Những 'cựu thù' bằng mặt không bằng lòng trên Lương Sơn Bạc

Lương Sơn Bạc thực ra gồm nhiều nhóm đầu lĩnh mà quan hệ thân sơ hoàn toàn khác biệt. Thậm chí có những người dù tiếng là chung chí hướng 'Thế thiên hành đạo' nhưng thực ra trong bụng lại vô cùng căm hận đối phương.

Lương Sơn Bạc là tập hợp 108 vị anh hùng, xuất thân không phải ai cũng giống nhau. Cách tập hợp về “bến nước” gần như mỗi người một khác, nhiều màu sắc. Có kẻ vì căm hận triều đình mà lên Lương Sơn. Có kẻ vì thời thế mà lên. Có người, vì tình nghĩa huynh đệ mà tới. Nhưng cũng có rất nhiều thành phần, vì bị những đầu lĩnh trên Lương Sơn “ép” đến cùng đường tuyệt lộ mà phải nhập hội.

Dương Chí & nhóm đầu lĩnh cướp Sinh Thần Cương

Đường quan đạo của Dương Chí, hậu duệ dòng dõi Dương gia tướng, quả là vô cùng trắc trở. Hồi làm chức Điện tư chế Sứ quân được giao nhiệm vụ tải đá hoa về Kinh sư thì gặp bão to sóng lớn đắm thuyền ở sông Hoàng Hà, mất cả đá hoa buộc phải trốn đi nơi khác.

Những kẻ “cựu thù” trên Lương Sơn Bạc.

Những kẻ “cựu thù” trên Lương Sơn Bạc.

Sau khi cùng đường phải đi bán đao rồi giết Ngưu Nhị, Dương Chí đầu thú và bị đày đến phủ Đại Danh, may được Lương Trung thư (con rể Thái sư Sái Kinh) yêu quý mở cuộc diễn võ cho chàng trổ tài, nhờ đó được thăng chức Đề hạt.

Tưởng chừng quan nghiệp giờ đã lên hương thì trong lần vận chuyển châu báu Sinh thần cương (lễ vật Lương Trung Thư chúc thọ Sái Kinh) thì dính bẫy của nhóm 8 người (Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lưu Đường, Ba anh em họ Nguyễn, Bạch Thắng), uống nhầm rượu có thuốc mê, thêm một lần nữa mất sạch và hỏng việc công đến mức từng suýt tính chuyện tự vẫn.

Trong quãng thời gian đầy trắc trở, Dương Chí từng 2 lần từ chối nhập bọn Lương Sơn. Lần đầu là khi lưu lạc sau vụ mất đá hoa bởi đắm thuyền sông Hoàng Hà, giao đấu với Lâm Xung (người bị Vương Luân ép phải có “Đầu danh trạng” mới được lưu lại Lương Sơn). Lần hai là khi họ Dương ở núi Nhị Long, đã không nhận lời mời về Lương Sơn của Ngô Dụng – Lâm Xung vì vẫn còn thù nhóm 8 người Tiều Cái qua vụ cướp sinh thần cương.

Phải đến khi Tống GIang đích thân đến núi Nhị Long giúp Dương Chí và các hảo hán nơi này đánh bại quan quân triều đình, Dương Chí mới tặc lưỡi mà theo họ Tống về “Bến nước”. Cái sự chấp thuận nhập bọn Lương Sơn của Dương Chí là vì thời thế, chứ mối hận trong lòng chàng với “nhóm Tiều Cái” thì vẫn không hề thay đổi.

Thủy Hử hồi 57 có chép thế này sau khi Dương Chí chính thức gia nhập Lương Sơn: “Dương Chí cũng thuật chuyện gặp Vương Luân trước cho mọi người nghe, chúng đều cười mà nói rằng: - Mới hay muôn việc tại trời định trước, không có việc gì ngẫu nhiên hết thảy. Tiều Cái lại thuật chuyện cướp của Sinh Thần ở Hoàng Nê Cương khi trước, chúng đều vui mừng mà tán tụng không thôi”. Nếu quả thực Dương Chí đã thật lòng gạt qua thù cũ, sao không có một dòng nào nhắc đến tâm trạng của chàng lúc ấy hay thậm chí từ đó về sau cũng không hề có một đoạn hội thoại nào theo kiểu “xóa bỏ thù hận” giữa họ Tiều và họ Dương? Tác gia Thi Nại Am có ý để ngỏ để cho chúng ta tự suy ngẫm và biện giải vậy!

Trong trận chiến với Phương Lạp, Dương Chí bị Phương Thiên Định chém mất 1 chân, phải khiêng trên cáng ở chiến trường. Nhưng cái chết của họ Dương, miêu tả trong Hậu thủy hử, là “tâm trạng u uất, bệnh nặng mà mất”. Cái sự qua đời của Dương Chí, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh trái ngang của chàng tại Lương Sơn, ngày nào cũng phải giáp mặt những kẻ hại mình đến cùng đường tuyệt lộ mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ngoài mặt phải coi là huynh đệ. Uất hận tích tụ lâu ngày chính là sinh bệnh mà chết vậy.

Trương Thuận và An Đạo Toàn

An Đạo Toàn, ngoại hiệu “Thần y”, ngồi ghế 56/108 vị anh hùng Lương Sơn, thừa hưởng tài năng y thuật của tổ tiên, được coi là danh y kiệt suất chữa khỏi bách bệnh của Nam Kinh. An Đạo Toàn không hề tự nguyên lên Lương Sơn mà bị chính Lương Sơn ép đến cùng cực mà đành phải nhập bọn.

Bối cảnh xuất hiện của nhân vật này được miêu tả ở hồi 64 Thủy Hử, vào thời điểm Tống Giang trong lúc bao vây đánh phủ Đại Danh đột ngột ngã bệnh, sau lưng nổi một hột mụn lớn đau nhức vô cùng. Lúc ấy Lãng lý Bạch điều Trương Thuận mới nói: “Khi trước mẹ tôi ở Tầm Dương, bị cái hậu bối, thuốc men mãi không khỏi bệnh, sau mới được ông An Đạo Toàn ở phủ Kiến Khang đến chữa, thì bệnh lập tức khỏi ngay, từ đó tôi lấy làm cảm phục ông ta, mà kiếm được tiền nong là đem đến biếu. Nay bệnh huynh trưởng như vậy, tưởng có người ấy đến, thì thế nào cũng khỏi”.

Chuyện có bệnh vái tứ phương, tìm thầy giỏi âu cũng là lẽ bình thường. Nhưng cách Trương Thuận, dùng mọi thủ đoạn để ép bằng được An Đào Toàn phải tới chữa trị cho Tống Giang mới là thứ khiến “Thần y” nuôi hận trong lòng.

Đây là đoạn hội thoại giữa An Đạo Toàn và Trương Thuận trong lần đầu gặp mặt:

An Đạo Toàn: “Tống Công Minh là một bậc nghĩa sĩ xưa nay, đáng lẽ cần phải chữa ngay mới phải, song hiềm vì nhà tôi mới mất dạo trước, trong nhà không có ai là người thân thuộc trông nom, như vậy cũng khó lòng mà đi ngay được”. Trương Thuận cố vật nài mà rằng: “Nếu huynh trưởng không có lòng cứu giúp, thì tôi quyết nhiên không dám về núi nữa”. An Đạo Toàn ngần ngừ hồi lâu rồi nói rằng: “Hãy để tôi liệu xem sao”.

Thực ra An Đạo Toàn cũng là tay phong lưu, thích hưởng lạc. Vào thời điểm Trương Thuận xuất hiện thì chàng ta đang qua lại “tình ý thân mật” với một cô đào ở phủ Kiến Khang – tên Lý Xảo Nô. Họ An vì tin Trương Thuận mà cũng giới thiệu luôn Lý Xảo Nô với đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc, rồi cùng nhau rượu chè tại nhà nữ nhân họ Lý.

Trong cuộc nói chuyện với An Đào Toàn, Lý Xảo Nô năm lần bảy lượt không cho “Thần y” tới Lương Sơn, Trương Thuận nghe vậy, trong lòng tức giận vô cùng. Mà Lý Xảo Nô vốn là đào hát, thì mối quan hệ nam nữ cũng lằng nhằng vô cùng. Khách ruột của đào hát có tiếng đâu chỉ mình An Đạo Toàn.

Cũng trong đêm đó, có tay Trương Vượng (chính là kẻ đã lừa giết Trương Thuận cướp hành lý ở bến Tầm Dương vài hôm trước) đã tới nhà của Lý Xảo Nô, đôi bên say đắm vô cùng. Canh ba đêm đó, khi tất cả đều say ngủ, Trương Thuận tay dao tay búa giết chết Lý Xảo Nô và 3 người nhà họ Lý (Trương Vượng thoát được nhưng sau đó trên đường về Lương Sơn bị Thuận gặp được giết nốt).

Nhưng nếu chỉ giết Lý Xảo Nô và những người vô tội thì đã đành một nhẽ đằng này sau khi hạ thủ xong, Trương Thuận còn làm một việc nữa khiến An Đạo Toàn, vốn chẳng hề liên quan, phải rơi vảo tuyệt lộ. Thủy Hử, cũng hồi 64 viết: “Trương Thuận giết xong bốn người, trong bụng lấy làm băn khoăn khó chịu. Chợt nhớ ra chuyện Võ Tòng giết nhà Trương Đô Giám khi trước, chàng kiền xé một miếng vải thấm máu đỏ, mà viết lên tường vôi trắng rằng: "Kẻ giết người là An Đạo Toàn".

Đến khi An Đạo Toàn tỉnh rượu hỏi Thuận “Người yêu tôi đâu”, Thuận lại trỏ lên những chỗ viết chữ ở trên tường mà nói rằng: “Bác đã trông thấy chữ của mình viết chưa? An Đạo Toàn trông thấy ngẫn người ra, rồi kêu lên rằng: Anh làm thế nầy thì khổ tôi quá! Trương Thuận nói: Bấy giờ chỉ có hai cách tùy bác muốn làm thế nào thì làm? Nếu bác kêu lên thì tôi chạy ngay, để mặc cho bác đền mạng người chết. Bằng bác muốn cho êm ả mọi việc rồi xin về nhà gói ghém thuốc men rồi đi ngay lên Lương Sơn Bạc với tôi mới được. Có hai đường ấy muốn sao mặc lòng. An Đạo Toàn thở dài mà than rằng: Sao anh tàn nhẫn quá thế? Thôi bây giờ còn biết thế nào được nữa?”

Từ chỗ là một danh y đệ nhất, sống đời thoải mái tại kinh thành, An Đạo Toàn bị giết mất người yêu, phải chịu oan trái từ trên trời rơi xuống là “kẻ sát nhân hại 4 mạng người”, bị ép phải làm giặc cỏ chống lại triều đình. Dù ở kinh thành hay trên bến nước, công việc của An Đạo Toàn vẫn là cứu người, nhưng đấy không bao giờ là con đường mà chàng lựa chọn.

Đừng nói là An Đạo Toàn hận Trương Thuận thấu xương mà không làm gì được, bản thân chàng cũng chẳng muốn gắn bó với Lương Sơn chút nào. Thế nên, khi có cơ hội thoát khỏi nhóm nghĩa quân này, họ An tranh thủ ngay. Hậu Thủy Hử viết: “Trước trận đấu cuối cùng của quân Lương Sơn đánh thành Hàng Châu trong chiến dịch bình Phương Lạp, An Đạo Toàn nhận lệnh từ triều đình Tống về kinh đô chữa bệnh cho vua, mặc dù bệnh trạng vua không thật sự trầm trọng”.

Sự vắng mặt của An Đạo Toàn trong chiến dịch này là một trong những nguyên nhân số một khiến nhiều đầu lĩnh Lương Sơn đã mất mạng khi họ bị thương nặng. Nhớ lại những lần Tống Giang than khóc thảm thiết nhắc tên An Đạo Toàn khi huynh đệ thân tín của mình tử thương vong mạng thì mới thấy giá trị của Thần y.

Sau khi về kinh đô Đông Kinh, An Đoạn Toàn được phong Thái y trong triều đình Tống, sống suốt đời tại đây. Còn “kẻ thù” của An Đạo Toàn, Lãng lý bạch điều Trương Thuận thì trước đó, trong lần vượt thành ở cửa Dũng Kim, bị lính canh của Phương Lạp bắn chết rơi xuống hồ rồi chặt đầu cắm vào sào bêu trên mặt thành. Cái chết thương tâm của Trương Thuận có thể khiến nhiều người đau lòng nhưng với An Đạo Toàn, đó chính là sự an ủi lớn nhất vậy.

Theo Thanh Xuân/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-cuu-thu-bang-mat-khong-bang-long-tren-luong-son-bac-1234956.html