Những cuộc 'xâm thực' của lễ hội ngoại lai

Đi kèm với sự phát triển ồ ạt của các phương tiện truyền thông như hiện nay, ngày càng nhiều lễ hội trên thế giới du nhập vào Việt Nam được giới trẻ đón nhận, có thể kể đến như: Giáng sinh, Halloween, lễ Tạ Ơn, hay Valentine…

Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những đôi bạn trẻ cùng nhau đi sắm Giáng sinh, mua quà Valentine, mua đồ chơi Halloween… ở các cửa hàng.

Dù hội nhập nhưng vẫn phải có những nét đặc trưng văn hóa riêng

Những lễ hội “ngoại nhập” xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng trở nên quen thuộc với người Việt, đặc biệt là với giới trẻ. Tạo nên hệ quả này, một phần quan trọng là do sự nỗ lực quảng bá kêu gọi mua sắm, chính sách kích cầu khuyến khích chi tiêu giảm tích lũy để đưa dòng tiền chảy vào nền kinh tế của các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp.

Trên các con phố của Hà Nội, gần ngày Giáng sinh, hay Valentine cũng có rất nhiều thay đổi từ cách trang trí nhà ở, cửa hàng. Ông Già tuyết, chú tuần lộc đã trở thành hình ảnh quen mắt với nhiều người dù họ không theo đạo và cũng chẳng nghỉ lễ Giáng sinh như nhiều nước phương Tây.

Một số bạn du học sinh Mỹ có chia sẻ với chúng tôi: “Dịp cuối năm này, chúng mình thường được nghỉ 2 - 5 tuần, có rất nhiều ngày lễ liên tiếp vào cuối năm, hết lễ Tạ Ơn thì đến Giáng sinh và Tết Tây, chúng mình có rất nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị cho các buổi tiệc, những buổi gặp mặt, vui chơi với bạn bè”.

Nhưng đó là đối với văn hóa lễ hội phương Tây, còn các ngày lễ lớn của nước ta như: lễ Thượng Nguyên, Tết Đoan Ngọ, Hội Gò Đống Đa, Hội Lim … hay lễ hội tại các vùng miền (lễ Cầu ngư, diệt trừ sâu bọ, mừng lúa mới…), lại bị một số bộ phận giới trẻ đón nhận với sự biến dạng, du nhập “nửa mùa” dưới các hình thức tụ tập ăn chơi và chuyện cùng nhau đi chơi suốt một hai ngày lễ nhưng không ai nghĩ đến ý nghĩa của ngày lễ.

Bạn Nguyễn Minh Phương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Việc tìm đến sự mới lạ trong các ngày lễ nước ngoài không phải là lỗi của riêng các bạn trẻ bởi mỗi ngày lễ, ngày kỷ niệm của chúng ta, học sinh tập trung ở dưới sân trường để nghe những bài nói, báo cáo có tính chất tuyên truyền và hô hào thì chẳng mấy ai để ý. Thế nhưng, nếu mình cùng tham gia vào chương trình, cùng được trải nghiệm thực tế của lễ hội thì không khí lễ hội sẽ “ăn” sâu hơn”.

Thực tế cho thấy, hầu như các ngày lễ kỷ niệm chỉ được biết đến qua các cuộc diễu hành, kỷ niệm; các lễ hội dân gian được biết đến qua các phần lễ rình rang, phô diễn nghi thức và phần hội thì sơ sài, nhàm chán đã làm giới trẻ không quan tâm chú ý. Công tác tổ chức ngày lễ lớn còn mang nặng tính chất hình thức mà còn chưa chú trọng đến phần “hội”. Nếu không tổ chức cho ra trò để các bạn trẻ được “chơi và vui” theo đúng nghĩa thì giới trẻ quay lưng là có thể hiểu.

Bạn Hương Ly (20 tuổi, Ninh Bình) lại tỏ ra khá tích cực: “Mình thấy một, hai năm gần đây ngày lễ tết truyền thống các bạn trẻ bắt đầu đón nhận hơn các năm trước rồi đấy. Ở quê Ninh Bình, có lễ hội Trường Yên diễn ra hàng năm, chúng mình còn được nhà trường cho nghỉ học để tham gia rước kiệu, vui hội. Mình và các bạn được chơi nhiều trò chơi dân gian hay lắm nhé”.

“Giá như những ngày lễ truyền thống Việt Nam được tổ chức một cách phong phú hơn, gần gũi hơn, giữ được cái “thần” tinh túy của lễ và thật rộn ràng chất "hội", như mình thấy quê mình đang cố gắng, hoặc không thì việc truyền thông qua phim ảnh, nghệ thuật – con đường dễ được các bạn trẻ tiếp nhận nhất, cũng cần có được sự đầu tư thích đáng, như các nước phát triển đã và đang làm nếu vậy chắc chắn những ngày lễ truyền thống, những nét văn hóa dân tộc lâu đời sẽ không bị giới trẻ lãng quên như bây giờ” - bạn Ly nói thêm.

Khi được hỏi về việc gần đây lại có thông tin nên bỏ Tết Nguyên đán, ăn theo lịch Tết Tây, các bạn trẻ đều cho rằng họ không đồng tình, dù hội nhập nhưng đã là một dân tộc vẫn phải có những nét đặc trưng văn hóa riêng, không thể nhầm lẫn giữa “hòa nhập” và “hòa tan”.

Nguyễn Minh Uyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhung-cuoc-xam-thuc-cua-le-hoi-ngoai-lai-70801.html