Những dấu ấn khoa học công nghệ thế giới năm 2018

Năm 2018, thế giới chứng kiến sự ra đi của thiên tài vật lý Stephen Hawkings, những cột mốc trên hành trình khám phá vũ trụ của con người hay nghiên cứu chỉnh sửa gene người gây tranh cãi…

1. Giáo sư Stephen Hawkings qua đời

Giáo sư Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76. Ảnh: AP.

Stephen Hawkings đã ra đi ở tuổi 76 tại nhà riêng ở Cambridge (Anh) ngày 14-3-2018. Ông được coi là một trong những nhà khoa học còn sống vĩ đại nhất thế giới, ông cũng nổi tiếng với vai trò là một nhà vũ trụ học, thiên văn học, toán học và là tác giả của rất nhiều cuốn sách, trong đó phải kế đến cuốn A Brief History of Time (Tạm dịch: Lược sử thời gian) từng bán được hơn 10 triệu bản.

Một trong những công trình khoa học quan trọng của Stephen Hawking là cùng hợp tác với nhà vật lý học Roger Penrose, kết hợp thuyết tương đối và thuyết lượng tử của nhà khoa học Einstein để đưa ra giả thiết về việc không gian và thời gian có thể bắt nguồn từ một vụ nổ Big Bang và kết thúc trong một hố đen.

Năm 1963, thiên tài vật lý này bị mắc chứng ALS (chứng xơ cứng teo cơ một bên), một chứng bệnh thoái hóa thần kinh thường được biết đến với tên gọi bệnh Lou Gehrig. Các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm hai năm. Tuy nhiên, dạng bệnh mà Stephen Hawking mắc phải tiến triển chậm hơn bình thường giúp ông có thể sống tiếp tới hơn nửa thế kỷ. Căn bệnh khiến ông phải ngồi trên xe lăn khi mới 21 tuổi, ông chỉ có thể cử động được một vài ngón tay, mắt, cuộc sống của ông phụ thuộc vào người thân và sự trợ giúp của công nghệ.

2. Hiện tượng nguyệt thực đỏ dài nhất thế kỷ

Ngày 28-7-2018, người yêu thiên văn đã có cơ hội chứng kiến Mặt trăng đỏ khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra. Sự kiện này kéo dài 103 phút - lâu nhất trong một thế kỷ qua. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng đi vào vùng bóng tối của Trái đất và che khuất nguồn ánh sáng Mặt trời. Mặt trăng biến thành màu đỏ đậm vì ánh sáng trắng từ bề mặt Mặt trăng bị khúc xạ khi xuyên qua bầu khí quyển Trái đất.

3. Tàu vũ trụ NASA hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa

Ngày 27-11-2018, tàu vũ trụ Insight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa và gửi về Trái đất tín hiệu cho thấy tàu vẫn hoạt động tốt, cùng đó là một bức ảnh chụp lại khu vực nơi con tàu hạ cánh. Tàu vũ trụ Insight sẽ giúp các nhà nghiên cứu thăm dò phía bên trong sao Hỏa. Tàu được phóng đi từ ngày 5-5 và dành 2 năm để thực hiện sứ mệnh của mình.

4. Nhà khoa học Trung Quốc công bố tạo ra em bé chỉnh sửa gene đầu tiên

Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tại một phòng thí nghiệm ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AP

Trong một video được công bố ngày 26-11-2018, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố, một cặp song sinh đã ra đời với ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9 trên phôi thai của 7 cặp đôi. Công trình của ông Hạ làm bùng nổ cuộc tranh cãi trong cộng đồng khoa học thể giới với nhiều lo ngại về đạo đức và pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ hoài nghi rằng phương pháp chỉnh sửa gen có thể khiến các bé dễ bị nhiễm các bệnh khác như bệnh cúm.

5. Đôi khỉ đầu tiên trên thế giới được nhân bản vô tính

Các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Thượng Hải (Trung Quốc) đã tuyên bố nhân bản vô tính thành công đôi khỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT) trước đó từng tạo ra cừu Dolly.

Với kỹ thuật này, các nhà khoa học tái cấu trúc một trứng chưa được thụ thai. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ bỏ nhân tử của trứng – phần tế bào chứa phần lớn thông tin gen và thay thế nó bằng nhân tử từ một tế bào khác. Sau đó, trứng được nuôi dưỡng phát triển thành một phôi thai, cấy ghép vào cơ thể mẹ mang thai hộ. Chùm tế bào giống nhau có thể tạo ra nhiều nhân bản. Kỹ thuật này rất khó thành công trên động vật linh trưởng. Nhóm nghiên cứu cho biết, họ không có ý định đưa phương pháp này áp dụng trên người vì nhiều lí do về đạo đức và pháp luật.

6. Thay đổi định nghĩa kilogram

Ngày 17-11-2018, tại Hội nghị Đo lường quốc tế ở Versailles (Pháp), các nhà khoa học đã thảo luận và nhất trí thay đổi cách định nghĩa kilogram. Theo đó, đơn vị này sẽ không còn được xác định bằng nguyên mẫu kilogram quốc tế (IPK) theo khối kim loại hình trụ bằng bạch kim trong hầm an toàn ở Paris như quy ước cách đây gần 130 năm, mà được thay bằng hằng số Planck gắn liền với ngành lượng tử. Đây được đánh giá là khoảnh khắc đáng nhớ đánh dấu tiến bộ khoa học.

7. Bê bối Facebook rò rỉ dữ liệu tài khoản người dùng

Facebook đã trải qua một năm 2018 đầy sóng gió với hàng loạt bê bối liên quan đến rò rỉ và tiết lộ dữ liệu người dùng. Tháng 3-2018, hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook đã bị chia sẻ thông tin cá nhân cho Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh. Tuy nhiên sau đó, Facebook mới công bố con số chính xác lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi sự việc lên tới 87 triệu người dùng. Cuộc khủng hoảng mạng xã hội lớn nhất nhì thế giới không dừng lại ở đó khi đến tháng 10, Facebook lại bị tin tặc xâm nhập, đánh cắp thành công dữ liệu cá nhân của 29 triệu tài khoản gồm tên và thông tin liên lạc như email, số điện thoại.

8. NASA phóng tàu vũ trụ với sứ mệnh thăm dò Mặt trời

Tàu thăm dò Mặt trời Parker được phóng từ mũi Canaveral, bang Florida.

Ngày 12-8-2018, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tàu thăm dò Mặt trời mang tên Parker từ mũi Canaveral, bang Florida. Tàu thăm dò Parker được phóng có kích cỡ bằng một chiếc xe ô tô loại nhỏ được phóng đi nhằm thực hiện sứ mệnh thăm dò Mặt trời trong vòng 7 năm.

Tàu vũ trụ Parker có thể tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách khoảng 6,1 triệu km tính từ bề mặt Mặt trời. Đây là con tàu tiếp cận trung tâm hệ Mặt trời ở cự ly gần nhất trong lịch sử nhân loại.

Những dấu ấn khoa học công nghệ thế giới năm 2018

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/923087/nhung-dau-an-khoa-hoc-cong-nghe-the-gioi-nam-2018