Những danh thủ Việt Nam trưởng thành từ đội bóng đường sắt

Đội bóng Tổng cục Đường sắt là một trong những cái nôi sản sinh nhiều danh thủ cho bóng đá nước nhà.

Vũ Văn Bích (Bảy Bích)

Ông Bảy Bích làm Đội trưởng kiêm HLV ngay từ ngày đầu tiên thành lập đội Đường sắt Việt Nam (1956). Ông đá trung phong, thi đấu hiện đại, kỹ thuật và có tốc độ vượt trội. Ông từng chạy thi với ông Bùi Lương - VĐV, HLV marathon số 1 Việt Nam.

Theo cựu cầu thủ của Tổng cục Đường sắt Vũ Quang Minh (bố của danh thủ Vũ Minh Hiếu), ông Bảy Bích là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử đội bóng của Tổng cục Đường sắt.

Trong cuộc bầu chọn đội hình tiêu biểu lần đầu tiên tháng 1 năm 1960 của thể thao nước nhà, do báo Thời mới tổ chức, ông Bảy Bích cũng có tên. Ông là 1 trong 3 người không thuộc Thể Công có mặt trong đội hình này.

Trần Duy Long

Ông Trần Duy Long, cựu cầu thủ, HLV đội Tổng cục Đường sắt.

Ông Trần Duy Long, cựu cầu thủ, HLV đội Tổng cục Đường sắt.

Ông Trần Duy Long sinh năm 1941, quê gốc ở Nam Định. Ông nằm trong danh sách "Các cầu thủ vàng 50 năm bóng đá Việt Nam".

Ông được gọi lên Đội tuyển Quốc gia khi mới 18 tuổi và nổi tiếng là một tiền vệ dẫn dắt lối chơi thông minh với phong cách thi đấu hiện đại. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong đội hình 4-3-3 của Tổng cục Đường sắt giành chức vô địch Bóng đá Việt Nam lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất.

Vào thời kỳ huy hoàng nhất của bóng đá miền Bắc, ông Long có mặt trong thành phần Đội tuyển Quốc gia đánh bại đội tuyển chọn thanh niên Liên Xô 1-0 năm 1966.

Năm 1967, ông dính chấn thương nặng không thể bình phục và buộc phải giải nghệ. Sau khi thôi đá bóng, ông được cử sang học ở Đại học Thể dục thể thao tại Kiev, Ukraine.

Năm 1973, ông về nước làm HLV đội Tổng cục Đường sắt, góp công lớn đưa đội này từ hạng Nhì lên hạng Nhất.

Năm 1994, ông được bổ nhiệm Quyền HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam. Và 1 năm sau, ông là HLV phó Đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 1995 và giành HCB.

Lê Thụy Hải

Ông Lê Thụy Hải trong màu áo Tổng cục Đường sắt thi đấu trận đấu lịch sử giữa hai miền Nam-Bắc năm 1976.

Ông Lê Thụy Hải sinh năm 1946, quê ở Hà Tây cũ. Ông là tiền vệ đội Tổng cục Đường sắt từ cuối năm 1965 đến những năm đầu thập niên 80.

Năm 1976, nhân dịp kỷ niệm 1 năm thống nhất đất nước, ông Lê Thụy Hải cùng đội Tổng cục Đường sắt vào Nam thi đấu giao hữu với Cảng Sài Gòn. Đây là trận đấu đầu tiên của 2 đội bóng đại diện cho hai miền đất nước sau ngày thống nhất. Trong trận đấu này, ông Lê Thụy Hải đã ghi siêu phẩm, ấn định chiến thắng 2-0 cho Tổng cục Đường sắt.

Kết thúc sự nghiệp cầu thủ, ông chuyển sang làm HLV và gặt hái được rất nhiều thành công.

Ông giành 3 chức vô địch V-League cùng B.Bình Dương vào các năm 2007, 2008 và 2014. 2 lần Á quân V-League cùng SHB Đà Nẵng (2005) và B.Bình Dương (2006).

Mai Đức Chung

Ông Mai Đức Chung là cựu cầu thủ Tổng cục Đường sắt, gặt hái được nhiều thàng công khi huấn luyện các đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Ông Mai Đức Chung sinh năm 1949 tại Ngọc Hà, Hà Nội. Khi còn là cầu thủ, ông chơi rất đa năng, có thể thi đấu nhiều vị trí. Vị trí sở trường của ông là tiền vệ hoặc tiền đạo, tuy nhiên khi cần ông cũng có thể chơi ở vị trí hậu vệ.

Khởi đầu sự nghiệp cầu thủ, ông nhận được nhiều lời mời từ các đội bóng như Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội... Tuy nhiên ông lại nhận lời về đá cho đội bóng hạng dưới ít tên tuổi là Xe ca Hà Nội.

Tháng 9/1975, ông nhận lời về thi đấu cho Tổng cục Đường sắt và gắn bó cùng đội bóng này cho đến khi giải nghệ vào năm 1984.

Cùng với Tổng cục Đường sắt, ông giành được chức vô địch Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1980. Ông được triệu tập vào Đội tuyển Quốc gia (1981 - 1982) đi thi đấu nước ngoài.

Kết thúc sự nghiệp cầu thủ, ông chuyển sang làm HLV và gặt hái được rất nhiều thành công, đặc biệt là với bóng đá nữ khi 4 lần dẫn dắt Đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games vào các năm 2003, 2005, 2017 và 2019, vô địch Đông Nam Á 2019, Bán kết ASIAD 2014...

Lê Khắc Chính

Lê Khắc Chính (phải) trong trận đấu lịch sử 1976 của Tổng cục Đường sắt.

Lê Khắc Chính sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1973, khi mới có 17 tuổi, ông được mời về thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt. Dù còn trẻ nhưng ông sớm chứng tỏ được khả năng của mình và nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng ngành đường sắt.

Ban đầu ông thi đấu ở vị trí trung phong sau đó được HLV Trần Duy Long đưa về đảm nhận vị trí trung vệ và từ đó biệt danh Chính “cối” ra đời.

Năm 1976, khi mới 20 tuổi, ông tham gia trận đấu lịch sử giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn – trận đấu đầu tiên của 2 đội bóng đại diện cho 2 miền đất nước.

Năm 1980, ông là Đội trưởng đội Tổng cục Đường sắt vô địch quốc gia. Ông cũng là đội trưởng Đội tuyển Việt Nam trong suốt thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Giải nghệ, ông chuyển sang làm HLV đội trẻ Tổng cục Đường sắt, sau về làm HLV Hà Nội ACB rồi Giám đốc điều hành CLB.

Thiện An

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/nhung-danh-thu-viet-nam-truong-thanh-tu-doi-bong-duong-sat-ar552562.html