Những đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng ảnh hưởng tới chất lượng muối Bạc Liêu

Nhờ vào vùng đất ít phèn tiềm tàng, hàm lượng chất hữu cơ thấp, không chứa nhiều tạp chất và địa hình khá bằng phẳng, không có đồi đã giúp muối Bạc Liêu không chỉ dễ sản xuất, mà còn mang hương vị đặc trưng.

Địa hình, địa mạo

Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng, không có đồi, núi nên không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình cơ bản là đồng bằng với các cánh đồng rộng mênh mông, sông rạch và kênh đào chằng chịt.

Địa hình bờ biển Bạc Liêu tương đối bằng phẳng và thấp. Không có các núi đá vôi ven biển. Độ cao trung bình so với mặt biển từ 0,8m đến 1,0m. Hướng nghiêng chính của địa hình từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ nghiêng trung bình từ 1 – 1,5cm/km.

Những vùng đất rộng, bằng phẳng là một trong những yếu tố giúp nghề muối Bạc Liêu phát triển. Ảnh: Nongnghiep.

Ngoài hướng nghiêng chính trên, hệ thống đê quốc phòng hay những giồng cát không liên tục, tạo hướng nghiêng từ biển vào nội địa, những dãy đất cao tự nhiên kết hợp với bờ đê tạo nên vùng trũng ven biển. Với chế độ thuỷ triều của Bạc Liêu, địa hình trên toàn tuyến bờ biển rất thuận lợi cho việc lấy nước biển vào các kênh mương, trảng chứa nước làm muối.

Thổ nhưỡng

Loại đất có khả năng cho chất lượng muối tốt nhất là vùng đất ít phèn tiềm tàng, hàm lượng chất hữu cơ thấp và không chứa nhiều tạp chất, cụ thể là đất đồng muối là đất sét, pha cát, đất bị ngập mặn nhưng không có biểu hiện của phèn. Muối được phơi trên nền đất sét, có đặc điểm như vậy nên màu của muối có màu ánh hồng, khác hoàn toàn so với các khu vực sản xuất muối trên nền cát hoặc đất khác.

Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi chia làm hai nhóm: Nhóm 1: chảy ra hải lưu phía nam, gồm: sông Gành Hào (dài 55 km) có các nhánh là rạch Giồng Ké, rạch Lộ, rạch Nhà Thờ, rạch Cái Keo, rạch Gốc,...; sông Mỹ Thanh (70 km) có các nhánh là rạch Lé, rạch Bạc Liêu, rạch Trò Nho, rạch Trà Niêu, rạch Trà Teo, trong đó rạch Bạc Liêu dài 35 km. Nhóm 2: chảy ra sông Ba Thắc (thường gọi là sông Hậu, tức Hậu Giang). Nhóm này gồm rạch Ba Xuyên và các nhánh nhỏ của rạch Ba Xuyên.

Khu vực giáp biển Đông của Bạc Liêu (vùng sản xuất muối), nước biển có chất lượng tốt, chưa bị ô nhiễm, chất độc hại đều trong ngưỡng cho phép, không có sự hiện diện của các ion kim loại nặng (do không có nhà máy xả chất thải, khu công nghiệp…).

Khu vực sản xuất muối Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi dày đặc, có các cửa sông chính là cửa sông Gành Hào, Chùa Phật và Cái Cùng thuận lợi cho việc lấy nước vào ruộng muối.

Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/dia-phuong/nhung-dac-diem-dia-hinh-tho-nhuong-anh-huong-toi-chat-luong-muoi-bac-lieu/20170510110842154p1c937.htm