xử với nó"

3. Đề xuất loại tác phẩm “Chí Phèo" khỏi SGK Ngữ văn 11 “Chí Phèo” là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao được đánh giá là một trong những tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8/1945 và được đưa vào chương trình giáo dục cấp phổ thông trung học, nằm trong bộ sách Ngữ văn lớp 11 từ rất lâu

Tháng 12-2017, T.S Nguyễn Sóng Hiền - NCS tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) bất ngờ đề xuất loại bỏ tác phẩm này ra khỏi chương trình học để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh - giai đoạn mà tâm sinh lý các em phát triển khá phức tạp, dễ tiêm nhiễm cái xấu

Anh cho rằng: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh"

Theo anh, Chí là một cá nhân xin đểu, đập phá, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, cưỡng bức, giết người lúc say, "đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án. Đâu ai dám chắc được rằng tất cả học sinh có thể nhận thức được cái hay của tác phẩm, hay chỉ nhìn vào những cái xấu của nhân vật Chí để bắt chước"

Ngay lập tức, ý kiến này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết phản biện rằng: "Cách nhìn nhận của Sóng Hiền không liên quan đến văn chương và lệch lạc". Với giá trị một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, truyện ngắn Chí Phèo "luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó"

PGS. Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cũng nói: "Với tôi bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp"

Bên cạnh những ý kiến phản đối gay gắt, cũng có ý kiến cho rằng đây là một đề xuất đáng để suy ngẫm và cân nhắc vì nội dung tác phẩm đã không còn phù hợp với thời đại mới và có thể tác động tiêu cực đến hiện tại

Hoa Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-nhung-de-xuat-cai-cach-giao-duc-khien-du-luan-tranh-cai-gay-gat/825328.antd