Những công trình xa xỉ bị bỏ hoang trên thế giới

Từ các sân vận động và sân bay rộng lớn cho đến những khách sạn và công viên hào nhoáng, nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới bị bỏ hoang vì một số lý do khác nhau.

Sân bay quốc tế Hellenikon ở Hy Lạp từng là sân bay chính thức của thủ đô Athens, phục vụ hơn 12 triệu hành khách mỗi năm. Nhưng sân bay này đóng cửa vào năm 2001 sau khi được thay thế bởi Sân bay quốc tế Athens, và bị bỏ hoang kể từ đó. Ảnh: Getty.

Sân bay quốc tế Hellenikon ở Hy Lạp từng là sân bay chính thức của thủ đô Athens, phục vụ hơn 12 triệu hành khách mỗi năm. Nhưng sân bay này đóng cửa vào năm 2001 sau khi được thay thế bởi Sân bay quốc tế Athens, và bị bỏ hoang kể từ đó. Ảnh: Getty.

Một vài dự án tái thiết sân bay đã thất bại. Tuy nhiên, một công ty gần đây lên kế hoạch biến nơi này thành một tổ hợp bao gồm các khu dân cư, khách sạn, trung tâm mua sắm, công viên, bảo tàng, trung tâm thể thao. Ảnh: Getty.

Công viên giải trí Pripyat ở Ukraine dự kiến khai trương vào đầu tháng 5/1986. Tuy nhiên thảm họa hạt nhân Chernobyl thảm khốc diễn ra cách đó vài dặm vào tháng 4/1986 đã khiến công viên bị đóng cửa vĩnh viễn. Ảnh: Shutterstock.

Hiện nhiều khu vực trong công viên bị cho là còn ô nhiễm phóng xạ ở các mức độ khác nhau. Ảnh: Shutterstock.

Sân vận động Aquatics được xây dựng để phục vụ Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil nhưng hiện bị bỏ hoang. Những vũng nước lớn, bẩn thỉu tại đây từng là nơi mà các kình ngư Olympic thi đấu. Ảnh: Reuters.

Thành phố Rio de Janeiro đã chi đến 13 tỷ USD cho kỳ Olympic 2016. Đến nay, một số địa điểm vốn là nơi tổ chức Thế vận hội đã hư hỏng nặng. Ảnh: Reuters.

Khách sạn Ryugyong ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên bắt đầu được xây từ những năm 1980. Mang hình dáng kim tự tháp, tòa nhà không có người ở này được mệnh danh là "khách sạn của ngày tận thế". Ảnh: Reuters.

Khách sạn 105 tầng này đã bị ngừng thi công vào những năm 1990 do sự cố kỹ thuật và thiếu vốn. Nó trở thành tòa nhà không người ở cao nhất thế giới. Khách sạn cao gần 330 m với chi phí xây dựng khoảng 583,7 triệu USD. Ảnh: Reuters.

Công viên giải trí Wonderland nằm trên một mảnh đất rộng hơn 48,5 ha, cách thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc khoảng 32 km. Vì vấn đề tài chính, công viên bị ngừng thi công vào năm 1998. Năm 2008, công trình được xây dựng trở lại nhưng cũng tiếp tục bị cho dừng sau đó không lâu. Ảnh: Reuters.

Năm 2013, phần lớn Wonderland bị phá hủy. Một phần đất ở đây được nông dân sử dụng để trồng trọt. Ảnh: Reuters.

Khu nghỉ mát bãi biển cao cấp San-Zhi Pod ở Đài Loan được xây vào những năm 1970 nhằm phục vụ những du khách giàu có. Ảnh: Flickr.

Nơi này chứa đầy những ngôi nhà mang màu sắc sặc sỡ với hình dáng đĩa bay. Công trình không bao giờ được hoàn thiện do một số tai nạn lao động và thiếu vốn xây dựng. Ảnh: Flickr.

Đảo Hashima ở Nhật Bản, còn được gọi là "đảo chiến hạm", từng là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới, sở hữu những mỏ than dồi dào. Ảnh: Shutterstock.

Năm 1959, hơn 5.000 người sống ở đây, chủ yếu là thợ mỏ và gia đình của họ. Nhưng khi các mỏ than bị đóng cửa vào năm 1974, người dân đã rời đi. Hòn đảo bị bỏ hoang từ đó đến nay, và chỉ khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Shutterstock.

Khách sạn Haludovo Palace trên đảo Krk của Croatia là một khu nghỉ dưỡng cao cấp trong những năm 1970 và 1980. Ảnh: AP.

Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra ở Nam Tư (ngày nay là Serbia, Croatia, Slovenia, Macedonia, Montenegro và Bosnia & Herzegovina) vào những năm 1990, du khách đã không còn đến đây. Khách sạn Haludovo Palace xa xỉ bị bỏ hoang từ đó. Ảnh: AP.

Tòa nhà Lee Plaza ở thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ được xây vào năm 1927 như một khách sạn cao cấp. Tuy nhiên nó đã phải đối mặt với vô số vấn đề tài chính và pháp lý trong nhiều năm qua. Ảnh: Flickr.

Lee Plaza bị đóng cửa vào năm 1997 và chuyển thành khu nhà ở cho lao động thu nhập thấp. Kể từ đó, tòa nhà bị hư hại nặng nề. Chính quyền thành phố Detroit gần đây đang tìm kiếm các nhà phát triển bất động sản để cải tạo lại tòa nhà lịch sử này. Ảnh: Flickr.

Sòng bạc Constanta ở Romania từng được ví như Monte Carlo của quốc gia này. Được xây vào những năm 1900, Constanta được vua Carol I mở cửa cho công chúng vào năm 1910. Sòng bạc này thậm chí đứng vững sau các cuộc đánh bom trong 2 cuộc thế chiến. Ảnh: Shutterstock.

Nhưng sòng bạc này dần trở nên quá đắt đỏ để bảo tồn và duy trì, nên đã bị đóng cửa vào năm 1990. Hiện các mái nhà ở đây đang có nguy cơ sập rất cao do bộ khung bị ăn mòn và rỉ sét. Ảnh: Shutterstock.

Khu nghỉ dưỡng trên đảo Marco, Florida được xây vào đầu những năm 1980 với những đường nét kiến trúc độc đáo. Ảnh: Getty.

Công trình này vốn nằm trên đất liền, nhưng sự xói mòn đã khiến một số ngôi nhà bị kéo rời xa bờ đến gần 61 m. Khu nghỉ dưỡng bị bỏ hoang vào những năm 2000 vì thiệt hại do bão và chi phí sửa chữa quá cao. Ảnh: Getty.

Một công viên nước của Walt Disney ở bang Florida được mở cửa vào năm 1976 và đóng cửa vào năm 2001 vì sự ra đời của 2 công viên nước mới hiện đại hơn. Những khu vui chơi ở đây đã bị hư hại nặng nề. Ảnh: Seph Lawless.

Tháng 8/2019, Walt Disney thông báo họ đang xây dựng một khách sạn 900 phòng trong khuôn viên công viên này, và việc phá dỡ công trình cũ đang được tiến hành. Khách sạn dự kiến được khai trương vào năm 2022. Ảnh: Seph Lawless.

Minh Đức
Theo Business Insider

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-cong-trinh-xa-xi-bi-bo-hoang-tren-the-gioi-post994652.html