Những dấu ấn 'chèo lái' nước Nga của Tổng thống V. Putin trong năm đầu nhiệm kỳ 4

Từ khi nhậm chức nhiệm kỳ 4 (18-3-2018) đến nay, Tổng thống V. Putin đã khéo léo chèo lái nước Nga 'lách qua' những 'khe cửa hẹp' để giữ ổn định nền kinh tế và từng bước thích nghi được với các lệnh trừng phạt, cô lập của Mỹ/phương Tây.

Ổn định trong đối nội

Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 4 (18-3-2018), Tổng thống Nga V. Putin đã đạt được không ít những bước tiến trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị nội bộ, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện bộ máy nhà nước. Chỉ 2 tháng sau cuộc bầu cử, Chính phủ Nga nhiệm kỳ mới (2018-2024) đã được thông qua với thành phần cơ bản ổn định, trong đó có 8/10 Phó Thủ tướng và 1/2 số Bộ trưởng đã có mặt trong nhiệm kỳ trước. Đây chính là yếu tố giúp chính quyền của ông V. Putin nhanh chóng đi vào hoạt động trơn tru và hiệu quả. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, Tổng thống Putin đã thay thế 15 thống đốc các tỉnh do uy tín thấp để đảm bảo quyền lực của chính quyền Trung ương và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử thống đốc vào tháng 9-2019.

Tổng thống V. Putin bắt đầu nhiệm kỳ 4 từ ngày 18-3-2018 (Nguồn: TASS)

Tổng thống V. Putin bắt đầu nhiệm kỳ 4 từ ngày 18-3-2018 (Nguồn: TASS)

Thứ hai, thông qua các sắc lệnh về xây dựng và triển khai các Dự án quốc gia giai đoạn 2019-2024, trong đó đề ra các mục tiêu cần đạt được trong 12 lĩnh vực then chốt (y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường đô thị, sinh thái, kinh tế số, đường bộ, thị trường lao động, khoa học, văn hóa, kinh doanh, xuất khẩu), nhằm đưa Nga trở thành 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới (để đạt được vị trí thứ 5, Nga phải chiếm ít nhất 4% GDP toàn cầu). Theo các nguồn tin chính thống của Nga, để triển khai các dự án quốc gia, Chính phủ Nga đã phân bổ hơn 20.000 tỷ rúp từ ngân sách nhà nước và địa phương.

Thứ ba, đầu tư mạnh cho quốc phòng trong bối cảnh Mỹ và NATO không ngừng tăng cường vũ khí, sự hiện diện quân sự ngay sát biên giới Nga. Nga tiếp tục củng cố vị trí cường quốc quân sự thứ 2 thế giới; đảm bảo đến năm 2021 hoàn thành "Chương trình hiện đại hóa toàn diện các lực lượng vũ trang"; thông qua "Chương trình tái thiết trang bị vũ khí đến năm 2027" (trị giá 338 tỷ USD), tạo bước đột phá công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng với sức mạnh vượt trội. Theo đó, năm 2018, Nga đã thử nghiệm thành công tổ hợp tên lửa Avangard, tên lửa siêu thanh Kinzal, tàu ngầm Poseidon không người lái, tên lửa Tsirkon (vận tốc gấp 9 lần tốc độ âm thanh)... Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, đặc biệt là cuộc tập trận Vostok 2018 với Trung Quốc và Mông Cổ.

Thứ tư, tổ chức thành công giải Bóng đá vô địch thế giới World Cup 2018, thu về khoản lời 5,3 tỷ USD, giúp nước Nga nâng cao vị thế, hình ảnh trên trường quốc tế thông qua "sức mạnh mềm".

Nước Nga tổ chức thành công Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup) năm 2018 (Nguồn: Sputnik)

Nền kinh tế Nga duy trì được đà phục hồi nhờ các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, phân phối hiệu quả các nguồn lực chính phủ và vai trò dẫn dắt của đầu tư nhà nước, thể hiện qua một số kết quả cụ thể: Tổng sản phầm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2018 tăng 2,3%; lần đầu tiên kể từ năm 2014, Nga không bị thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 5%; lạm phát được kiềm chế ở mức 2,5%; nợ quốc gia giảm xuống còn 3%; dự trữ vàng và ngoại hối của Nga tăng gấp 10 lần.

Từ khi Tổng thống V. Putin nhậm chức nhiệm kỳ 4, lượng ngoại hối được bổ sung thêm 12 tỷ USD, đạt mức 450 tỷ USD. Mức lương cũng như thu nhập thực tế của người dân Nga trong năm 2018 tăng 0,5% so với năm 2017, trong khi ngành chế biến tăng trưởng 3,2%, công nghiệp nhẹ cũng phát triển nhanh hơn trước, sản xuất giày và quần áo tăng đến 9%.

Cơ cấu xuất khẩu của Nga được đa dạng hóa, các mặt hàng nông sản, dược phẩm tăng 15-25%; tuổi thọ của người dân Nga đã tăng đạt mức trung bình 72,9 tuổi; ngoài ra, giá dầu thế giới tăng mạnh trong 2 quý giữa năm 2018 cũng tạo điều kiện để nền kinh tế Nga phát triển thuận lợi hơn trước.

Dù đạt được kết quả khả quan về kinh tế, song xã hội Nga gần đây nổi lên một số vấn đề khiến dư luận bức xúc: nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế chưa thực sự tạo được hiệu quả, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút; việc tăng thuế và tuổi nghỉ hưu (của năm giới từ 60 lên 65, nữ giới từ 55 lên 62); tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, thiếu hụt dịch vụ y tế, vấn đề bạo lực học đường, tăng cường kiểm soát mạng internet... Hậu quả là, theo khảo sát mới nhất của VTsIOM, uy tín của Tổng thống V. Putin giảm khá mạnh, chỉ còn 33,4%, mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Khả quan trong đối ngoại

Tại châu Á-Thái Bình Dương, từ đầu năm 2018 đến nay, Nga đã tích cực đẩy mạnh chính sách hướng Đông, đạt được một số bước tiến mới:

(1) Với Trung Quốc, tháng 6-2018, Tổng thống Putin thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc trong năm đầu nhiệm kỳ 4, hai bên khẳng định ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ và đạt được thỏa thuận hợp tác trong những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và yếu tố chiến lược như hợp tác hạt nhân, thiết bị hàng không, vũ trụ, các dự án cơ sở hạ tầng như tuyến đường Á-Âu, hành lang đường biển Primorye 1 và Primorye 2 và các dự án tiềm năng khác (tuyến đường xuyên Siberia, tuyến hàng hải phương Bắc-NSR).

(2) Với Ấn Độ, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Sochi (Nga) hồi tháng 5-2018 đã mang lại cho Nga nhiều kết quả tích cực, trong đó có những lợi ích chiến lược như hợp tác năng lượng hạt nhân, hợp đồng mua bán hệ thống S-300 và quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế (Venezuela, Triều Tiên...).

(3) Với Nhật Bản, Nga thúc đẩy các hoạt động Năm chéo Nga - Nhật, đặc biệt là Tổng thống Putin chủ động đề xuất đẩy mạnh đàm phán ký kết Hiệp định hòa bình, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril.

(4) Với Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nga nâng cấp quan hệ với ASEAN lên "Đối tác chiến lược", tham gia sâu hơn vào các cuộc thảo luận về cấu trúc khu vực, đạt được thỏa thuận quan trọng trong Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), trong đó xác định thúc đẩy cấu trúc khu vực với ASEAN là động lực chính; đây là cách Nga gia tăng vai trò tại khu vực, phối hợp với Trung Quốc giảm bớt ảnh hưởng từ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Tổng thống Nga V. Putin (phải) trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông ở đảo Rusky thuộc Vladivostok ngày 25-4-2019

Tại Trung Đông, Nga tập trung tạo cục diện khu vực mới (thay thế Mỹ), duy trì thế chủ động mà Nga đã đạt được sau khi giúp Syria đẩy lùi lực lượng IS và khởi động tiến trình Astana vào năm 2017.

(1) Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (3 nước đảm bảo cho tiến trình Astana) phối hợp với Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria; qua chuyến thăm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9,10-2018, các bên đạt được sự đồng thuận về việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề Syria bằng biện pháp hòa bình, sớm chấm dứt nội chiến.

(2) Tranh thủ thắt chặt quan hệ với những nước đang gặp vướng mắc với Mỹ/phương Tây (Iran, Saudi Arabia), qua đó giữ được kênh liên hệ hiệu quả với các nước Hồi giáo thuộc cả 2 dòng Shiite và Sunni.

(3) Chủ động phối hợp với các nước tổ chức cuộc họp OPEC+ để có ứng phó với sự sụt giảm giá dầu thô thế giới.

(4) Đóng vai trò điều hòa các mâu thuẫn trong khu vực, tránh leo thang căng thẳng giữa các lực lượng ở Trung Đông. Ngoài ra, khi mâu thuẫn Hồi giáo - Do Thái ngày càng sâu sắc, Nga vẫn tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao với Israel. Qua đó, có thể thấy, cách tiếp cận đa chiều này sẽ giúp Nga giữ được thế chủ động trong "ván bài" phức tạp và lâu dài ở khu vực Trung Đông.

Tại châu Phi, Nga bắt đầu sử dụng các công cụ về ngoại giao, kinh tế và quân sự để khôi phục tầm ảnh hưởng tại châu lục này. (1) Tăng cường các cuộc gặp cấp cao. (2) Với cương vị ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi. (3) Ký kết nhiều thảo thuận hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh, hợp tác quân sự với các nước châu Phi cận Sahara, trong đó có Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe; Nga đã công bố thỏa thuận xây dựng căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ vào tháng 9-2018. (4) Các công ty Nga đã tích cực thúc đẩy đầu tư và triển khai các dự án ở khu vực Tây Phi và Trung Phi, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, hạt nhân, khai khoáng, đưa quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển năng động. Theo thống kê, Nga đang tăng cường hợp tác thương mại với các nước châu Phi ở mức 14-15 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, để nâng cao địa vị trên trường quốc tế và thoát khỏi thế bao vây, cấm vận của Mỹ/phương Tây, Nga còn nâng cao vai trò tại các diễn đàn quốc tế (G-20, BRICS, SCO, EAEU, BRI...); củng cố quan hệ với các nước SNG, nâng tầm quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ; tiếp tục can dự vào những vấn đề quốc tế: khủng hoảng Venezuela, Syria và hạt nhân Triều Tiên (thể hiện rõ nhất qua cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều từ ngày 24 đến 25-4-2019 tại Vladivostok, Nga).

Người đàn ông hôn ảnh Tổng thống Nga ở thủ đô Belgrade trong chuyến thăm của ông V. Putin tới Serbia hồi tháng 1-2019. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Nga đang gặp phải không ít trở ngại trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ/phương Tây và Ucraina.

(1) Với Mỹ/phương Tây: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 4, Tổng thống V. Putin đã đối thoại song phương và đa phương về lợi ích kinh tế và những vấn đề an ninh châu Âu, Trung Đông với nhiều lãnh đạo các nước châu Âu (Đức, Pháp, Italia) nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ việc Skripal và cải thiện quan hệ; tạo bối cảnh thuận lợi cho cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ tại Helsinki vào ngày 16-7-2018, tuy nhiên, cuộc trao đổi giữa hai Tổng thống D. Trump và V. Putin cho tới nay vẫn chưa giúp quan hệ Nga - Mỹ/phương Tây ấm lên. Những nỗ lực cá nhân của hai nguyên thủ nhằm cải thiện quan hệ đã bị vô hiệu hóa bởi sức ép từ chính giới và dư luận Mỹ, nhất là sau khi Đảng Cộng hòa không giữ được thế áp đảo ở Hạ viện sau bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018.

Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), trừng phạt Iran, can thiệp vào tình hình Venezuela, bổ nhiệm những nhân vật cứng rắn như M. Pompeo, J. Bolton vào các vị trí chủ chốt (Ngoại trưởng, Cố vân An ninh quốc gia) và tác động của cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016 của Công tố viên đặc biệt R. Mueller cũng góp phần khiến cho hầu hết các kênh tiếp xúc giữa Nga - Mỹ bị ngừng lại quan hệ hai nước tiếp tục căng thẳng.

(2) Với Ucraine: Quan hệ với Ucraine ngày càng xấu đi do nước này đẩy mạnh chính sách bài Nga, chấm dứt các cơ chế hợp tác với Nga, thoát ly khỏi các cuộc chơi do Nga dẫn dắt. Việc bắt giữ các thủy thủ và tàu Ucraine tại eo biển Kerch (11-2018) cũng góp phần gia tăng căng thẳng hai nước. Mới đây, việc V. Zelensky đắc cử tân Tổng thống Ucraine vào ngày 21-4-2019 cũng chưa thể cải thiện quan hệ Nga - Ucraine ngay lập tức do Zelensky vẫn ưu tiên hội nhập EU và NATO, cũng như Đảng "Đầy tớ của nhân dân" không có chân trong Quốc hội Ucraine (ông Zelensky đang tìm cách giải tán Quốc hội Ukraine để củng cố quyền lực).

Các chương trình, dự án quốc gia của Nga đang được tích cực triển khai, tuy nhiên, nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng tham nhũng, lãng phí, làm suy yếu nguồn ngân sách và giảm niềm tin của người dân. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ/phương Tây tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế Nga (dù có những bước phục hồi trong năm 2018). Do vậy, một mặt, Nga sẽ phải phát huy nội lực để phát triển kinh tế, mặt khác, tăng cường quan hệ song phương với các nước chủ chốt trong EU và các nước quan hệ truyền thống để phá thế bao vây, cấm vận.

Nhất Tuệ (Theo Carnegie, Vzglyad, TASS)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nhung-dau-an-cheo-lai-nuoc-nga-cua-tong-thong-v-putin-trong-nam-dau-nhiem-ky-4/812469.antd