Những cột mốc nơi cực Tây Tổ quốc

“Ở vùng biên giới này, không chỉ có bộ đội biên phòng mà còn có những người dân “chôn nhau cắt rốn” nơi đây đời đời làm dân phòng bảo vệ dải đất biên cương của Tổ quốc” câu nói của anh Pờ Hùng Sang - người con ưu tú của dòng họ Pờ - cột mốc sống nơi cực Tây Tổ quốc đã thôi thúc tôi tìm về A Pa Chải nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” để nghe chuyện về những con người bao đời nay làm cột mốc sống miền biên viễn.

Cột mốc số 0 nơi cực Tây của Tổ quốc. Ảnh: Văn Thành Chương

Đường lên A Pa Chải

Từ Hà Nội, người ta thường chọn chuyến xe đêm lên Điện Biên. Đi xe đêm để đỡ thấy chặng đường dài, đèo dốc; để lên đón bình minh khi thành phố Điện Biên nhỏ xinh còn ngái ngủ; nhấm nháp xong ly cà phê sáng sẽ kịp chyến xe đầu tiên đi vào huyện Mường Nhé để lên A Pa Chải nơi có cột mốc số 0 nơi cực Tây Tổ quốc. Chặng đường 280 km từ thành phố Điện Biên đi huyện Mường Nhé quanh co. Đường như sợi dây nhỏ quấn quanh đồi núi. Vào đến thị trấn huyện Mường Nhé di chuyển thêm 60 km vào đồn biên phòng đóng chân ở bản A Pa Chải xã Sín Thầu - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé. A Pa Chải được người dân giải thích là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Bản này trước đây là bản ở cực Tây trên đất liền của miền Bắc Việt Nam. Tên bản được lấy đặt tên cho đồn biên phòng. Sau này từ bản A Pa Chải tách ra bản Tá Miếu - đây trở thành bản cực Tây của Tổ quốc. Đồn biên phòng A Pa Chải được giao nhiệm vụ quản lý đường biên thuộc 2 cạnh: Việt Lào và Việt Trung. Bộ đội biên phòng và dân là một khối thống nhất để cùng giữ yên vùng biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ đồn A Pa Chải dẫn chúng tôi đi hơn 10 km trên con đường nhỏ uốn lượn theo địa hình ngọn núi Khoang La San lên nơi đặt vị trí cột mốc số 0 có đường biên ba nước Việt - Trung - Lào. Anh bạn đồng nghiệp Báo Nhân dân tại Hà Nội nhưng đã có 10 năm có lẻ gắn bó với dải đất Tây Bắc này nói rằng: “Đường lên cột mốc bây giờ tuy nhỏ nhưng đã được đổ bê tông. Vậy là khang trang lắm rồi. Mấy năm trước lên đây tác nghiệp, anh em phải bỏ xe ngoài đường lớn, đi bộ vào xã và leo bộ lên tận cột mốc. Mỗi lần đi vào cả mười mấy tiếng nên lần nào lên khu vực này công tác cũng phải cắm chốt cả tuần. Sau 10 km quanh co, xe máy của cán bộ chiến sỹ đưa chúng tôi đi dừng lại và chúng tôi tiếp tục leo 464 bậc cấp bằng đá hoa cương để lên đến vị trí đặt cột mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San ở điểm cao gần 1.864 m so với mặt nước biển.

Đồn biên phòng A Pa Chải

Mốc số 0 nằm ở kinh độ 102 08’38’’, vĩ độ 2204’02,3’’. Cột mốc làm bằng đá hoa cương đặt trên khối bệ hình vuông 6*6 m do nước bạn xây dựng khởi công ngày 21/4/2005 và hoàn thành vào ngày 27/6/2005. Cột mốc cao 2 m có 3 mặt: Hướng tây là CHDCND Lào, đông nam là CHXHCN Việt Nam; bắc là CHND Trung Hoa…

Từ đỉnh ngọn núi Khoang La San, phóng tầm mắt nhìn ra 3 hướng, núi ấp mây điệp trùng, hiện lên dáng hình một dải biên cương xa ngái mà thanh bình này.

Không chỉ có đường lên tận cốt mốc số 0 khang trang hơn mà đường vào những bản xa xôi như Tá Miếu cũng trải bê tông phẳng lì. Điều này đồng nghĩa với việc sự phát triển cũng len sâu vào các bản làng ở Mường Nhé. Giữa núi non điệp trùng hùng vĩ nhưng A Pa Chải nay không còn xa xôi hẻo lánh. Và Sín Thầu hôm nay như vươn mình thức giấc, xe khách chở người giữa hai miền xuôi ngược tấp nập mỗi ngày. Người dân nơi đây không bó mình trong cuộc sống khép kín, họ đã mở cửa đón chào khách thập phương ghé thăm. Và nếu mốc chủ quyền số 0 ở cực Tây là mục tiêu chinh phục của những người mê du lịch khám phá, khát khao được đứng ở ngã ba biên giới thì ngày Tết của bà con Hà Nhì lại là một dịp lý tưởng để cùng trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc.

Người dân tộc Hà Nhì bao đời nay vẫn kiên trì bám trụ nơi dải đất miền biên viễn. Từ những ngày còn vất vả gian lao cho đến hôm nay mảnh đất này trải qua bao cuộc bể dâu thay đổi vẫn có sự chứng kiến, đồng hành của bao thế hệ người Hà Nhì. Họ luôn vững chãi như cột mốc sống miền biên giới.

Dòng họ Pờ huyền thoại

Gọi dòng họ Pờ là huyền thoại có lẽ không sai, bởi trong dòng họ nổi tiếng nhất của người Hà Nhì và nổi danh khắp núi rừng Tây Bắc này có những người con tài giỏi một lòng theo Đảng giúp dân. Họ đã chứng kiến và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của mảnh đất này.

A PA Chải nay không còn xa ngái vì nhiều người từ mọi miền tổ quốc vẫn ngày ngày đổ về đây để thỏa mước mong đặt chân lên cột mốc nơi ngã ba biên giới. Ảnh Văn Thành Chương

Người Sín Thầu, hay cả huyện Mường Nhé có lẽ không ai không biết ông Pờ Dần Xinh ở bản Tả Kố Khừ xã Sín Thầu. Sinh ra lớn lên và công hiến cả đời mình trên mảnh đất này, ông quen từng ngọn núi, con đường nơi ngã ba biên giới như hơi thở. Những ngày tháng gian khổ đã đi qua, nhưng trong người đàn ông này mọi thứ vẫn luôn rõ ràng như chuyện mới hôm qua. Dòng hồi ức từ hàng chục năm trước quay trở về thật chậm theo từng lời kể. Đó là vào những năm 1952-1953 của thế kỷ trước, khi bộ đội có mặt trên đất người Hà Nhì sinh sống để thực hiện chiến dịch 800 đánh tướng Vàng Chung, người của vua phỉ Vàng Pao cùng với 800 quân phỉ phải bỏ đây mà chạy qua bên kia biên giới.

Người Hà Nhì lúc đấy sống du canh du cư, nay đây mai đó đốt rừng làm rẫy. Cuộc sống của họ quẩn quanh trong núi và khép kín dưới tán lá rừng, trong màn sương lạnh. Chưa một giây phút nào họ muốn rời núi, muốn thay đổi cuộc sống hiện tại dù khó khăn chất chồng chẳng thua kém gì những ngọn núi. Khi bộ đội giải phóng xong Điện Biên, việc đầu tiên là giúp bà con Hà Nhì lập bản. Ông cụ Pờ Pố Chừ (bố Pờ Dần Xinh) cùng với một số người khác trong bản cùng bộ đội cắt rừng tìm đất đẹp cho bà con. Họ chọn Tả Kố Khừ (theo tiếng của người Hà Nhì nghĩa là vùng đất rộng nằm ở ngã ba) và quyết định thành lập bản. Ngày ấy người Hà Nhì chưa biết chữ, anh em nhà ông Pờ Dần Xinh cũng không ngoại lệ. Gia đình có 11 anh chị em. Hai người con được đi học có ông Pờ Dần Xinh. Hai anh em nhà họ Pờ cùng hai người khác dắt theo hai con ngựa để thồ hàng. Bốn người chân không cắt rừng, lội suối, vượt núi mà đi quãng đường dài hơn trăm km. Đường đi hiểm trở, có khi phải bắc cây làm cầu qua suối sâu, bơi qua sông, qua rừng rậm phải lấy thanh nứa gõ vang để tránh bị voi, beo, hổ, gấu rình rập. Đường dễ đi thì ngày được vài chục km, ngày gặp đường khó chỉ đi được hơn 10km. Pờ Dần Xinh lúc ấy nhỏ nhất, chân sưng phồng tóe máu, vừa đi vừa khóc. Xa xôi là thế nên mãi đến bảy năm sau Pờ Dần Xinh mới có dịp về thăm nhà.

Lớp học ngày ấy 37 người nhưng họ lần lượt bỏ dần, chỉ còn mỗi Pờ Dần Xinh theo học tại trường nội trú của Mường Tè. Học xong, có cơ hội ở lại công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân ngoài huyện nhưng ông xin về nhận công tác tại xã. Năm 1994, ông đã là Chủ tịch xã Sín Thầu, đến năm 2006, ông giữ chức Bí thư rồi Bí thư kiêm Chủ tịch xã từ năm 2009 đến năm 2016.

Những năm 1998-1999, Sín Thầu còn nhiều người nghiện thuốc phiện. “Mình làm Chủ tịch xã mà nghe tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Ở gia đình người nghiện, con không thấy cha, vợ chẳng thấy chồng. Cứ tối đến là chồng nghiện, con nghiện lại trộm gạo, trộm gà đem bán rồi đốt hết vào khói thuốc. Bởi thế mình quyết tâm cai nghiện cho bà con” ông Xinh kể. Thực hiện chủ trương của huyện (khi ấy là huyện Mường Tè, Lai Châu), Chủ tịch xã Pờ Dần Xinh cùng với cán bộ xã đưa 107 người xuống huyện để cai nghiện. Ngày ấy đi đâu cũng chân trần, đi bộ đưa bà con đi cai nghiện về mất 10 ngày, cai tập trung một tuần, hầu hết người đi hồi đó về đều... tái nghiện. Không nản, Pờ Dần Xinh cùng với bộ đội biên phòng ra xin thuốc ở huyện rồi đưa người nghiện về cai tại đồn. Nói được làm được, Pờ Dần Xinh vận động những người thân của mình đi cai trước. Trong đó có cả những người nghiện hàng chục năm như mẹ vợ ông.

Hằng ngày, bên cạnh việc phát thuốc điều trị cho người mắc nghiện, tất cả những người nghiện có độ tuổi dưới 35 đều được huy động sức lực giúp đỡ bà con chuyển nhà từ vùng thấp lên lập lại bản. Được điều trị tích cực, lại được vận động thường xuyên nên nhiều người đã bỏ được nghiện quay về cuộc sóng bình thường còn nghèo khó nhưng an yên, không tiếng khóc.

Tiếp nối chuyện cai nghiện là những tháng ngày dằng dặc vận động bà con chăm lo phát triển sản xuất. Gây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên, cánh tay nối dài của Đảng về tận buôn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Ông Pờ Dần Xinh có 5 người con, đều ăn học, trưởng thành: 1 cán bộ văn phòng xã Sín Thầu, 1 Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, 1 công an huyện Mường Nhé, 1 công an tỉnh Điện Biên, người con út đang theo học đại học ở Hà Nội. Tuổi già không trừ một ai, ông Pờ Dần Xinh nay đã lùi lại phía sau để lớp trẻ đảm nhận trọng trách. Những năm ông làm Bí thư, Chủ tịch xã Sín Thầu cũng vậy mà bây giờ chỉ làm Bí thư chi bộ bản Tả Kố Kừ cũng thế, ông vẫn luôn là đảng viên gương mẫu đi đầu. Ông có trang trại nuôi trâu bò trong rừng, trang trại nuôi cá trong thung cách nhà cả chục cây số. Vì ông quan niệm, “bà con mình phải mắt thấy, tai nghe mới tin. Bởi thế mình làm cho bà con thấy, bà con tin. Mình cũng làm để có tài sản để hộ nào nghèo cần hỗ trợ bò, hỗ trợ phân bón mình còn có cái mà giúp đỡ”.

Tôi gặp anh Pờ Hùng Sang - con trai cả của ông Pờ Dần Xinh hiện là Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé. Anh là người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi là sinh viên, Pờ Hùng Sang đã rất nhiều lần dẫn bạn về thăm Sín Thầu, thăm cột mốc. Gian khó ngày đó còn nhiều nhưng chưa bao giờ anh hết tự hào về vẻ đẹp quê hương. Có lẽ bởi vậy khi tốt nghiệp, theo chân bố mình anh xin về công tác ở huyện. Và không chỉ có Pờ Hùng Sang mà tất cả con cháu họ Pờ đều công tác trong nhiều lĩnh vực ở tỉnh Điện Biên hay huyện Mường Nhé.

Ông Pờ Dần Xinh nay đã lùi về làm bí thư chi bộ bả Tả Kố Khừ nhưng vẫn chưa bao giờ hết nặng lòng với mảnh đất này

“Em cứ yên tâm đi giữa Sín Thầu, người Hà Nhì bọn anh tốt lắm” câu nói đó của Pờ Hùng Sang đã giúp tôi - một người từ Tây Nguyên xa xôi một mình chạy xe từ thị trấn Mường Nhé vào Sín Thầu, chuyện trò gặp gỡ những người Hà Nhì nơi đó. Những nếp nhà ở Sín Thầu mái ngói đỏ tươi, giữa đường nhiều người dân lùa từng đàn bò đi chăn thả, những mảnh vườn xanh ngát, các mẹ các chị mang quần áo truyền thống gùi hoa trái trên lưng. Trẻ em đạp xe trên đường bê tông đến những ngôi trường mới khang trang… cuộc sống ở Sín Thầu đã mang màu ấm no hơn.

Quân và dân hòa làm một cùng đắp xây miền biên viễn

Chia tay những người Hà Nhì ở Sín Thầu, tạm biệt vợ chồng ông Pờ Dần Xinh để về xuôi, bàn tay vợ ông Xinh nắm lấy tay tôi và bảo “Tết của người Hà Nhì con lại lên chơi nhé”. Lời chia tay chân tình và vô cùng xúc động ấy như mạch nguồn mạnh mẽ nuôi lớn trong tôi khát khao quay lại Mường Nhé, quay lại Sín Thầu nơi lớp lớp những cột mốc sống vẫn ngày đêm gắn bó miền biên viễn.

Báo Lâm Đồng

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nhung-cot-moc-noi-cuc-tay-to-quoc-62096.htm