Những cú sốc về kiểm duyệt phim tại Việt Nam

Phim Việt thắng giải tại LHP Busan bị phạt 40 triệu đồng vì gửi phim đi thi khi chưa được duyệt, hai phim Trung Quốc tham gia sản xuất cài cắm sai lệch vấn đề chủ quyền biển đảo lọt ra rạp và bị ngưng chiếu đột ngột.

 "Everest: Người tuyết bé nhỏ" - phim cài cắm đường lưỡi bò của Trung Quốc lọt kiểm duyệt tại Việt Nam.

"Everest: Người tuyết bé nhỏ" - phim cài cắm đường lưỡi bò của Trung Quốc lọt kiểm duyệt tại Việt Nam.

Cần thay đổi khuynh hướng duyệt phim bảo thủ

Đây là ý kiến được đại diện Hãng phim Chánh Phương nêu trong hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật điện ảnh tại Hà Nội hồi tháng 8/2019 mới đây. Đại diện hãng này thẳng thắn đề nghị: "Cởi mở cơ chế duyệt phát hành phim thông thường, cụ thể hóa về phong mỹ tục để những nhà làm phim có thể tự do tư duy sáng tạo nghệ thuật được đi đến tận cùng, đa dạng về thể loại, nâng tầm điện ảnh Việt vươn ra thế giới.

Cụ thể là giải thích rõ thuần phong mỹ tục trong văn bản duyệt kịch bản, duyệt phim vì đây là những từ chung chung, chưa rõ ràng gây hoang mang khiến nhà làm phim chưa làm đã sợ. Thay đổi khuynh hướng duyệt phim bảo thủ, an toàn, giảm sự kiềm tính sáng tạo đột phá trong tác phẩm điện ảnh. Công khai giới thiệu những thành viên hội đồng thẩm định, kiểm duyệt phim để cùng chia sẻ và tham vấn đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh trong giai đoạn kiểm duyệt phim".

Phim "Ròm" của Việt Nam thắng giải tại LHP Busan 2019 bị nhận án phạt 40 triệu đồng vì mang phim chưa được duyệt đi tranh giải.

Trong khi đó, công ty Thiên Ngân thì đề xuất và xem xét việc thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay hoặc phân theo tỉnh, thành phố lớn. Bởi hiện tại với số lượng phim nhập về rất lớn, các đơn vị phát hành phải xếp hàng, đặc biệt là dịp Lễ Tết dẫn đến khó khăn trong việc phát hành.

Cả công ty Thiên Ngân lẫn CGV - hai nhà phát hành phim ngoại lớn nhất hiện nay đều đề xuất nên xem lại hệ thống phân loại 5 mức độ như hiện nay và cần bổ sung mức phân loại PG (có sự hướng dẫn của cha mẹ cho trẻ dưới 13 tuổi) và C9 (không dành cho khán giả dưới 9 tuổi) vì nhiều phim cấm khán giả dưới 13 tuổi nhưng lại hợp với khán giả khoảng 9-10 tuổi.

Tại Việt Nam, hệ thống kiểm duyệt phim vẫn được duy trì lâu nay với Hội đồng duyệt gồm 11 người. Tất cả các phim Việt ra rạp hay muốn đi nước ngoài tranh giải đều phải thông qua hội đồng duyệt. Nếu bộ phim không vi phạm luật, nó sẽ được dán nhãn tùy mức độ (phổ biến tới mọi đối tượng, cấm khán giả dưới 13 tuổi, cấm khán giả dưới 16 tuổi, cấm khán giả dưới 18 tuổi) hoặc cấm phổ biến. Nếu phim có những cảnh không phù hợp sẽ được yêu cầu nhà phát hành cắt bỏ (với phim nhập ngoại) hoặc yêu cầu chỉnh sửa (với phim Việt). Hiện tại trung bình mỗi năm có khoảng 250 phim được cấp phép ra rạp (trung bình 20 phim mỗi tháng).

"Điệp vụ biển đỏ" bị ngưng chiếu tại Việt Nam hồi tháng 3 năm ngoái vì lọt nội dung nhạy cảm về chủ quyền biển đảo.

Cũng như Việt Nam, một số nước cũng có hội đồng duyệt phim như Trung Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, không giống như Việt Nam, Trung Quốc chỉ giới hạn mỗi năm cho phép khoảng 20 phim ngoại nhập ra rạp để bảo hộ phim trong nước. Do vậy nhiều phim của Hollywood muốn dễ dàng vào thị trường tỷ dân này thường tìm cách bắt tay với các nhà sản xuất phim trong nước (như trường hợp của 'Everest - Người tuyết bé nhỏ') hoặc mời các diễn viên Trung Quốc tham gia các bom tấn dù vai của họ chủ yếu để "làm cảnh" như: Phạm Băng Băng ('X-Men: Days of Future Past', 'Iron Man 3'), Lý Băng Băng ('The Meg', 'Transformers: Age of Extinction')...

Mặc dù vậy rất nhiều quốc gia không có kiểm duyệt phim. Ví dụ Mỹ không có cơ quan kiểm duyệt phim ảnh, chỉ tiến hành phân loại phim thông qua hệ thống MPAA với 5 mức phân loại. Tương tự với Hàn Quốc, nước này cũng chỉ áp dụng hệ thống phân loại phim theo 5 mức độ. Ở Đức, việc duyệt phim đã bị bãi bỏ từ 1918 nhưng Luật Điện ảnh ra đời năm 1920 đã đặt ra nhiều chế tài để kiểm soát những hình ảnh tiêu cực liên quan đến nước Đức ra thế giới thông qua phim ảnh.

Mai Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhung-cu-soc-ve-kiem-duyet-phim-tai-viet-nam-579774.html