Những dấu hiệu 'cảnh báo' bạn bị sỏi tiết niệu, cần phải đi khám ngay

TS.BS Lê Sĩ Trung, chuyên gia phẫu thuật tiết niệu cho biết, nguyên nhân dẫn tới bệnh sỏi thận bao gồm yếu tố di truyền, rối loạn tiêu hóa và đặc biệt là do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý.

Đau quặn thận là triệu chứng điển hình của bệnh sỏi thận- Ảnh minh họa

Đau quặn thận là triệu chứng điển hình của bệnh sỏi thận- Ảnh minh họa

Triệu chứng phổ biến

Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn, hay gặp hơn cả là tinh thể Calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.

Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai hiện tượng trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận.

TS.BS Lê Sĩ Trung, BV Đa khoa Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính của bệnh sỏi thận không uống đủ nước. Một cách đơn giản, chất lỏng giúp tuôn ra thận và giữ cho mọi thứ hoạt động tốt cho sức khỏe, trong khi chế độ ăn giàu protein động vật có thể dẫn đến sự gia tăng axit uric gây ra sỏi. Ngoài ra yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân.

Các triệu chứng của sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Sỏi tiết niệu có 2 loại hoàn toàn khác nhau: Có triệu chứng và không có triệu chứng. Trường hợp điển hình có triệu chứng (đau, rối loạn tiểu tiện, sốt…) thường có kết quả tốt vì các triệu chứng đó buộc bệnh nhân phải đi khám ngay và quyết định phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả.

Ngược lại, nếu không có biểu hiện gì - được gọi là “Sỏi im lặng”- thường chỉ chẩn đoán được 1 cách tình cờ nhờ siêu âm khi khám sức khỏe hoặc khi đã có biến chứng dẫn đến kết quả điều trị bệnh sỏi thận thường rất xấu thậm chí là phải cắt bỏ thận và hơn nữa, ngay cả khi đã biết là có sỏi, bệnh nhân vẫn thường không đồng ý chữa bệnh sỏi thận đơn giản là vì không thấy đau.

Các triệu chứng thường gặp:

- Cơn đau quặn thận: Còn được gọi là “Cơn đau bão thận”, đau dữ dội, đột ngột xuất hiện khi sỏi gây tắc làm áp lực trong thận tăng lên đột ngột. Thường xuất hiện tại 1 bên lưng, lan xuống bộ phận sinh dục, đau gập người, vã mồ hôi. Có thể kèm theo nôn hoặc tiểu ra máu…

- Đau mỏi lưng đơn thuần 1 bên: Rất hay gặp và thường bị bỏ qua. Cần lưu ý làm siêu âm.

- Các loại đau không điển hình khác: Đau tức vùng bìu, dương vật (hoặc môi lớn ở phụ nữ), đau vùng bụng dưới…

- Các rối loạn tiểu tiện: Tiểu máu, tiểu buốt, tiểu nhiều lần…

Trường hợp nặng, bệnh thể hiện với suy sụp toàn thận sốt cao rét run, đau vùng thận…

Trang Dung (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-dau-hieu-canh-bao-ban-bi-soi-tiet-nieu-can-phai-di-kham-ngay-a481529.html