Những đài bia ghi dấu chiến công

Sau hơn 7 năm triển khai, đến nay, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã khánh thành và bàn giao 19/23 công trình bia chiến công (BCC), ghi dấu những trận đánh tiêu biểu của LLVT Liên khu 5 và bộ đội, dân quân, du kích địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các công trình không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện sâu sắc đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi đến tham quan BCC Đèo Cù Mông vào một chiều cuối năm nắng ấm. Do bố trí ở vị trí đắc địa, nên khi đi từ Phú Yên ra Bình Định hay theo chiều ngược lại trên Quốc lộ 1A, mọi người đều có thể quan sát toàn cảnh đài bia oai nghiêm, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng với bệ ốp đá màu cánh sen, phù điêu nhũ đồng. Theo giới thiệu của Đại tá Lê Văn Trực, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, ngày 17-7-1965, tại khu vực Đèo Cù Mông, Tổ đặc công Đại đội 202 (tỉnh Phú Yên) bí mật tập kích, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 70 tên địch, là trận đánh Mỹ đầu tiên của LLVT tỉnh. Từ khi khánh thành đến nay, mỗi năm BCC tiếp đón hàng vạn lượt người đến tham quan, dâng hương, tìm hiểu lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, vun đắp lý tưởng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Lễ khánh thành Bia chiến công Sông Ba - Trường Lạc.

Trên địa bàn Phú Yên, BCC được xây dựng ở nhiều nơi. Tại TP Tuy Hòa, có các BCC: Quan Quang, Núi Thơm, Tản Đà, Đông Tác. Ở huyện Tuy An có BCC: Phú Điềm, Phú Cần, Phong Niên-Hòn Đồn, Núi Ông Trợ. Ở huyện Đông Hòa có BCC: Núi Hiềm, Đèo Cả, Nhà bia tưởng niệm trận chiến đấu chống càn xã Hòa Tân… Mỗi công trình đều được nghiên cứu, khảo sát, thiết kế rất kỹ nhằm khắc họa, truyền tải sâu sắc ý nghĩa của từng trận đánh, từng địa danh. Trong đó, ấn tượng nhất chính là Cụm công viên-đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 mới khánh thành năm 2018, có diện tích hơn 7.100m2, gồm: Cụm phù điêu, đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... Để thuận lợi cho người dân, du khách đến tham quan, dâng hương, ngoài yếu tố lịch sử là cốt lõi, tùy theo điều kiện địa lý, giao thông đi lại và cảnh quan tổng thể mà các công trình có thể được xây dựng trên những đỉnh núi cao, cạnh bờ sông, ngã ba đường hay khu dân cư đông đúc. Các công trình sau khi khánh thành đều được bàn giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, vận hành và được bố trí nguồn kinh phí phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa.

Là người trực tiếp tham gia trận đánh cứ điểm Cầu Cháy năm xưa, cựu chiến binh Lưu Công Thục, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 13 (LLVT tỉnh Phú Yên) bồi hồi nhớ lại: “Đêm 18 rạng 19-3-1975, Tiểu đoàn 13 cùng quân dân địa phương bất ngờ tập kích cứ điểm Cầu Cháy, diệt gọn đại đội 1 và ban chỉ huy tiểu đoàn 236 bảo an, loại khỏi vòng chiến đấu 130 tên địch. Ngày khánh thành BCC Cầu Cháy, nhiều cựu chiến binh tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm nhiều nhưng vẫn cố gắng về dự, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh”. Còn theo đồng chí Nguyễn Khoa Trường, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) thì người dân địa phương luôn tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong những năm kháng chiến. BCC Cầu Cháy thực sự là công trình lịch sử, văn hóa, điểm sinh hoạt truyền thống thiết thực, ý nghĩa đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Các cựu chiến binh và khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Bia chiến công Suối Cối.

Đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Phú Yên cho biết: “Với mong muốn tôn vinh, nhắc nhớ về các trận đánh tiêu biểu từng diễn ra trên địa bàn tỉnh trong những năm kháng chiến, đầu năm 2010, sau khi khảo sát, thu thập tài liệu và tổ chức hội thảo khoa học, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn ngân sách để xây dựng các BCC”. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã phối hợp tổ chức khánh thành 19/23 bia. Các BCC còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 4-2019, nhằm chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng và 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên. Theo số liệu tổng hợp của ngành văn hóa thông tin địa phương, hằng năm mỗi đài bia có hàng vạn lượt người dân và du khách đến dâng hương, tham quan. Các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động về nguồn tại các đài bia. Tết Nguyên đán hằng năm, Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh đều tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi thăm, dâng hương tại các BCC.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nhung-dai-bia-ghi-dau-chien-cong-560592