Những cuốn sách chờ người đọc

Liệu một ngày nào đó, sách chỉ là những hộp bìa giấy xinh xắn, nhẹ nhàng để người ta dễ cầm lên chụp hình?

1. Tôi thường ngồi viết trong một tiệm cà phê, từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác.

Một trong những tiệm cà phê mà tôi thường “đóng đô” là Chiêu Café Sách. Bên tách cà phê, tôi ngồi viết (không phải bao giờ cũng là văn chương), khi không viết được, khi hết việc để làm, tôi thường cầm lên một cuốn sách đọc bâng quơ. Cũng có khi một quyển sách chiếm trọn thời gian những ngày tôi ngồi ở đó. Cũng có khi tôi lẳng lặng cầm về một cuốn sách để rồi vài hôm sau mang đến đặt vào chỗ cũ.

Chiêu Café Sách là một nơi chốn nhỏ bé và bình yên cho những ai thích cà phê và yêu sách. Nhưng tôi viết những dòng này không phải để quảng cáo cho tiệm cà phê ấy. Mà có lẽ cũng chẳng có ai cần tôi làm công việc ấy bởi có mấy ai tới đây để cầm lên và đọc một cuốn sách đâu (?!).

Từ ngày này qua ngày khác, từ tuần này qua tuần khác, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, tôi lặng lẽ quan sát và thấy thật hiếm khi có một người đọc sách. Cũng có những người ngồi lì cả ngày như tôi nhưng chúi đầu vào màn hình smartphone. Cũng có ngày tôi thấy mấy cô gái trẻ tuổi xinh đẹp ùa vào quán, cầm lên những cuốn sách dày cộp nhưng không phải để đọc, mà chụp hình đưa lên Facebook.

Ở hệ thống cà phê Trung Nguyên có nhiều sách hay nhưng ít người chịu đọc Ảnh: QUANG HUY

Sách không dùng như công cụ, mà thành một thứ… đạo cụ, là điều tôi cũng như bạn có thể thấy ở Đường Sách (Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP HCM).

Tọa lạc trên một con đường nhỏ xinh xắn, rợp bóng mát hàng me, nằm sát cạnh Bưu điện Sài Gòn và nhà thờ Đức Bà danh tiếng, Đường Sách là nơi lý tưởng để mọi người tới đó dạo chơi, tìm sách, đọc sách và mua sách. Thế nhưng, sau gần một năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay, các đơn vị có gian hàng sách ở đây đều than… ế ẩm quá.

Sách bán rất chậm mặc dù Đường Sách lúc nào cũng nô nức khách, dập dìu trai thanh gái lịch. Bãi giữ xe luôn chật kín (dù lấy giá khá mắc), tiệm cà phê và thức ăn nhanh lúc nào cũng đông đúc (dù giá cao chót vót) nhưng những gian hàng sách thì thưa thớt người mua. Thưa thớt người mua mà lại tấp nập người đến mượn khung cảnh để chụp hình. Những đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới có bối cảnh nhà thờ Đức Bà hoài cũng chán, nay chuyển sang phong cách Đường Sách. Nhiều thiếu nữ muốn khoe những tà áo dài tân kỳ nhất cũng ra Đường Sách tạo dáng. Sách được mượn làm “đạo cụ”, quầy sách dùng làm background. Những “nhiếp ảnh gia” hùng hổ khí thế… nhào lộn, phô bày đủ các tư thế, có khi “cao hứng” quát luôn mấy nhân viên bán sách (!).

2. Sách rất nhiều. Sách hay không thiếu nhưng không mấy người đọc.

Nói ra thì nhiều người sẽ bảo tại sách bây giờ mắc quá, tiền đâu mua?

Nhưng thật ra sách không mắc, nếu so với những thứ hàng hóa khác.

Kỳ thực, người ta không đọc sách, ngay cả khi không phải mất một xu nào. Chẳng hạn như ở Chiêu Café Sách và nhiều nơi nữa như hệ thống cà phê Trung Nguyên. Ở đó, bất kỳ ai cũng có thể lấy sách đọc và vô tư mang về nhà, nếu thích.

Cũng như ở Chiêu Café Sách, khi ngồi cà phê Trung Nguyên, tôi thử quan sát xem có ai cầm sách lên đọc hay không. Kết quả của nhiều ngày tháng “theo dõi” đó là: Rất hiếm. Dường như người ta thích giễu cợt “Chủ tịch Vũ” (người sáng lập Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ) hơn là đọc sách do ông ấy chọn và mang tặng mọi người. Dường như người ta để cho những định kiến về một con người cụ thể đè nặng, lấn át lên những cuốn sách được xem là biển tri thức. Hay người ta thích “lên án” một người để hả hê và thấy mình vĩ đại tới mức không thèm đọc những cuốn sách ấy?

Tôi không quen biết ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng từ những tiệm cà phê Trung Nguyên, tôi đã mang về nhà những cuốn sách bổ ích, như: “Quốc gia khởi nghiệp”, “Khuyến học”, “Không bao giờ thất bại - Tất cả chỉ là thử thách”… Đặc biệt, cuốn “Không bao giờ thất bại - Tất cả chỉ là thử thách”, tự truyện của Chung Ju Yung - người sáng lập, cố chủ tịch của Tập đoàn Hyundai, đã khiến tôi phải thao thức nhiều đêm liền. Tôi nghĩ đây là cuốn sách hay, rất cần cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Cuốn sách mà bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình phải đọc.

* * *

Những cuốn sách nằm đó chờ người đọc, hẳn là chúng sẽ rất buồn khi không có ai cầm lên, giở ra đọc. Những cuốn sách không người đọc là những cuốn sách chết, hay những cuốn sách đang héo rũ vì đợi chờ.

Cũng không phải vì đọc sách mà tôi coi thường những người không đọc sách. Như thuyết chọn lọc tự nhiên, cái gì, việc gì xảy ra trên đời này cũng đều có cái lý của nó. Nhưng cứ nghĩ xu hướng sử dụng sách như một thứ “đạo cụ” hay một vật trang trí thì không khỏi giật mình…

TRẦN NHÃ THỤY

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-cuon-sach-cho-nguoi-doc-20161119211521772.htm