Những dấu hiệu 'nghiện' công việc

Yêu thích công việc là một chuyện nhưng có một số dấu hiệu cho thấy bạn đang 'nghiện' công việc nhiều hơn là bạn nghĩ.

Bạn là người đầu tiên đến và là người sau cùng ra khỏi văn phòng làm việc, mặc dù bạn có thể dành nhiều buổi sáng để miệt mài làm việc trước khi bắt đầu các cuộc họp vội vã ở công ty và dành thời gian vào các buổi tối để sắp xếp công việc cho ngày hôm sau, hoặc thường xuyên làm cùng lúc cả hai công việc… Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang nghiện công việc.

Làm việc quá sức sẽ khiến bạn mệt mỏi, đau ốm và tiêu hao nhiều năng lượng. Một số nghiên cứu cho thấy, làm việc nhiều giờ đồng hồ không phải là cách tận dụng thời gian một cách hợp lý.

Dựa theo kết quả khảo sát của Công ty Ford Motor, cứ mỗi 20 giờ làm việc so với 40 giờ được khuyến cáo, năng suất làm việc chỉ tăng ba hay bốn tuần lễ, trước khi hiệu quả giảm dần. Do vậy, hãy duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa cuộc sống và công việc bằng cách rời văn phòng sau tám giờ đồng hồ làm việc.

Bạn không thể rời bỏ công việc. Những ngày nghỉ là lúc bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu bạn luôn trong tâm trạng căng thẳng về thời hạn sắp tới của một kế hoạch hay dự án trong lúc thư giãn ở bãi biển, hoặc cố gắng chờ đợi những cuộc gọi liên quan đến công việc trong khi tản bộ ngoài thiên nhiên, nghĩa là bạn đang có vấn đề.

Khi rời văn phòng làm việc, hãy cố gắng tắt hết mọi máy móc, thiết bị liên quan đến công việc, để chúng cách xa một nơi an toàn mà bạn không thể tiếp cận. Theo khuyến cáo của một số chuyên gia, hãy hạn chế kiểm tra các email của bạn bằng cách giới hạn ba lần mỗi ngày: một lần khi bạn lần đầu đến văn phòng, một lần sau bữa ăn trưa và một lần nữa trước khi bạn rời văn phòng. Bởi quá bận rộn với công việc sẽ khiến bạn quên đi những giây phút hiện tại.

Bạn thiếu chăm sóc bản thân. Bạn có thường xuyên bị bệnh? Có thể đó là do bạn làm việc quá sức. Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Bryan E. Robinson, những người nghiện công việc có nguy cơ cao mắc những rối loạn về thể chất và tâm lý. Hơn nữa, tình trạng kiệt sức và giảm sút năng lực nghề nghiệp của những người này cũng chiếm tỉ lệ cao hơn.

Làm việc trong lúc đau ốm dễ gây ra sai sót hoặc giảm năng suất. Vậy nên, hãy cố gắng tránh ăn thức ăn nhanh vào bữa trưa hoặc bỏ tập thể dục do rời văn phòng làm việc muộn. Cơ thể của bạn sẽ cám ơn bạn, nếu bạn biết dành thời gian để chăm sóc, và cấp trên của bạn cũng vậy.

Bạn luôn muốn hoàn thành mọi thứ để đạt được sự thành công trong công việc. Việc bạn được mọi người đánh giá cao về những thành quả trong công việc là điều tốt, nhưng nếu để niềm vui của bạn phụ thuộc vào người khác lại là một vấn đề khác.

Jullien Gordon, tác giả cuốn sách 8 Cylinders of Success: How to Align Your Personal and Profession Purpose, chia sẻ: “Trong công việc, nhiều người có xu hướng chờ đợi những đánh giá bên ngoài như đánh giá vào thời điểm giữa năm hoặc hằng năm từ những người khác để biết được mình làm việc tốt như thế nào”.

Điều quan trọng là hãy tìm kiếm những thứ bên ngoài công việc giúp bạn thư giãn đầu óc, dễ đưa đến thành công, chẳng hạn như xem một trận đá bóng có tính tiêu khiển hay tham gia một câu lạc bộ sách tổ chức hằng tuần.

Bạn không có những sở thích hay hoạt động vui vẻ bên ngoài. Khi các mục tiêu và thành công liên quan đến công việc mới là yếu tố quyết định để bạn thức dậy sớm vào buổi sáng, đây là lúc cần sắp xếp lại những ưu tiên của bạn. Bởi tìm kiếm những sở thích không liên quan đến công việc, như tham quan một viện bảo tàng trong thành phố hay làm tình nguyện viên của một tổ chức phi lợi nhuận vào những ngày cuối tuần sẽ đem lại cho bạn cảm giác hài lòng, thay vì dành toàn bộ thời gian của bạn ở văn phòng làm việc.

Bạn không bao giờ nói “không” với cấp trên và hiếm khi nói “có” với bạn bè. Khi bạn bè của bạn nói rằng: “Chúng ta hiếm có thời gian gặp gỡ nhau” hoặc “Bạn thường hay bận rộn vì công việc”, đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo của tình trạng nghiện công việc.

Thực hiện thêm các dự án khi làm việc là điều tốt, nhưng nhận biết bạn đang làm việc quá sức cũng không kém phần quan trọng. Do vậy, đừng lo ngại khi trình bày với cấp trên về những trách nhiệm hiện tại của bạn, trước khi đồng ý nhận thêm việc.

Dành thời gian cho những hoạt động cá nhân và xã hội theo lịch trình đều đặn sẽ đem lại cho bạn một luồng không khí tươi mới sau một ngày dài làm việc ở văn phòng.

Hà Tiên

Hà Tiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/nhung-dau-hieu-nghien-cong-viec-3970708-b.html