Những 'công xưởng' luyện thi đại học khét tiếng châu Á

Các lò luyện thi Trung Quốc cấm học sinh sử dụng điện thoại, ăn vặt, hẹn hò. Còn ở Hàn Quốc, sĩ tử phải học 12 tiếng, ngủ ba tiếng mỗi ngày nếu muốn đỗ đại học.

Vào được một trường đại học hàng đầu là có cơ hội đổi đời, hứa hẹn một tương lai xán lạn với tiền tài, địa vị, quyền lực. Đó là suy nghĩ của đa số phụ huynh châu Á.

Nắm bắt được tâm lý này, các "công xưởng" luyện thi đại học ra đời. Dù nổi tiếng là khắc nghiệt, mệt mỏi, áp lực, các trung tâm này vẫn tồn tại nhiều năm qua khi nuôi dưỡng hy vọng đỗ đạt, thành tài cho nhiều người.

Zing.vn tổng hợp các bài viết trên South China Morning Post, New York TimesKorea Times về những trung tâm luyện thi đại học được mệnh danh là khó khăn nhất trên thế giới.

Học sinh Trung Quốc học 12 tiếng mỗi ngày và ăn trưa trong vòng 15 phút. Ảnh: CGTN.

Học sinh Trung Quốc học 12 tiếng mỗi ngày và ăn trưa trong vòng 15 phút. Ảnh: CGTN.

Luyện thi theo kiểu quân đội

Trường trung học Heng Shui, được biết đến với danh hiệu "nhà máy đào tạo gaokao". Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trung Quốc nhưng nổi tiếng toàn thế giới vì độ khó và sự cạnh tranh khốc liệt.

Mô hình luyện thi gaokao tại Heng Shui nghiêm khắc và chặt chẽ không thua kém gì chương trình huấn luyện trong quân đội. Học sinh từ 15-18 tuổi ở đây phải học 12 tiếng, tham gia 13 lớp học mỗi ngày và chỉ có 15 phút để ăn trưa.

Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, không được ăn vặt và tuyệt đối không yêu đương hẹn hò. Các hàng quán trong khuôn viên trường chỉ bán các nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, không bán đồ ăn.

Nếu "tương tác thường xuyên với bạn khác giới", người học sẽ bị trừ điểm. Còn nếu bị phát hiện có quan hệ yêu đương, học sinh sẽ bị đuổi khỏi trường ngay lập tức.

Học sinh trường trung học Heng Shui cơ sở 2 ở tỉnh Hà Bắc thể hiện quyết tâm trước kỳ tuyển sinh đại học. Ảnh: Reuters.

Số bài kiểm tra một học sinh làm trong ba năm học tại Heng Shui có thể chất đầy phòng ký túc xá. Việc học hành, ôn luyện trong năm cuối cấp còn nặng nề hơn nhiều. Học sinh phải thức dậy từ lúc 5h30 và chỉ về phòng sau 21h.

Trong những năm qua, Heng Shui đã thành lập 18 chi nhánh tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, An Huy, Tứ Xuyên và Vân Nam dù chương trình đạo tạo khắc nghiệt tại đây gây nhiều tranh cãi.

Giáo sư Fan Xiazua, ĐH Trung ương Trung Quốc ở Vũ Hán, nói: "Mô hình này thường được chấp nhận bởi các học sinh ở các khu vực nghèo vì với họ gaokao là cánh cửa duy nhất để thay đổi số phận. Tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng với địa vị, giàu có, quyền lực".

'Công xưởng' ôn luyện lớn nhất Trung Quốc

Trường trung học Mao Than Xưởng nằm ở tỉnh An Huy, Trung Quốc được ví là “công xưởng luyện thi gaokao” lớn nhất Trung Quốc.

Tách biệt với phố xá náo nhiệt, khu vực quanh Mao Than Xưởng hoang vu, không có gì ngoài đồng ruộng và những khu đất trống.

Chính quyền đã đóng cửa tất cả các khu giải trí gồm trò chơi điện tử, phòng bida, quán cà phê để giúp các sĩ tử có thể tập trung hoàn toàn vào việc học.

Các lớp học tại Mao Than Xưởng bắt đầu từ 6h20 đến 22h50 và kéo dài nguyên tuần.

Đại học là mục tiêu hàng đầu với nhiều học sinh châu Á sau 12 năm đèn sách. Ảnh: Reuters, Sixth Tone.

Nhân viên thường xuyên kiểm tra học sinh trốn học và đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn. Ai cũng làm việc rất nghiêm túc bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào sự tiến bộ về mặt điểm số của học sinh.

Ngoài ra, hệ thống camera giám sát được lắp tại mọi nơi, từ lớp học đến ký túc xá và thậm chí trên các giao lộ của thị trấn, để theo dõi mọi chuyển động của học trò.

Người ngoài, kể cả phụ huynh, không được phép vào khuôn viên trường, ngoại trừ ba tiếng giữa ngày chủ nhật.

Nỗi ám ảnh 'hagwon' tại xứ sở kim chi

Hagwon là tên gọi chung của các trung tâm học thêm, luyện thi tư nhân tại Hàn Quốc. Nhiều học sinh xứ củ sâm cho biết thời gian học tại các hagwon thậm chí còn nhiều hơn 12 năm tại trường tiểu học và trung học.

Vào các kỳ nghỉ, khi chương trình chính khóa kết thúc, học sinh trung học sẽ bắt đầu tham gia các lớp học thêm từ 10h-22h mỗi ngày.

Vì vậy, đối với học sinh Hàn, khi kỳ nghỉ đến cũng là lúc nỗi ám ảnh hagwon bắt đầu.

Thông thường, tại hagwon, học sinh trước trung học phổ thông sẽ được dạy trước chương trình chính khóa từ 1-2 năm. Còn nhóm cuối cấp sẽ dồn toàn lực để ôn thi chuyển cấp hoặc đại học. Nhiều người chỉ ngủ ba tiếng mỗi ngày với mục tiêu vào được những trường danh giá.

Các trung tâm ôn luyện hagwon của Hàn Quốc mở cửa hơn 12 tiếng mỗi ngày và hoạt động quanh năm. Ảnh: Reuters.

Tất cả các bậc phụ huynh Hàn Quốc đều gửi con đến hagwon từ khi còn học tiểu học với lo lắng nếu không học thêm, học kèm con sẽ không thể theo kịp chương trình trên lớp, thụt lùi so với các bạn cùng lứa.

Khi áp lực học tập ngày một gia tăng, học sinh Hàn Quốc trở thành những thanh niên kém hạnh phúc nhất thế giới, tỷ lệ tự tử đáng báo động. Từ tháng 7/2017, Hàn Quốc ra luật cấm dạy thêm, học thêm sau 22h như một động thái giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, các hagwon đã nghĩ ra nhiều cách để đối phó quy định này. Hầu hết đều chuyển giờ mở cửa sớm hơn. Một số trung tâm thậm chí thuê các quán cà phê xung quanh để học sinh có thể học qua đêm.

Nhiều hagwon còn gửi các chương trình học đặc biệt cho phụ huynh qua di động vào những kỳ nghỉ đặc biệt. Các ông bố, bà mẹ Hàn Quốc rất sợ con cái bị bỏ lại phía sau và hagwon biết cách trấn an họ.

Huệ Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-cong-xuong-luyen-thi-dai-hoc-khet-tieng-chau-a-post957545.html