Những đề thi Ngữ văn gây ồn ào: Đừng buông lỏng quản lý để tiếng Việt bị phai mờ sự trong sáng

Liên tiếp các đề thi học kỳ môn Ngữ văn có nội dung không phù hợp đã xuất hiện thời gian gần đây. Vai trò của Ban giám hiệu nhà trường và Phòng Giáo dục ở đâu là câu hỏi của rất nhiều người. Câu chuyện sơ xuất không thể cứ nói đi nói lại mãi, vì giáo dục sự trong sáng của tiếng Việt, sự yêu thích môn Văn đối với các em đã là hành trình không dễ dàng.

Chuyện nhạy cảm cũng vào đề văn

Mới đây, đề thi học kỳ môn Văn của học sinh lớp 9 ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã khiến dư luận có rất nhiều ý kiến. Theo đó, trong phần Đọc - hiểu chiếm 3 điểm, đề bài trích 1 mẩu truyện cười dân gian để đưa ra các câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời. Sẽ không có gì đáng nói nếu đoạn trích được sử dụng có ý nghĩa, nội dung chuẩn chỉnh, có tính giáo dục, song đề bài này lại thể hiện rõ mồn một chuyện nhạy cảm... mẹ chồng có bồ.

Quan điểm của những người quan tâm sau khi đọc qua đề bài đều cho rằng đề bài quá dung tục, không phù hợp với lứa tuổi teen lại chẳng hề có tính chuyên môn nào. Được biết, sau vụ việc, giáo viên ra đề đã bị đưa ra kiểm điểm.

 Đề thi học kỳ môn Văn gây tranh cãi của học sinh lớp 9 ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Đề thi học kỳ môn Văn gây tranh cãi của học sinh lớp 9 ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, Phòng GD&ĐT Chư Sê đã có báo cáo về vụ việc này.

Cũng theo ông Định, đề thi có vấn đề ở phần đọc hiểu, giáo viên ra đề chọn ngữ liệu không có tính giáo dục cao. Sau khi nhận được nhiều góp ý về đề thi, Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê đã yêu cầu giáo viên ra đề viết tường trình và rút kinh nghiệm sâu sắc. Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê xác định đề thi chưa tốt chứ không đến mức sai trầm trọng dẫn đến phải kỷ luật.

Bài hát hit được đưa ra để phân tích tu từ?

Trong mùa thi học kỳ vừa qua, đề Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Trần Văn Ơn (TP.HCM) cũng gây tranh cãi. Trong phần Đọc - hiểu chiếm 4 điểm của bài làm, giáo viên đã đưa lyrics của ca khúc "Đom Đóm", một bản hit từ nam ca sĩ Jack cho học sinh bàn luận. Dựa vào lời bài hát, học sinh phải xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích, tìm biện pháp tu từ trong một câu hát cũng như trình bày suy nghĩ về thông điệp ca khúc truyền tải.

Đoạn trích trong bài "Đom đóm" của Jack được cho vào đề văn để phân tích tu từ

Sau khi đề bài được chia sẻ trên mạng, không ít ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Một bên khẳng định đây là hành động hết sức sáng tạo và đáng hoan nghênh của quý thầy cô, đồng thời ca ngợi lyrics "Đom Đóm" giàu triết lý, mang tính hình tượng cao, cách dùng từ cũng đậm chất thơ. Phía còn lại thì cho rằng lời bài hát sáo rỗng, không có nhiều giá trị văn học đến nỗi cần đưa vào cả đề thi. Chưa kể cách dùng từ của Jack cũng bị nhận xét là rối rắm, tùy tiện, không đúng với nghĩa của từ.

Và không ít ý kiến cho rằng có rất nhiều tác phẩm, có nhiều đoạn văn, thơ, có nhiều ngữ liệu hiện đại, có tính thời sự có thể đưa vào đề Văn một cách phù hợp mà không cần phải những tác phẩm gây chú ý và gây sốc.

Một đề văn hay phải đáp ứng những yêu cầu như:

Đề thi ấy gây ấn tượng mạnh bởi nó bàn được 2 mặt của vấn đề, cho cái nhìn đa chiều.

Những đề thi hay cần phải có tính khái quát cao, đưa được vấn đề có tính nhân văn lâu dài.

Những đề thi đó vừa có tính thời sự lại mang giá trị, hơi thở của thời đại, không bị lỗi thời, nhưng ngữ liệu đưa vào đề văn phải chọn lọc, chuẩn mực.

Cô giáo Nguyệt Anh - Tổ bộ môn Ngữ Văn trường THPT Hà Nội - Amsterdam

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-de-thi-ngu-van-gay-on-ao-dung-buong-long-quan-ly-de-tieng-viet-bi-phai-mo-su-trong-sang-224944.html