Những cuốn hút từ phim 'Tiếng sét trong mưa'

Thú thực, tôi vốn 'cực đoan', thói cực đoan của tôi xấu đến nỗi gần như chẳng khi nào tôi xem phim trên tivi, phim truyền hình do Việt Nam sản xuất lại càng không ngó ngàng. Ngay như bộ phim 'Về nhà đi con' nghe đồn rình rang là vậy mà tôi đâu có màng đến một giây.

Một số hình ảnh trong bộ phim “Tiếng sét trong mưa”.

Một số hình ảnh trong bộ phim “Tiếng sét trong mưa”.

Vậy mà thời gian gần đây tôi bỗng “dở chứng”, cứ tối đến, cơm nước xong là ngồi chờ đến 20 giờ để bật tivi xem phim “Tiếng sét trong mưa” trên kênh THVL1. Mà lạ chưa, kênh THVL1 là một kênh địa phương ở tận Nam Bộ (Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long) nhưng đã khiến một người đàn ông ngoài Hà Nội như là tôi “mê” mới lạ.

Đi vào lòng người

Được biết đạo diễn của bộ phim là Nguyễn Phương Điền, ông đạo diễn này đã trực tiếp viết kịch bản cho phim của mình. Việc đạo diễn tự viết kịch bản thì đâu có mới, nhiều người đã và vẫn làm đó thôi nhưng cái “liều” của Nguyễn Phương Điền là ông viết kịch bản trên cơ sở phóng tác từ vở cải lương “Lôi Vũ” của hai soạn giả Hồng Căn và Thế Châu. Một kịch bản phim lấy bối cảnh xã hội Nam Bộ thời kỳ trước Cách mạng tháng 8, nghĩa là bối cảnh phim cách hiện tại những bảy, tám mươi năm hoặc xa hơn nữa.

Vở cải lương “Lôi Vũ” trước đó được 2 soạn giả Hồng Căn và Thế Châu chuyển thể từ vở kịch “Lôi Vũ” rất nổi tiếng của nhà văn Tào Ngu bên Trung Quốc. Nguyễn Phương Điền có một cái “lợi” là “Lôi Vũ” bên Trung Quốc đã được 2 soạn giả Hồng Căn và Thế Châu đã “Nam Bộ hóa” bước một, do vậy đạo diễn kiêm tác giả kịch bản “Tiếng sét trong mưa” chỉ việc “Nam Bộ hóa” bước hai cho thuần Việt, thuần chất Nam Bộ hơn.

Nói nghe có vẻ dễ nhưng đâu có dễ, sân khấu dù là kịch nói hay cải lương thì đều là ước lệ, thời gian diễn ra nhiều cũng không quá ba giờ biểu diễn, đằng này làm thành một bộ phim truyền hình nhiều tập với thời lượng mỗi tập chừng 45 phút thì đòi hỏi phải “gia công” cùng “gia cố” vô cùng nhiều. Không gian rộng ra, thời gian dài ra, tuyến truyện cũng phải rộng dài ra, phải thêm thắt rất nhiều.

Quả tình xem “Tiếng sét trong mưa” người xem đã thoát được cảm giác lê thê, gượng gạo, nhàn nhạt của phim truyền hình nhiều tập thường thấy. Một bộ phim có bối cảnh xa cũ đến nỗi ngay như tôi không hình dung nổi vậy mà xem thấy hay mới lạ.

Thì ra, câu chuyện về thân phận, về người nghèo bị vùi dập, kẻ giầu thì gian ác tưởng như quá xa đã được tái hiện lại một cách sinh động, không thấy cũ. Sức lôi cuốn đầu tiên là ở đó.

Thì ra, câu chuyện về tiếng khóc ai oán của những phận nghèo trong một kiếp nhân sinh với chuyện tình đau chới với bên bờ ngang trái đã lấy được sự rung động của những trái tim những tưởng chẳng bao giờ còn được đau những nỗi đau như thế.

Phải chăng khi đã quá xa những oan khuất, những trái ngang, những tưởng khán giả hiện tại sẽ thờ ơ với sự khổ đau, dửng dưng với sự chà đạp nhân phẩm con người, vậy mà con tim người xem vẫn còn đau đáu, vẫn còn da diết và còn sự đồng cảm.

Thành công của “Tiếng sét trong mưa” là ở chính chỗ câu chuyện phim đã đi vào lòng khán giả. Người Việt hiện đại đâu có vô cảm, người Việt hiện đại đâu có quay lưng với quá khứ thương đau. Vẫn còn đó sự sẻ chia, sự bao dung, sự mãnh liệt.

Đậm chất Nam Bộ

Thành công của “Tiếng sét trong mưa” còn ở chỗ các nhà sản xuất đã biết lồng ghép vào câu chuyện của phim những hình ảnh đậm chất Nam Bộ, với con người, với phong cảnh, với cuộc sống... Nét văn Nam Bộ nói riêng, nét văn hóa Việt Nam nói chung đã hòa vào câu chuyện của phim, một điều các phim truyền hình hiện nay thường bỏ qua.

Chưa kể “Tiếng sét trong mưa” như một món ăn tinh thần tuy cũ mà rất mới giữa đầy rẫy những món ăn tinh thần kiểu thời thượng, học đòi, du nhập có trên các phim truyền hình hiện nay. Sự “tìm về” này rất đáng khích lệ, nhân rộng.

Còn nhớ cách đây chừng bảy, tám năm trong một hội nghị bàn về “Xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong các tác phẩm văn học nghệ thuật” do Hội đồng lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức, tôi đã phát biểu rằng: Muốn có một tác phẩm văn học nghệ thuật đúng như mong muốn thì các ngành văn học nghệ thuật và các địa phương phải liên kết với nhau để các tác phẩm văn học nghệ thuật đó sẽ là “cây cầu” giới thiệu văn hóa các vùng miền.

Cứ lấy bộ phim “Nàng Đê Chang Kưm” của Hàn Quốc ra làm ví dụ. Bộ phim truyền hình xứ Kim chi cũng những cảnh ngộ éo le, toan tính, trù dập đấy vậy mà người xem Việt Nam mê.

Vì ở phim đó người xem như được đứng vào cùng nhân vật, được ăn, được ngủ, được tranh đấu cùng nhân vật và được học hỏi về chế biến món ăn dân tộc. Và hay nhất là văn hóa Hàn Quốc được bộ phim giới thiệu rất tài tình.

Theo đó, tôi cũng đã nêu mong muốn là được làm một bộ phim truyền hình nhiều tập lấy cốt truyện từ các tích cổ, các làn điệu dân ca, các bài trường ca dân gian. Câu chuyện sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay và được lồng vào quá khứ nhằm hai điều. Điều thứ nhất và là cái đích đến đó là tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa dân tộc. Điều thứ hai là thông qua chuyện phim nhằm thu hút khách du lịch đến với nơi chuyện phim diễn ra.

Cũng theo đó, để làm được bộ phim như thế này cần có sự phối hợp, hợp tác, đồng sản xuất của nhiều bên. Ví dụ như đài truyền hình đứng ra tổ chức sản xuất và bảo đảm việc phát sóng. Các nhà làm phim xây dựng kịch bản và sản xuất phim.

Các địa phương cung cấp bối cảnh, cung cấp tư liệu văn hóa địa phương mình như: Các làn điệu dân ca, trường ca, truyện cổ… phù hợp với kịch bản; cung cấp các danh thắng, di tích lịch sử phù hợp với yêu cầu bối cảnh của phim và nhằm giới thiệu về cái hay, cái đẹp của địa phương mình.

Đồng thời các địa phương cũng cung cấp nhân lực về văn hóa địa phương mình bằng cách cử các diễn viên, nghệ nhân tham gia diễn xuất. Cách làm này theo kiểu “đôi bên cùng có lợi” và mỗi bên tham gia vào phim phải tự chi trả phần kinh phí của mình. Nhà làm phim giảm được chi tiêu và địa phương coi như là “đồng sản xuất” phim. Chứ như cách làm hiện nay thì nhà sản xuất phải chi phí hoàn toàn. Địa phương đứng ngoài.

Do vậy đôi khi nhà sản xuất phim làm theo ý mình, bỏ qua địa phương nên dẫn tới tình trạng hình ảnh và nội dung trong phim không đúng với thực tế ở địa phương có trong bối cảnh phim. Mà vì phải tiết kiệm nên bối cảnh quá giản đơn. Đấy là chưa kể thói “cá nhân” mà nhà sản xuất phim làm hỏng cả những nét hay nét đẹp của địa phương đó.

Trở lại với “Tiếng sét trong mưa”, cái giỏi của những người làm bộ phim này là những kịch tính liên tiếp, cao trào của mỗi tập phim đã khiến người xem phải xem và phải chờ xem tập sau. Dàn diễn viên của “Tiếng sét trong mưa” diễn xuất rất vào vai.

Từ vai xuất hiện nhiều cho đến những vai xuất hiện thoáng qua đều để lại cảm tình cho khán giả. Cảnh lao động sản xuất tưởng chừng khô khan nhưng nét chan hòa của khung cảnh với sự vào vai của diễn viên đã làm người xem thích thú.

Thì ra tận trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người đều chứa một tình thương con người với con người. Bộ phim “Tiếng sét trong mưa” như một kinh nghiệm để các nhà làm phim để tâm.

Ngay như MV ca nhạc “Để Mỵ nói cho mà nghe” cũng đã cho thấy vì sao nhiều người, đa phần là người trẻ thích, bởi vì MV ca nhạc này có lời hát đúng chất con người, phong cảnh đẹp, trang phục đẹp và những điệu múa biết lồng vào những cốt truyện văn học “kinh điển” tạo cảm hứng cuốn hút người xem.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-cuon-hut-tu-phim-tieng-set-trong-mua-4041792-b.html