Những cuộc đua doanh thu

Apple trở thành công ty công nghệ đầu tiên cán đích 1.000 tỉ đô la Mỹ và nhiều người cho rằng đó là một chiến thắng. Nhưng trên thực tế cuộc đua doanh thu trong ngành công nghệ phức tạp hơn nhiều, với nhiều ẩn số và những kịch tính, theo cả hai trào lưu đầu tư hội tụ và phân nhánh theo lĩnh vực.

Những đám mây công nghệ đang che kín bầu trời.

Khi mà giá trị những công ty công nghệ đã vượt quá tài sản nhiều quốc gia thì cuộc đua doanh thu mang nhiều ý nghĩa. Với những tập đoàn hay công ty lớn thì chỉ việc tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại cũng đủ tạo nên khủng hoảng, và điều này vừa xảy ra với Facebook khi tốc độ gia tăng người sử dụng chậm lại theo sau những bê bối về tin giả và quyền riêng tư.

Đua doanh thu để tránh khủng hoảng

Trang businessinsider.com cập nhật ngày 19-6-2018 ghi nhận giá trị cổ phiếu của những công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ và Trung Quốc đã vượt qua con số 5.000 tỉ đô la Mỹ, cao hơn tài sản của Nhật Bản, và cao hơn cả các nước thuộc khối Eurozone cộng lại. Tổng giá trị này được đưa ra bởi Bank of America Merrill Lynch, cộng dồn từ giá trị cổ phiếu cập nhật của các công ty công nghệ hàng đầu gồm Facebook, Amazon, Apple, Microsoft, Google tại Mỹ gọi tắt là FAAMG và Baidu, Alibaba, Tencent tại Trung Quốc gọi tắt là BAT.

Cũng theo Merrill Lynch, tổng giá trị tài sản công nghệ của Mỹ hiện nay đang ở mức 6.600 tỉ đô la. Michael Hartnett, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tổ chức nghiên cứu BAML, đã so sánh chỉ số đầu tư dài hạn vào FAAMG+BAT với chỉ số đầu tư dài hạn tại Nasdag và đưa ra khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn thận với cổ phiếu của các công ty công nghệ. Ông không đề cập đến hiện tượng bong bóng, nhưng đây là một thực trạng đáng được lưu ý trong cuộc đua doanh thu giữa các đại gia công nghệ.

Các công ty công nghệ không chỉ đua doanh thu vì danh hiệu, ngược lại họ tập trung đua doanh thu vì chính sự phát triển của họ dựa trên mức độ đánh giá tín nhiệm của cổ đông. Vì thế, thị trường cổ phiếu luôn trở nên nóng vào mỗi kỳ các công ty đưa ra báo cáo hàng quý. Bản báo cáo quý 1-2018 của Alibaba cho thấy tổng doanh thu tăng 61%, thương mại điện tử vẫn là cốt lõi, đám mây tăng trưởng mạnh mẽ, song lợi nhuận lại giảm. Cho dù nổi lên từ thương mại điện tử giữa một thị trường đông dân, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang xói mòn lợi nhuận của công ty, và của cổ đông. Điều mà báo cáo nhấn mạnh vẫn là vị thế thông lĩnh thương mại điện tử của tập đoàn tại Trung Quốc, với hai con ngựa chủ lực là Tmall và Taobao, và quây quanh đó là những đối tác đến từ nước ngoài. Nhưng điều mà báo cáo không thể bỏ qua, thậm chí phải nhấn mạnh là mảng đám mây tăng trưởng mạnh mẽ. Trên thực tế trong khi doanh thu thương mại lên đến 69,19 tỉ nhân dân tệ thì doanh thu đám mây chỉ là 4,7 tỉ trong tổng số 80,92 tỉ nhân dân tệ, vào khoảng 12,23 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn này. Họ phải nhấn mạnh vì đám mây mới là khoản đầu tư lâu dài của Alibaba chứ không phải sự thống lĩnh về thương mại.

Alibaba đã nổi lên như một công ty thống soái trong lĩnh vực thương mại điện tử nhờ ở giữa một thị trường hơn 1,36 tỉ dân, và trong những năm đầu tập đoàn này hoạt đông gần như độc quyền. Dân số đã là một ẩn số của thương mại điện tử vì chính thị trường đông dân là nơi nuôi dưỡng các tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu, cho dù đó là Amazon hay Alibaba, và rồi nhờ sự phát triển của thương mại điện tử mà các tập đoàn này tiến lên làm chủ công nghệ, nói cách khác hướng đến vai trò của một công ty công nghệ hơn là chỉ biết ứng dụng công nghệ. Thị trường đông dân luôn là thị trường của văn hóa, và chỉ các mô hình kinh doanh thích hợp với văn hóa tại đó mới có thể phát triển mạnh, thậm chí bùng nổ. Ở đây, sự thành công của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua nằm ở chỗ tạo nên một nền nếp văn hóa, đúng hơn là một hệ sinh thái thương mại giá rẻ và sự thu hút khách hàng bởi cái lạ và tiện dụng của thương mại điện tử. Nhưng khi các đối thủ cạnh tranh như JD.com bắt đầu xuất hiện và tạo nên hệ sinh thái mới cho thương mại điện tử thì Alibaba phải thủ sẵn lá bài phát triển khác, đó là điện toán đám mây.

Cạnh tranh trong môi trường hội tụ

Người ta thấy có sự trùng hợp trong chiến lược phát triển giữa Alibaba với Amazon, bắt đầu từ thương mại điện tử rồi tiến sang làm chủ điện toán đám mây, và theo những định kiến người ta nghĩ rằng Alibaba học theo Amazon. Nhưng e rằng nhận xét có thể vũ đoán khi mà hai công ty thương mại điện tử đã tạo nên hai hệ sinh thái hoàn toàn khác hẳn. Ngược lại, toàn cảnh đầu tư công nghệ thế giới trong các năm gần đây diễn ra theo xu hướng giao thoa và đồng quy, và họ cạnh tranh thị phần trên những điểm hội tụ đó. Từ vài năm trở lại đây chúng ta đang chứng kiến một loạt công ty có xuất thân dịch vụ khác nhau nhưng lại cùng mở rộng đầu tư mới vào những lĩnh vực giống nhau. Đơn cử giữa Alibaba và Tencent, một đằng là thương mại điện tử, đằng kia là truyền thông xã hội, nhưng nay thì họ cạnh tranh nhau trên thị trường lớn, từ dịch vụ công nghệ thông tin đến công nghệ thanh toán và truyền thông số. Amazon, Microsoft và Google cũng vậy, họ đang đổ xô vào dịch vụ đám mây B2B, bằng cả việc sản xuất thiết bị và dịch vụ ngoại tuyến.

Jialu Shan và Giáo sư Michael R. Wade từ Trường kinh doanh IMD nhận xét rằng tốc độ hội tụ đã tăng tốc trong thời gian gần đây. Facebook khai trương dịch vụ hẹn hò nhằm cạnh tranh với dịch vụ tương tự của Tinder và Match.com. Facebook cũng biết rằng mình đang mất đi giới trẻ cho Snapchat và đối phó lại bằng thiết kế một dịch vụ tương đương vào trên Instagram. Google khai trương lại YouTube Music nhằm cạnh tranh với Spotify, Amazon Music và Apple Music; trong khi Apple lại mua thêm Shazam, một dịch vụ nhận diện âm nhạc và hình ảnh. Alibaba vốn vẫn tự xưng là công ty hỗ trợ thương mại điện tử đang đẩy mạnh thương hiệu riêng của mình gọi là Taobao Xinxuan đồng thời triển khai sự hiện diện mặt đất bằng một hệ thống cửa hiệu, bao gồm Hema và chuỗi tiệm cà phê tự động Taocafe. Tencent từ việc kinh doanh trò chơi điện tử nay đầu tư mạnh các tính năng mới vào hai nền tảng sinh đôi, WeChat và QQ để đưa vào đó dịch vụ tài chính và các ứng dụng nhỏ. Bằng cách này Tencent đang làm cho người dùng WeChat lưu lại trên đó lâu hơn, bình quân hiện nay đã lên đến 66 phút mỗi ngày.

Tính hội tụ trong đầu tư công nghệ giữa các công ty cũng diễn ra nơi các mũi đột phá, rõ ràng nhất là hai mũi nhọn chăm sóc sức khỏe và trí khôn nhân tạo. Vào đầu năm nay Amazon triển khai kế hoạch hợp tác với JPMorgan Chase và Berkshire Hathaway để phát triển công nghệ chăm sóc sức khỏe. Nhưng không chỉ Amazon, Apple cũng đưa ra dư án công nghệ y khoa thông qua tính năng của Apple Watch, gọi là để phục vụ nhân viên, nhưng chắc chắn chiếc đồng hồ thông minh này sẽ không ngừng tại đó. Cùng lúc này Microsoft đưa ra dịch vụ chăm sóc sức khỏe đám mây, gọi là Healthcare NeXT. Google đã mua lại Senosis Health để quản lý sức khỏe qua điện thoại, và Verily cũng đầu tư vào thị trường bảo hiễm y tế. Cả Alibaba và Tencent cũng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của riêng mình, và người ta sẽ hiểu thế nào là cạnh tranh trong môi trường hội tụ. Nhưng trên thực tế, chiến lược hội tụ quan trọng nhất, lâu dài nhất nằm trong mũi nhọn trí khôn nhân tạo, nơi mà Google, Amazon, Facebook, Microsoft và Apple đang ganh đua nhau mua về những hàng chục công ty khởi nghiệp, cùng với đó là làn sóng tung ra các trợ lý ảo, từ Amazon Echo, Google Home, Microsoft Invoke, Alibaba Tmall Genie đến Apple HomePod.

Đang nổ ra cuộc đua doanh thu giữa các công ty công nghệ.Đang nổ ra cuộc đua doanh thu giữa các công ty công nghệ.

Cuộc đua không chỉ gồm những con số

Quy trình hội tụ mục tiêu rồi chuyên hóa theo lĩnh vực sở trường của từng công ty là đặc trưng của tình trạng đầu tư hiện nay, trên thế giới, đặc biệt trong ngành công nghệ. Nhưng trong khi các mũi đột phá chưa đưa ra những con số lợi nhuận ấn tượng, thì lĩnh vực đám mây lại cho thấy hình ảnh rất rõ của những cuộc đua doanh thu. Nếu 2018 là thời điểm của Apple 1000, thì sáu năm sau có thể là thời điểm của Amazon Web Services 2.500 tỉ đô la. Nhiều nhà quan sát cho rằng 2018 là năm bùng nổ điện toán đám mây, bởi họ nhận ra mối liên kết cùng phát triển và lệ thuộc vào nhau giữa trí khôn nhân tạo, công nghệ học máy với công nghệ đám mây. Amazon Web Services (AWS) nay có rất nhiều dịch vụ trí khôn nhân tạo và học máy, đình đám nhất hiện nay là trợ lý ảo Alexa đang hiện diện trong hơn 20.000 thiết bị khác nhau, từ chiếc loa Amazon Echo đến các sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Google Cloud Platform cũng đặt tương lai phát triển trên công nghệ học máy.

Ceo Pichai của Google nói: “Chúng tôi muốn mỗi người đều có thể sử dụng công nghệ học máy cho nhu cầu riêng của họ. Chúng tôi vừa tạo điều kiện cho khách hàng Google Cloud tiếp cận với Auto ML vốn rất dễ dàng sử dụng. Chỉ sau khi khai trương được vài tuần chúng tôi đã có hơn 10.000 khách hàng dùng thử”.

Cuộc cạnh tranh giữa các đám mây đang mỗi ngày một trở nên sôi nổi, nhưng căn bản của cuộc cạnh tranh này không phải là giành thị trường mà ganh đua phát triển thị trường của riêng mình, đây chính là sự chuyên hóa. Dịch vụ của AWS không thể đồng hóa với những đám mây thương mại Microsoft, kinh doanh hạ tầng IBM khác với cung cấp ứng dụng của Google, trung tâm dữ liệu đám mây của Cisco khác với dịch vụ đám mây riêng tư của VMWare, và môi trường độc lập phát triển đám mây của Alibaba khác với điều kiện cạnh tranh toàn cầu của các công ty dịch vụ đám mây khác, thêm vào đó còn có sự cộng sinh giữa các đám mây. Sự kết hợp của đám mây công cộng và đám mây tư nhân, gọi là công nghệ đám mây lai (hybrid cloud) tuy rất ngộ nghĩnh nhưng lại rất hiệu quả: AWS bắt cặp với VMware, Google hợp tác với Cisco để tạo nên một loại hạ tầng đám mây khác gọi là kho chứa (container) như Kubernetes, Istio và Apigee hay Docker. Khác với AWS kết hợp với

VMware để cung cấp dịch vụ lai, Microsoft còn sử dụng chính Microsoft Azure để tạo đám mây lai cho các doanh nghiệp sử dụng Windows Server của mình làm trung tâm dữ liệu, và như vậy nhúng cả máy chủ mặt đất vào đám mây. Và, để cho các đám mây lai hoạt động hữu hiệu cả về phần cứng và hệ thống dịch vụ, Microsoft lại kết hợp với Oracle, và Cisco với IBM. Một thế giới ảo trên nền ảo Internet đang mở ra và người ta sẽ tiếp tục tìm thấy ở đó muôn màu muôn vẻ.

Hoàng Việt

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278348/nhung-cuoc-dua-doanh-thu.html