Những cuộc gặp làm hồi sinh sự sống

Nhờ cuộc gặp gỡ mà người phụ nữ có gương mặt quỷ suốt mấy chục năm không dám ra đường nay tự tin đi chợ, gặp gỡ mọi người. Có những đứa bé mới sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không được phát hiện, nhờ gặp bác sĩ đã hồng hào, khỏe mạnh. Những cuộc gặp dường như vô tình giữa bác sĩ và người bệnh đã hồi sinh sự sống cho bao thân phận không may mắn.

Các bác sĩ phát hiện người phụ nữ có khối u khổng lồ trong đợt khám tình nguyện tại Sơn La

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Tiếp nối thành công của các đợt khám sàng lọc miễn phí tim bẩm sinh cho trẻ em, mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đến với trẻ em vùng núi Cao Bằng. Chỉ trong 2 ngày, gần 2,5 ngàn bé được khám sàng lọc, trong đó có nhiều trẻ được phát hiện mắc bệnh mà gia đình không hay biết.

Trong những trẻ mắc bệnh nặng cần phẫu thuật, để lại ấn tượng nhất với các bác sĩ là bé H.A.V mới 22 ngày tuổi. Bé được xác định mắc bệnh lý tim mạch phức tạp (thất phải 2 đường ra kèm theo teo động mạch phổi). Đây là bệnh lý bẩm sinh nhưng do kiến thức về bệnh còn hạn chế nên ít trẻ được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cuộc gặp gỡ giữa bác sĩ và người dân luôn đem lại điều bất ngờ. Trong chuyến khám bệnh tình nguyện tại Vân Hồ (Sơn La), các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát hiện tỷ lệ lớn người dân mắc các bệnh lý về đường huyết, cao huyết áp, bệnh về mắt… trong đó tỷ lệ người dân mắc bướu cổ ở mức rất cao. Điều bất ngờ với đoàn là phát hiện người dân 70 tuổi nhưng có 30 năm sống chung với khối u khổng lồ trên cổ. Càng bất ngờ hơn khi người bệnh cho biết không có ý định đi khám hay điều trị cho dù khối u đã chèn ép gây khó thở, kém ăn, mệt mỏi…

Qua tìm hiểu, người bệnh có khối u từ khi còn nhỏ. Đến khi lấy chồng, sinh con, khối u ngày một lớn dần lên sau mỗi lần sinh nở. Theo bác sĩ Nguyễn Giang Nam, Phó trưởng khoa Điều trị ban ngày (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), đây là một trong số ít trường hợp có khối bướu cổ khổng lồ được phát hiện trong chuyến khám bệnh tình nguyện. Khối u của bà L.T.S (Chiềng Xuân, Vân Hồ, Sơn La) tiếp tục to ra. Nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe. Để người bệnh yên tâm điều trị, có cuộc sống tốt hơn, theo Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương- PGS. TS Trần Ngọc Lương, bệnh viện sẵn sàng tiếp đón, phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân.

Thay đổi cuộc đời

Nhận thấy căn bệnh khiến bé H.A.V thường xuyên bị tím tái, khó thở, độ bão hòa oxy trong máu rất thấp (chỉ đạt 46%), nếu không can thiệp sẽ khó giữ được tính mạng. Các bác sĩ trong đoàn khám bệnh tình nguyện lập tức chỉ định chuyển bé về Bệnh viện Nhi Trung ương. Chiếc xe cấp cứu vượt qua 300 km, đưa bé đến khoa Hồi sức tim mạch (Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương) ngay trong ngày.

Tại đây, các bác sĩ tiến hành hồi sức, truyền thuốc để mở ống động mạch nhưng bệnh tình không tiến triển nên phương án 2 được đưa ra là phẫu thuật theo cách cổ điển (mổ mở) làm cầu nối chủ phổi hoặc can thiệp đặt stent vào ống động mạch để mở ống động mạch ra. Cuối cùng, ê kíp chọn phương án 2, dù khó khăn với bác sĩ nhưng lại an toàn hơn cho trẻ. Quá trình can thiệp kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã cho kết quả thành công. Sau can thiệp, chỉ số bão hòa oxy của cháu ngay lập tức đã tăng lên 85-90%. Chỉ sau hơn 1 ngày, bệnh nhi đã cai được máy thở. Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định, trái tim lỗi nhịp đã được chỉnh sửa.

Cũng nhờ cuộc gặp vô tình giữa nhà báo mà bà T.M.C (Nguyên Bình, Cao Bằng) được đưa về Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương phẫu thuật khối u khổng lồ trên mặt. Khối u khiến bà bị cộng đồng xa lánh, khiến cuộc sống của bà vốn khó khăn nay thêm phần khốn khó suốt nhiều năm.

Trong buổi lễ chia sẻ về thành công của 500 ca vi phẫu, GS. TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện không giấu nổi xúc động khi nhắc đến những bệnh nhân này. Theo GS. TS Hải, việc bóc tách khối u nặng đến 4 kg từng đeo bám trên gương mặt người bệnh suốt 25 năm thực sự là quyết định táo bạo. Bởi bệnh nhân không chỉ có khối u khổng lồ, mà còn có nhiều bệnh đi kèm (suy tim, vôi hóa động mạch chủ, dày thất trái, nang nước trong thận). Hơn nữa, trước khi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bà T.M.C từng được đưa qua vài cơ sở y tế cả trung ương và địa phương, tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ ở đây đều không dám đụng dao kéo trong trường hợp này.

Còn với cô bé H.T.T (Than Uyên, Lai Châu), cuộc gặp gỡ với bác sĩ Bệnh viện E như câu chuyện cổ tích giúp em thay đổi cuộc đời. Không may bị ngã vào bếp lửa từ khi còn bé nhưng do gia đình không có điều kiện nên suốt 13 năm em phải sống trong mặc cảm bởi sự tồn tại của vết sẹo dài trên mặt. Nhờ gặp bác sĩ, được bệnh viện hỗ trợ viện phí, em đã được phẫu thuật trả lại khuôn mặt xinh xắn vốn có. Cho dù phải trải qua 2-3 lần nằm viện phẫu thuật nhưng em tin, gương mặt lành lặn sẽ mở ra chân trời mới cho mình.

Có thể thấy, có những cuộc gặp gỡ tưởng như vô tình nhưng trở thành định mệnh. Từ những cuộc gặp ấy, nhiều trái tim lạc điệu của em bé được bác sĩ phát hiện, chỉnh sửa. Những người mang khối u khổng lồ trên cổ, vùng hàm mặt được bác sĩ bóc tách thành công. Cuộc sống thực sự hồi sinh với người bệnh không may mắn. Và mỗi lần hội ngộ luôn có nụ cười và cả giọt nước mắt của hạnh phúc đã đem đến cho bác sĩ cảm giác khó tả. Vừa như lời cám ơn, vừa là động lực để họ tiếp tục hành trình trao yêu thương của mình.

Trong mỗi chuyến đi thiện nguyện, các bác sĩ khám và phát hiện ra nhiều dị tật khác nhau ở trẻ. Bỏng do điện giật, do nước sôi, các dị tật ở bàn chân, bàn tay, sứt môi, hở hàm ếch và bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ hay những bệnh thường gặp như viêm họng, VA… được bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị.

Hạnh Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/nhung-cuoc-gap-lam-hoi-sinh-su-song-3957621-b.html