Những cuộc đời bị ám ảnh vì bóng ma IS ở Iraq

Zanab Ismail chuẩn bị thi đại học, Raghda Ali đang học ngành y..., trước khi cuộc đời của họ bị đánh cắp bởi những kẻ đã bán lương tâm cho quỷ dữ.

Khi Mosul chính thức được giải phóng vào ngày 9/7, Zanab Ismail đang ở cách đó 80 km. Gia đình cô đã rời bỏ thành phố lớn thứ hai của Iraq vào ngày 26/8/2014, sau khi những tiếng hét thất thanh trên đường phố cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện quanh đó.

Những hình ảnh ghê rợn về chặt đầu, tử hình và cách đối xử tàn bạo của những kẻ khủng bố đối với phụ nữ khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Khi đó, Zanab 17 tuổi. Bố cô, vốn là người kinh doanh bất động sản, đồng thời là giáo viên, quyết định đưa cả gia đình ra khỏi Mosul càng sớm càng tốt. Đặc biệt là Amir, anh trai của Zanab, người đang làm việc trong lực lượng cảnh sát Iraq.

Khu trại Baharka. Ảnh: The Guardian.

Họ đến Baharka, một khu trại dành riêng cho những người chạy trốn IS, ở gần Erbil. Cả gia đình gần như chẳng đem theo gì, thứ quý giá nhất là sinh mạng. Giống nhiều người khác, Zanab nghĩ mình sẽ chỉ tạm xa nhà vài tháng, rồi sẽ trở về Mosul.

Ba năm sau, cả gia đình vẫn ở đó. Zanab, cha mẹ cùng năm anh chị em khác, vẫn sống dưới những ngôi lều lụp xụp và xám ngắt ở miền Bắc Iraq, vẫn từng ngày mơ ước được trở về Mosul.

Mosul chính là cuộc sống của họ. Là nơi bố của Zanab, người sở hữu bốn căn nhà, thường gặp gỡ bạn bè và chăm sóc cây cối. Mẹ cô sẽ nấu cơm cùng thịt cừu. Vào những ngày hè nóng bức, họ sẽ cùng bơi lội trong bể bơi riêng. Và Zanab, sẽ trải qua kỳ thi để vào trường y. Mosul đã không còn.

Ở Baharka, họ cầu nguyện từng ngày. Khi truyền hình đưa tin thành phố Mosul chính thức được giải phóng, lần đầu tiên hy vọng được trở về của cả gia đình được thắp lên. Họ muốn về nhà, họ nhớ Mosul.

Thế hệ mất mát

Dấu vết của cuộc chiến chống khủng bố vẫn hiện hữu rõ rệt tại Mosul. Khoảng cách từ Erbil tới Mosul là 100 km. Với quãng đường đó, người ta phải mất 3 giờ để đi, gấp ba lần so với bình thường.

Nguyên nhân của điều này là bởi hàng loạt chốt kiểm soát được dựng lên khắp nơi. Chính phủ Iraq và cộng đồng người Kurd đều muốn tìm ra những kẻ khủng bố đã bán linh hồn cho IS, al-Qaeda và theo dõi tình trạng đi lại của người dân. Vào giờ cao điểm, xe ôtô qua chốt kiểm soát xếp hàng dài vài cây số.

Khoảng 920.000 người đã rời bỏ Mosul. Ảnh: The Guardian.

Mosul từng là một thành phố nhộn nhịp với dân số 1,4 triệu người, những khu chợ đông đúc, đại học nổi tiếng và hàng loạt nhà thờ thuộc loại cổ kính nhất thế giới. Năm 2017, cảnh tượng không khác gì tận thế. Những đống gạch đá vỡ vụn chất chồng lên nhau, mặt đất nứt nẻ, các công trình vỡ vụn tựa những món đồ chơi của trẻ nhỏ.

Số liệu thống kê cho thấy khoảng 920.000 người đã rời bỏ thành phố này. Trước ngày 27/6, 200.000 người trong số đó đã quay lại. Công việc tái thiết đã bắt đầu. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc dự báo điều này có thể tiêu tốn 1 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn, bởi vết thương mà Mosul gánh chịu không chỉ nằm trong những công trình kiến trúc ngoài kia.

Tháng 10, tổ chức Oxfam đưa ra cảnh báo về những hậu quả từ chiến tranh mà thế hệ trẻ ở Iraq phải hứng chịu. Không được đến trường, sốc, sợ hãi, thất nghiệp... họ đang loay hoay sau khi những năm tháng của cuộc đời bất ngờ bị đánh cắp.

'Em đã quên thế nào là hạnh phúc'

Gia đình Zanab đến khu trại Baharka vào mùa hè năm 2014. Cùng 200 người khác, họ sống trong một nhà kho bị bỏ hoang. Đó là nơi luôn văng vẳng tiếng khóc trẻ em, sàn bê tông lỗ chỗ đầy rác và nước bẩn. 8 người ở trong một khoang có diện tích khoảng 15 m2, được ngăn cách bằng vải bạt. Nhà vệ sinh ở cách đó 500 m và mọi người luôn đi thành nhóm tới đó, bất kể ngày đêm.

Zanab khi đó 17 tuổi, rụt rè và trầm tĩnh. Cô chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông và thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Thế rồi IS ập đến. "Thứ em nhớ nhất là những quyển sách ở trường", cô chia sẻ rồi òa khóc.

Zanab của năm 2017: "Em đã quên thế nào là hạnh phúc". Ảnh: The Guardian.

Năm nay, ở tuổi 20, Zanab nặng nề và nhợt nhạt hơn. Cô vẫn mặc những bộ trang phục hợp mắt, nhưng sự giam cầm và chán nản ở Baharka dường như đã tác động ít nhiều tới suy nghĩ của cô.

Cuộc sống của cả gia đình đã được cải thiện. Bố của Zanab tìm được công việc dạy học với mức lương 200 USD/tháng. Họ có một căn nhà mới khang trang hơn và thậm chí cả một chiếc ôtô cũ.

Tháng 11/2016, Zanab được đi học trở lại, tại một ngôi trường dành cho trẻ em từ 12-18 tuổi phải sơ tán do chiến tranh. Học viên chỉ phải chi trả tiền xe buýt (30 USD/ tháng) và sách vở, dụng cụ.

"Em rất hạnh phúc, và cả sợ hãi nữa. Em bỏ học quá lâu rồi và tình hình cuộc sống hiện tại khiến việc học hành chẳng dễ dàng gì", Zanab chia sẻ.

Zanab vừa tham dự kỳ thi mà ba năm trước cô đã bỏ lỡ. Để vào trường y, thí sinh phải đạt 95/100 điểm.

"Em không đạt được điểm đó. Em từng muốn làm bác sĩ để cứu người nghèo và khiến cha em tự hào. Giờ thì em không thể. Em bị mất ba năm cuộc đời, IS đã hủy hoại tất cả", cô nói trong nước mắt, dù kết quả của kỳ thi vẫn chưa được công bố.

Đại học Mosul chìm trong hoang tàn và đổ nát. Ảnh: The Guardian.

Cả gia đình của cô sẽ trở lại Mosul trong khoảng một tháng nữa, nhưng họ sẽ không quay về ngôi nhà cũ. Nó đã bị một kẻ chỉ huy của IS chiếm đóng và hiện nay chỉ là đống gạch vụn. Cha của Zanab cho biết họ sẽ tới Bertella, ngoại ô Mosul.

"Tôi sợ quay lại Mosul, vì con trai tôi, Amir, từng bị đe dọa, và tình hình ở đó vẫn chưa ổn định", ông nói.

Khi được phóng viên của The Guardian đề nghị chụp ảnh, Zanab trả lời: "Em sẽ không cười. Em đã thất học và không thể lấy lại điều đó. Em đã quên thế nào là hạnh phúc. Em muốn anh ghi lại điều đó trong bức ảnh".

Cuộc đời bị đánh cắp

Iraq từng là quốc gia với tỷ lệ mù chữ thấp và hệ thống giáo dục tương đối tốt. Đối với nhiều người trẻ, ước mơ lớn nhất là được nhận vào Đại học Mosul, một trong những đại học lớn và tốt nhất khu vực Trung Đông.

Trong suốt khoảng thời gian chiếm đóng Mosul, IS bắt các giảng viên và sinh viên đi học bình thường. Những người không tuân thủ đều bị chặt đầu hoặc ôtô nghiền nát. Sau đó, chúng ra lệnh đóng cửa các ngành chính trị và triết học. Chỉ có các khoa y dược hoạt động, bởi những kẻ khủng bố cần người trong lĩnh vực này.

Raghda đau đớn và tức giận vì ba năm của cuộc đời đã bị đánh cắp. Ảnh: The Guardian.

Đại học Mosul bây giờ chẳng khác gì một kho vũ khí. Pháo, súng cối, súng tầm xa và những đống gạch đá vụn do thuốc nổ xuất hiện ở khắp nơi trong khuôn viên trường.

Tháng 8/2014, Raghda Ali, 23 tuổi, bắt đầu học năm thứ hai tại đại học này. Là chị cả trong gia đình có 8 người con, cô hạnh phúc khi được vào đại học và nuôi ước mơ trở thành y tá.

Khi IS tấn công Mosul, cha của Raghda đang ở cách đó 200 km. Ông đang tìm cách sắp xếp một chuyến xe để cả nhà có thể chạy trốn khỏi những kẻ khủng bố. Họ không thể. Và người cha cũng bặt vô âm tín từ đó.

Lần đầu tiên Raghda nhìn thấy những kẻ thánh chiến là khoảng một tuần sau khi chúng kéo đến thành phố.

"Em đến thăm bà thì bỗng một kẻ đến gần em rồi hỏi tại sao em không che mặt và tay. Hắn không đánh em vì có anh trai em đi cùng, nhưng hắn rất tức tối", Raghda kể lại. Vài phút sau, cô nhìn thấy một thi thể cháy đen trên đường. Đó là anh họ của cô, người làm việc cho lực lượng cảnh sát.

Một tháng trước khi vùng phía tây Mosul được giải phóng, một nhóm lính IS xông vào nhà cô và tra khảo. Khi đó, Raghda cùng hai người em gái đang trốn trong bếp. Họ sợ bị bắt đi và phải trở thành vợ của những tên khủng bố.

Ba tháng trước khi Mosul giải phóng, cả gia đình Raghda chuyển tới một trại tị nạn ở Hasan Sham, cách Mosul khoảng 30 km. Họ bất ngờ gặp lại cha mình. Em trai của Raghda, Hamin, chỉ mới 2 tuổi khi người cha mất tích. Hiện tại, cậu bé đã 5 tuổi. Mọi việc diễn ra như trong một bộ phim.

Tháng 8 vừa qua, họ đã chuyển về Mosul và Raghda đang chờ để được tiếp tục ước mơ trở thành y tá.

"Đương nhiên em tức giận. Ba năm của đời em bị đánh cắp. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho điều đó?", Raghda nói.

Ba năm cuộc đời của hàng trăm nghìn thanh niên Iraq đã bị đánh cắp. Thất học, thất nghiệp, họ có thể chết dần chết mòn do những vết sẹo mà chủ nghĩa khủng bố để lại.

Và có lẽ chẳng ai có thể chịu trách nhiệm cho điều đó.

VIDEO: Hashtag tuần qua: Bóng ma IS chưa buông tha thế giới

Dù thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria bị tiêu diệt, hệ tư tưởng cực đoan và những kẻ khủng bố đã bắt đầu bám rễ tại nhiều ngóc ngách trên thế giới.

Thế Long (Theo The Guardian)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-cuoc-doi-bi-am-anh-vi-bong-ma-is-o-iraq-post789383.html