Những đề thi quái dị khiến học sinh ngơ ngác, có đề suýt làm một quán cà phê sập tiệm

Trong đề thi luôn có những câu khó nhằn, nhưng một số đề còn có những câu oái oăm, hơn cả đánh đố, khiến các sĩ tử cũng ngơ ngác.

Đi thi mà “trúng tủ” thì tuyệt, nhưng có những đề thi rõ ràng sẽ không phải là “tủ” của bất kỳ ai, khiến học sinh có vô số kiểu phản ứng khác nhau.

1. Năm 2018, học sinh lớp 5 ở thành phố Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) từng đối diện với một đề thi có vẻ là “một câu hỏi lớn không lời đáp” thế này: “Nếu trên một con tàu có 26 con cừu và 10 con dê, thì thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”.

“Thuyền trưởng ít nhất phải 18 tuổi vì trẻ em không được phép lái tàu” - một học sinh viết.

“Thuyền trưởng 36 tuổi. Ông ấy rất yêu bản thân, nên số con vật trên tàu cũng phải bằng số tuổi ông ấy” - một học sinh khác trả lời.

Nhiều phụ huynh phê bình đề thi này là “vô lý”, nhưng cũng có người nói, đề thi khiến học sinh suy luận, nên rất đáng khen.

Phía Sở Giáo dục đã khẳng định rằng, câu hỏi này không có một đáp án đúng, mà mục đích của người ra đề là thử khả năng nghĩ sáng tạo của học sinh.

2. Học sinh thi GCSE (Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) ở Anh đã từng hoang mang trước một câu hỏi trong đề thi môn Sinh học. Câu hỏi này là về Charles Darwin, nghe có vẻ rất hợp lý cho môn Sinh. Tuy nhiên, nội dung của nó lại là: “Hãy giải thích tại sao Darwin lại được vẽ thành một con khỉ”, kèm theo bức tranh.

Đề thi này khiến một số học sinh rất giận dữ khi cho rằng, thật thiếu công bằng vì họ không được hỏi về những chủ đề mà mình đã ôn suốt nhiều tháng. Một học sinh trút giận trên Twitter: “Tôi ôn thi về tính nội cân bằng và chu kỳ nguyệt san, rồi bây giờ tôi lại được hỏi là tại sao Charles Darwin được vẽ thành khỉ”.

3. Cũng trong kỳ thi GCSE vào một năm khác, học sinh Anh lại gãi đầu gãi tai khi được hỏi về máy rửa bát trong đề thi môn Địa. Đề thi thế này: “Dân số nước Anh được ước tính sẽ tăng từ 64,6 triệu người (năm 2014) lên 74,3 triệu người (năm 2039). 27% số dân có máy rửa bát vào năm 2001/02 và 40% vào năm 2010. Hãy cho biết tại sao nhu cầu dùng nước sẽ dễ tăng lên trong tương lai”.

Câu hỏi này chỉ được 2 điểm trong tổng số 75 điểm của bài thi nhưng cũng khiến hàng trăm học sinh than vãn trên mạng xã hội, rằng họ ôn về biến đổi khí hậu cơ mà, có phải ôn về thiết bị nhà bếp đâu.

4. Hơn 43.000 học sinh ở Victoria (Úc) đã làm bài thi tiếng Anh trong kỳ thi hết lớp 12, kể về một vị khách (hư cấu) tên là Jonty Jenkins, không hài lòng về nhân viên phục vụ ở một quán cà phê (cũng hư cấu) tên là Calmer Café. Trong đề thi, quán Calmer bị miêu tả là “nhạt nhẽo”, “vô vị”, “tầm thường”.

Ai ngờ là có một quán cà phê cùng tên như thế thật, là quán Calmer Café ở Aberfeldie (phía Bắc Melbourne). Thế là, chỉ trong vòng vài tiếng sau giờ thi, học sinh dồn lên Google để viết review thậm tệ về quán này, rằng “đồ uống dở tệ”, “đáng chán”, dù các bạn ấy chưa hề tới quán. Thậm chí, có bạn còn viết: “Quán của các người phải chịu trách nhiệm về điểm số bài thi của tôi”.

Chủ tiệm là cô Elise Jenkins đã rất giận dữ, cho rằng việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quán của cô. Bởi vậy mà sau đó, một người phát ngôn của Cơ quan Đánh giá và Giảng dạy Victoria đã phải xin lỗi chủ quán Calmer, rồi kêu gọi học sinh ngừng đánh giá vô tội vạ.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hoa-hoc-tro/nhung-de-thi-quai-di-khien-hoc-sinh-ngo-ngac-co-de-suyt-lam-mot-quan-ca-phe-sap-tiem-1689338.tpo