Những cuộc chia tay chấn động bóng đá Việt

Có thể người ta đang chếnh choáng trước việc Sài Gòn FC chia tay 19 cầu thủ. Nhưng đó vẫn chưa phải là con số lớn nhất mà V.League từng chứng kiến về việc thanh lọc đội hình trong lịch sử.

Sài Gòn FC sẽ ra sao khi hàng loạt cầu thủ ra di?.

Sài Gòn FC sẽ ra sao khi hàng loạt cầu thủ ra di?.

Bầu Đức và kế hoạch “bàn tay sắt”

Chỉ 10 ngày sau khi kết thúc V.League 2020, Sài Gòn FC chia tay 19/28 cầu thủ đã đăng ký tham dự giải trước đó. Hàng loạt những công thần từng đóng góp vào tấm huy chương đồng của đội bóng này chủ động rời khỏi CLB. Họ có thể bất mãn trước cách điều hành của Chủ tịch Vũ Tiến Thành. Họ cũng có thể đã tìm được một bến đỗ khá khẩm hơn so với Sài Gòn FC. Tất nhiên, dù là tích cực hay tiêu cực, màn ra đi hàng loạt tại Sài Gòn FC khiến đội bóng này phải vất vả cho công cuộc tái thiết, bù đắp khoảng trống về người trước khi V.League 2021 khởi tranh vào giữa tháng 1 năm sau.

Nhưng Sài Gòn FC không phải là CLB duy nhất chứng kiến màn ra đi, hoặc có thể xem là tháo chạy hàng loạt trong lịch sử V.League. 5 năm trước, bầu Đức với kế hoạch bàn tay sắt lạnh lùng tiễn tới 20 cầu thủ rời phố Núi. 20 cầu thủ đó gồm: Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Hoàng Helio, Hồ Ngọc Luận, Nguyễn Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Văn Sakda, Timothy, Felix, Nguyễn Quý Sửu, Phùng Văn Nhiên, Vũ Anh Tuấn, Bassey, Tạ Thái Học, Trần Ngọc Bảo, Trần Đức Dương, Kiều Thanh Liêm, Dương Văn Pho, Phạm Thanh Tấn, Phạm Văn Thuận và Nguyễn Tuấn Mạnh.

Nhưng tất nhiên, người đứng đầu của HAGL có lý do để làm như vậy. Bởi ngay sau đó, ông đã đôn lứa U19 với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lên tham dự ngay sau đó. Thế nhưng, việc thay đổi đột ngột lực lượng ấy khiến HAGL chao đảo và suýt chút nữa phải rớt hạng V.League.

Ngoài HAGL, lịch sử V.League cũng chứng kiến sự “di cư” hàng loạt của các cầu thủ. Bắt nguồn từ việc các đội bóng bán suất dự V.League hay chuyển giao thượng tầng khiến tương lai của nhiều cầu thủ Việt Nam rơi vào tương lai mù mịt. Năm 2009, Thể Công giải thể. Viettel bán suất dự V.League cho Thanh Hóa đồng thời 15 cầu thủ của Thể Công phải bất đắc dĩ chơi cho Thanh Hóa mùa sau.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2012, Khánh Hòa cũng làm điều tương tự khi bán suất cho Hải Phòng. HLV Hoàng Anh Tuấn cùng 14 cầu thủ Khánh Hòa phải Bắc tiến trong sự choáng váng như chưa tỉnh cơn mê. Cuối năm 2012, vụ “xẻ thịt” Navibank Sài Gòn của anh em nhà bầu Thụy sau khi bỏ ra 21 tỷ để mua lại từ bầu Thọ cũng gây chấn động. 3 cầu thủ của Navibank Sài Gòn chính thức ký hợp đồng mới, chuyển qua đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành là Tài Em, Việt Cường và Long Giang. Rồi kế đến là Được Em, Quốc Cường…

Coi chừng cái kết đắng

Trước sự ra đi hàng loạt như vậy, ông Vũ Tiến Thành vẫn khá dửng dưng. Ông nói: “Sự ra đi của các cầu thủ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch chuẩn bị mùa giải mới của Sài Gòn FC. Với khẩu hiệu “We are one - Chúng tôi là một”, Sài Gòn FC cần phải cải tổ và thay đổi một cách triệt để vì tham vọng lớn. Chúng tôi muốn bình mới rượu phải mới, khi đội bóng bây giờ là của những ông chủ của Sài Gòn.

Tôi và các ông bầu đã thống nhất với nhau là Sài Gòn FC phải dám nghĩ, dám nói và dám làm. Bởi tất cả cũng vì bóng đá TP HCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Chúng tôi muốn xây dựng năm 2021 Sài Gòn FC là một hiện tượng. Sài Gòn FC có ký hợp tác toàn diện với FC Tokyo (Nhật Bản) và nhận được sự hỗ trợ lớn từ họ về nguồn cầu thủ nên chúng tôi không quá lo lắng”.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Sài Gòn FC chưa thể khiến người ta an tâm với lác đác những cầu thủ trung bình và hết thời đến với đội bóng. Nỗi sợ hãi về một đội bóng Sài Gòn giải thể nữa đã và đang hiển hiện trong suy nghĩ của nhiều người, khi chứng kiến binh biến đang xảy ra ở một nửa sân Thống Nhất. Còn nhớ trước Sài Gòn FC, Sài Gòn United, Sài Gòn Xuân Thành rồi đến Navibank Sài Gòn cũng đều tan rã, giải thể.

Cái kết của họ đều đến từ sự hứng chí nhất thời của ông bầu, thiếu đi hoạch định chiến lược cho lực lượng để rồi dẫn đến không thể kiểm soát.

Số phận của 19 cầu thủ Sài Gòn FC ra đi như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, Sài Gòn FC đã chia tay tổng cộng 19 cầu thủ, bao gồm cả trường hợp chủ động và bị động. Chủ động ở đây tức là Sài Gòn FC đã quyết định thanh lý một số trường hợp như hậu vệ phải Quốc Long, hậu vệ trái Thân Thành Tín. Bản thân họ cũng đồng thuận việc không tái ký hợp đồng với 3 ngoại binh là Pedro Paulo, Geovane và Anh Byung Keon. Ngoài ra, những gương mặt như Ngô Anh Vũ, Trần Văn Bửu, Lê Quốc Phương, Nguyễn Thanh Thụ, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Vũ Tín, Trần Văn Bửu, Ngô Xuân Toàn, Nguyễn Bá Dương, Dương Tùng Lâm, Lê Thanh Phong, Tống Đức An… chủ động không gia hạn thêm hợp đồng và sớm tìm đến một bến đỗ khác.

Lúc này, tiền vệ Ngọc Duy đã quyết định treo giày, kết thúc sự nghiệp bóng đá. Ở một diễn biến khác, Geovane đã ký hợp đồng 2 năm với Hà Nội FC. Quốc Phương cũng nhanh chân về Thanh Hóa. Trong khi đó, 6 cầu thủ trẻ gồm: thủ môn Tống Đức An, trung vệ Trịnh Đức Lợi, tiền vệ Trần Văn Bửu, Nguyễn Bá Dương, Ngô Xuân Toàn và tiền đạo Nguyễn Hữu Sơn lựa chọn Quảng Nam FC là bến đỗ. Các gương mặt gồm Nguyễn Vũ Tín, Lê Thành Phong và Thân Thành Tín trở về đơn vị chủ quản cũ là Hà Nội FC. Ngoài ra, trường hợp thủ môn Dương Tùng Lâm cũng trở về đội chủ quản Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Một số những gương mặt khác chưa chốt tương lai của mình. Pedro Paulo nhiều khả năng sẽ đến Viettel. Trong khi đó, Anh Byung Keon được cho rằng đang tìm đường đến với Hà Nội FC.

Có chiều đi tất nhiên cũng có chiều đến. Sài Gòn FC đã sớm có hậu vệ trái Nguyễn Công Thành từ TPHCM. Họ cũng tiện tay lấy được Đỗ Merlo và Thiago từ DNH Nam Định. Thậm chí, ông Vũ Tiến Thành còn “đi đêm” với cầu thủ Tấn Tài của Gia Định FC, dẫn đến việc CLB mới lên chơi ở hạng Nhất này lập tức đăng đàn cảnh cáo phía đội bóng Sài thành. Ngoài ra, nguồn cầu thủ mà Sài Gòn FC nhắm tới có thể là những cầu thủ trẻ đang chơi cho PVF.

Đ.X.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-cuoc-chia-tay-chan-dong-bong-da-viet-524495.html