Những cung đường lúa chín

Tháng 9, tháng 10 là thời điểm đẹp nhất trong năm để xách ba lô lên đường trải nghiệm sắc thu Tây Bắc trong lộng lẫy mùa lúa chín.

Mùa vàng ở Mù Cang Chải (Yên Bái).

Điểm đầu tiên phải kể tới ruộng bậc thang Sapa, Lào Cai từng được tạp chí du lịch Travel and Leisure bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang kì vĩ nhất Châu Á. Cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 10km về phía Đông Nam, thung lũng Mường Hoa đẹp nhất khi bước vào mùa thu, cả thung lũng “thay áo mới” với thảm lúa chín vàng óng ả. Nhìn từ trên cao, núi vẫn cao sừng sững, rừng vẫn xanh bạt ngàn, thung lũng Mường Hoa lúc này tựa dải lụa dài bất tận uốn lượn uyển chuyển, mềm mại. Chỉ một lần ngắm Mường Hoa từ trên cabin cáp treo Fansipan, du khách sững sờ trước vẻ đẹp vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Dưới nắng sớm, thung lũng bừng sáng bởi sắc vàng rực nao lòng.

Từ trên cao nhìn xuống, ranh giới giữa các ruộng bậc thang sẽ được xóa nhòa, chỉ còn lại bức tranh “mùa thu vàng” đầy mê hoặc. Vẻ đẹp trong cuộc sống lao động của người dân bản địa luôn gây ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ ai từng ghé thăm. Dù làm việc vất vả, một nắng hai sương, phải hứng chịu nhiều thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn luôn vui vẻ và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Đến đây, có thể bắt gặp những bữa cơm trưa giản dị của người bản địa ngay trên cánh đồng, hay giấc ngủ trưa yên bình của một em bé khi bố mẹ đang gặt lúa. Giữa cánh đồng ngày mùa, mẹ cắt những bông lúa xung quanh trải thành một lớp đệm êm, lót tấm nylon cùng chiếc ô che nắng để em có chỗ nằm thật thoải mái…Mùa lúa chín ở miền quê nào của Việt Nam cũng có, nhưng chỉ đến thung lũng Mường Hoa vào mùa này, mới thấy từng thửa ruộng bậc thang uốn quanh, lượn vòng, cao rồi thấp… xứng đáng là kiệt tác kỳ vĩ miền Tây Bắc. Dù đã ngắm nhìn rất nhiều thảm lúa chín, nhưng chưa mùa vàng nào ấn tượng hơn ở Sa Pa.

Ở Lào Cai còn có một điểm ngắm lúa chín tuyệt đẹp là Y Tý. Xã Y Tý, huyện Bát Xát nằm sâu trong núi quanh năm mây mù che phủ. Trên độ độ cao 2.000 mét, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San có đỉnh cao tới 2.660 mét, hiếm khi thấy được ánh mặt trời nên nhiều người gọi Ý Tý bằng cái tên lãng mạn “vùng đất mù sương”. Có lên Y Tý vào mùa thu, hít hà hương sắc mây trời hòa cùng hương thơm của lúa chín, mới cảm hết cái thú, cái hay và vẻ đẹp tạo hóa đã ban tặng nơi này.

Tháng 9, tháng 10 hằng năm, cả vùng đồi núi Y Tý nhuộm một màu vàng ươm của lúa chín. Du khách không chỉ được ngắm mây. Mây bảng lảng, vương vấn khắp nơi, sà xuống các sườn đồi, lướt nhẹ ngang qua mặt du khách, mà còn bị mê hoặc bởi sắc vàng của lúa. Những con đường uốn lượn giữa thảm lúa vàng của khu Chu Lìn. Những nếp nhà sàn của người Hà Nhì nép mình trên những thửa bậc thang vàng óng. Lúa và mây như hòa làm một. Mùi thơm của lúa chín hòa vào màu nắng thu, giữa không gian mênh mang của núi rừng Tây Bắc khiến cái mệt mỏi đường xa tan biến. Đường tới Y Tý có 3 hướng. Một đường bắt đầu từ dưới chân đèo Ô Quy Hồ dốc ngược lên. Một đường được đi xuyên từ Bát Xát - Bản Vược qua Mường Hum mà vào và đường thứ ba là từ tận A Mú Sung, điểm gần sát với Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Thời điểm này, ở Mù Cang Chải, Yên Bái, những thửa ruộng bậc thang cũng bắt đầu ngả vàng trên các cánh đồng. Người Thái lập bản dưới vùng thấp, trồng nếp nương trong thung lũng Tú Lệ. Còn người Mông giỏi trèo đèo vượt núi. Họ đã biến những sườn núi non hiểm trở thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của người Dao, người Mông, người Hà Nhì, người Giáy, người Tày, người Xa Phó, người Nùng, người Pa Dí… đời này nối tiếp đời kia kiến tạo nên những kiệt tác. Trước khi đến với những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, hãy dừng chân lại với Tú Lệ, thưởng thức xôi nếp nương với gà đồi thơm phức, trước khi vượt con đèo Khau Phạ để đến với xứ Mù Cang Chải.

Có một địa chỉ ngắm lúa chín còn ít người biết tới là Mường So - một trong những xã biên giới xa xôi nhất của huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nơi đây được mệnh danh là “nồi cơm” của bà con các dân tộc ở miền biên giới thâm sơn cùng cốc này. Vào thời điểm này, lúa chín rực khoác lên Mường So một màu vàng no ấm. Nhưng chinh phục miền biên viễn Mường So không phải dễ dàng với cung đường trơn trượt hoang sơ cheo leo hiểm trở của núi rừng Tây Bắc. Phải đi bộ xuyên rừng xuyên núi qua những dãy núi tai mèo xám đến vùng lúa chín.

Nét độc đáo ở Mường So là khí hậu. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, nhưng ban đêm lạnh thấu xương. Vì nằm trong lòng chảo giữa những dãy núi cao nên Mường So phân ra hai mùa rõ rệt. Có lẽ vì thế mà đặc sản Mường So không có gì khác ngoài thời tiết khắc nghiệt là những bát cơm trắng ngần ngấm vị mồ hôi. Mường So mùa lúa chín không đẹp như những ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, hay Y Tý, hay thung lũng Mường Hoa. Nhưng tới đây, bạn bắt gặp vẻ đẹp của những nụ cười, và những tấm lòng chân thành miền nắng gió biên cương.

Và khi thu về, mảnh đất Hoàng Su Phì, Hà Giang cũng thết đãi du khách vẻ đẹp mê hồn của màu vàng và chỉ một màu vàng rực những thửa lúa chín nương ngập đồi, trùng trùng điệp điệp. Huyện Hoàng Su Phì tập trung những ruộng bậc thang đẹp lộng lẫy và tráng lệ đã được công nhận là “Di tích quốc gia” từ năm 2012. Du khách như quên cả lối về khi đứng trước bức tranh những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài đến cuối trời.

Do địa hình cao nên các thửa ruộng tại Hoàng Su Phì thường có độ dốc lớn và nằm chênh vênh trên những ngọn núi. Bạn sẽ no mắt với những góc nhìn đầy mới lạ, kỳ vĩ bao la nhưng cũng đong đầy vẻ mơ màng. Các điểm tham quan vùng lúa là các bản đều nằm ở độ cao lớn, cách thị trấn Vinh Quang từ 30 - 40km. Dân phượt khuyên rằng, hãy dậy sớm và di chuyển tới Bản Phùng, bạn sẽ thỏa sức đắm chìm trong khung cảnh yên bình và thơ mộng. Ngồi trên đồi cao ngắm từng nếp nhà hòa lẫn với màu xanh vàng của lúa, tiếng cười nói của trẻ em trên đường tới trường, tiếng gà gáy sớm hòa tan trong làn khói bếp mơ màng, tiếng mõ trâu lốc cốc… khiến bạn thấy không nơi nào sở hữu mùa thu đẹp hơn xứ này.

Hoài Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kham-pha/nhung-cung-duong-lua-chin-tintuc415050