Những đặc sản người địa phương thích, khách nước ngoài sợ hãi

Mỗi quốc gia, vùng đất đều có những món ăn độc đáo thu hút du khách. Tuy nhiên, một số món ăn được người địa phương ưa chuộng lại khiến khách nước ngoài không dám thử.

Australia: Thật khó hình dung những động vật dễ thương như chuột túi, lạc đà alpaca hay chim emu lại trở thành món ăn. Tuy nhiên, chúng đều có mặt trên thực đơn ở Australia và được chế biến thành nhiều món hấp dẫn. Ảnh: K-roo.

Ngoài ra, người Australia còn rất ưa chuộng vegemite, một loại sốt mặn làm từ men bia và các loại rau củ. Vegemite thường được phết lên bánh mì, nhưng mùi vị của chúng khiến những du khách không quen phải nhăn mặt. Ảnh: Huffingtonpost.

Ngoài ra, người Australia còn rất ưa chuộng vegemite, một loại sốt mặn làm từ men bia và các loại rau củ. Vegemite thường được phết lên bánh mì, nhưng mùi vị của chúng khiến những du khách không quen phải nhăn mặt. Ảnh: Huffingtonpost.

Bangladesh: Shutki là một loại cá khô nổi tiếng vì mùi nồng nặc. Chúng được dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau, nhưng điểm chung là đều có mùi đặc trưng, khiến nhiều du khách cảm thấy khó có thể ăn thử. Ảnh: Little Kitchen Story.

Cameroon: Đuông dừa là ấu trùng của loài bọ cánh cứng sống trong thân dừa. Chúng được người dân Cameroon coi trọng vì giàu dinh dưỡng và vị béo ngậy. Tuy nhiên, du khách nhìn mới thấy chúng có lẽ sẽ bỏ chạy trước khi có đủ can đảm ăn thử. Ảnh: Insider.

Trung Quốc: Trứng bắc thảo hay còn gọi là trứng thiên niên kỷ là món đặc sản của Trung Quốc, thường được ăn kèm cháo trắng hoặc làm salad. Trứng được ủ trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi và trấu trong nhiều tuần hay nhiều tháng, cho tới khi lòng trắng chuyển thành màu xanh trong suốt. Mùi của trứng không được dễ chịu, có thể khiến người ăn lần đầu choáng váng. Ảnh: Insider.

Anh: Món lươn nấu đông này được người Anh ưa thích và thường có mặt trong các bữa tiệc truyền thống. Tuy nhiên, nếu ăn không quen, bạn sẽ thấy món này có mùi vị khó tả và không dễ nuốt. Ảnh: Great Big Story.

Ethiopia: Kitfo là thịt sống được xay nhỏ và tẩm ướp, ăn cùng các nguyên liệu khác. Tất nhiên, món này không dành cho người yếu bụng hay yếu tim. Ảnh: My African Food Map.

Pháp: Mimolette là một loại phô mai có vỏ ngoài màu xám do những con rệp phô mai được thêm vào. Nghe đến đây, hẳn du khách đã không muốn nếm thử chúng. Ảnh: Fromagehomage.

Đức: Hackepeter hay còn gọi là mett là món thịt lợn sống xay nhỏ được bày trên bánh mì, đôi khi thêm tỏi và hành băm nhỏ. Với thành phần không mấy thân thiện, món ăn này chắc chắn sẽ trở thành loại thực phẩm kén vị với người ăn. Ảnh: Videoblocks.

Nhật Bản: Natto là đậu nành lên men, thường được ăn cùng xì dầu và mù tạt karashi. Đây là món ăn truyền thống, tốt cho sức khỏe của người Nhật. Tuy nhiên, mùi nồng nặc và tính nhớt của chúng khiến khách nước ngoài chùn đũa. Ảnh: Serious Eats.

Mexico: Sâu maguey, ấu trùng của một loại bướm tại châu Mỹ, thường được rán giòn và ăn kèm với sốt guacamole. Món ăn này được coi là đặc sản địa phương nhưng cũng khiến nhiều du khách né tránh, không dám gọi đồ trong các chuyến khám phá. Ảnh: Cannundrums.

Philippines: Trứng vịt lộn hay balut là món ăn đường phố phổ biến ở Philippines nhờ giá rẻ và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, du khách nước ngoài thường cảm thấy không thoải mái khi biết tới món này. Ảnh: Thetakeout.

Scotland: Haggis được làm từ ruột cừu nhồi nội tạng (tim, phổi và gan) luộc chín, ăn kèm củ cải và khoai tây. Cũng giống một số món kể trên, Haggis thực sự là một thử thách với du khách. Ảnh: Viajejet.

Singapore: Sầu riêng được mệnh danh là “vua của các loại quả”, nổi tiếng vì có mùi đặc trưng khiến nhiều người mê mệt nhưng cũng không ít người bịt mũi. Loại mùi này được mô tả giống như hành thối và tất đẫm mồ hôi. Ảnh: Hellosingapore.

Mỹ: Món “hàu núi Rocky” thực chất không phải hải sản mà là tinh hoàn của cừu, bò hay lợn rán giòn. Tuy được bài trí đẹp mắt nhưng thành phần của món ăn cũng khiến người dùng phải phân vân trước khi quyết định gọi món. Ảnh: Roaring Fork Lifestyle.

An Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-dac-san-nguoi-dia-phuong-thich-khach-nuoc-ngoai-so-hai-post882641.html