Những dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trong chính sách đối ngoại rộng mở

Đồng chí Đỗ Mười ra đi để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ mãi mãi được lưu giữ trong tâm trí mọi người.

Một trong những công lao của đồng chí là đã đóng góp trực tiếp mang tính quyết định vào việc hình thành và triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và chính sách ngoại giao rộng mở cả về chính trị lẫn kinh tế.

Cột mốc cực kỳ quan trọng về phương diện này là Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, khóa VII năm 1992, khi đồng chí Đỗ Mười đã trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động và cả những nhiệm vụ cơ bản nêu trong nghị quyết lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường hội nhập quốc tế.

Chính trong những năm tháng đồng chí Đỗ Mười giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã diễn ra những sự kiện chính trị đối ngoại mang tính đột phá, như: Đẩy lùi chính sách bao vây, cô lập Việt Nam, bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng và các nước vốn có quan hệ ngoại giao với nước ta, thiết lập quan hệ với nhiều nước khác, trong đó nổi lên là việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế, như gia nhập ASEAN, Diễn đàn Á-Âu… Về an ninh là việc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, thỏa thuận về biên giới trên biển với Malaysia, Thái Lan, triển khai các biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông… Về kinh tế là thông qua và đưa vào cuộc sống Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên năm 1987, nối lại quan hệ với các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tế, tranh thủ viện trợ phát triển chính thức (ODA)…

Đường lối, chính sách và những bước đi ấy đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong lịch sử, đạt trung bình 8,2%/năm trong thời kỳ 1991-1995 và 7%/năm trong 5 năm tiếp theo. Đường lối, chính sách và những bước đi ấy đã góp phần vào việc lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn trên thế giới và các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười, trong tôi còn lưu mãi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên về đồng chí.

Trước hết, đó là ấn tượng về bầu nhiệt huyết cháy bỏng của đồng chí đối với dân, với nước. Hễ nảy sinh vấn đề gì là đồng chí lao vào giải quyết với khí thế sôi sùng sục. Hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội và bị bao vây cô lập nên thiếu thốn đủ thứ. Lúc đó, tôi làm Tham tán Công sứ trong Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô và nhận được chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười yêu cầu vận động bạn cung cấp gấp lương thực cho nước ta. Hôm trước vừa nhận được chỉ thị thì ngay hôm sau đồng chí đã gọi điện thúc giục! Khi Liên Xô sụp đổ, nước ta rơi vào tình trạng khó khăn trăm bề. Đồng chí đã triệu đại diện các bộ, ngành lên, trong đó tôi được phân công tham dự với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao, yêu cầu tìm mọi cách tìm kiếm nguồn tiền và nguồn hàng vốn hầu như đang cạn kiệt. May thay, lúc đó Nhật Bản tỏ ý sẵn sàng bàn bạc về vấn đề cung cấp ODA và đồng chí giao cho tôi nhiệm vụ này. Trong những ngày ấy, đồng chí Đỗ Mười thường xuyên gọi điện đôn đốc, chỉ đạo rất rốt ráo. Hay như trong việc triển khai một số biện pháp xử lý các vụ việc trên biên giới, bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng chí lúc nào cũng dốc hết tâm sức chỉ đạo rất cụ thể, đôn đốc cực kỳ ráo riết.

Bận trăm công nghìn việc, song không biết bằng cách nào, đồng chí Đỗ Mười vẫn nắm được những sự kiện tưởng như rất nhỏ liên quan tới quan hệ đối ngoại. Không ít lần nhận được điện thoại của đồng chí khiển trách sao không nắm được và không quản lý, thực sự chúng tôi rất lúng túng.

Một nét đặc biệt của đồng chí là luôn luôn kiên trì tư tưởng tự lực, tự cường. Tôi nhớ, khi đất nước mới mở cửa, một số doanh nghiệp nước ngoài vào xây khách sạn, đồng chí đã nói với anh em chúng tôi: Cái gì ta làm được thì cố làm, không nên cái gì cũng dựa vào bạn. Tương tự như vậy, sau khi cùng đồng chí Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sang Nhật Bản tranh thủ bạn giúp cải tạo sân bay Nội Bài về, chúng tôi lên báo cáo đồng chí lúc đó còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí cũng nhắc lại ý đó. Tư tưởng này của đồng chí đã được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội VIII (1996)-đây là đại hội mà lần đầu tiên cụm từ “hội nhập kinh tế quốc tế” được nêu ra.

Trong giao tiếp với bạn bè quốc tế, đồng chí luôn có thái độ rất chân tình, thân mật, không khách sáo, lễ nghi hình thức. Trong trao đổi, đồng chí luôn bám vào hai nội dung: Làm gì cụ thể để thúc đẩy hợp tác và tìm hiểu kinh nghiệm làm ăn, phát triển của bạn.

Một đặc tính khác của đồng chí là rất ham đọc sách. Nhiều lần tôi rơi vào tình thế lúng túng khi đồng chí gọi điện hỏi: "Cậu đã đọc quyển này chưa?". Tôi đành lý sự: "Người ta biếu sách cho anh chứ như tôi thì ai biếu?". Thế là đồng chí bèn gửi ngay tới và đương nhiên tôi phải cấp tốc đọc vì thế nào đồng chí cũng hỏi lại nội dung và trao đổi!

Ở cương vị cao như vậy, đồng chí vẫn luôn đối xử với anh em cấp dưới rất chân thành, dung dị và rất chịu lắng nghe và trao đổi, tranh luận. Một nét đặc trưng khác của đồng chí là tin cậy anh em khi giao việc, không nề hà chức vụ, cương vị.

Có vinh dự được phục vụ nhiều nhà lãnh đạo “thế hệ vàng”, tức là các nhà lãnh đạo có công “lập quốc”, những người học trò và cộng sự trực tiếp của Bác Hồ, chúng tôi đã học hỏi được biết bao điều bổ ích. Một trong những tấm gương ấy là đồng chí Đỗ Mười.

Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-dau-an-cua-dong-chi-do-muoi-trong-chinh-sach-doi-ngoai-rong-mo-551119