Những công trình vì đàn em

Mô hình 'Nhà bán trú dân nuôi' và 'Trường mẫu giáo cho em' là những công trình mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ Quảng Ngãi, giúp học sinh nghèo vùng cao, vùng xa có nơi học tập, ăn ở khang trang.

Trẻ em ở xã Bình An (H.Bình Sơn) vui chơi trong ngôi trường khang trang - Ảnh: Hiển Cừ

Năm học 2017 - 2018, hơn 60 trẻ thơ ở xã Bình An (H.Bình Sơn) được học tập, vui chơi trong ngôi trường khang trang, rộng rãi và sạch sẽ. Đây là công trình thanh niên “Trường mẫu giáo cho em” mà Tỉnh đoàn Quảng Ngãi xây dựng, gồm 2 phòng sinh hoạt, học tập và 2 phòng vệ sinh, tổng kinh phí đầu tư 900 triệu đồng, được bàn giao đưa vào sử dụng vào đầu năm học.

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã triển khai kêu gọi nguồn tài trợ, đồng thời huy động đoàn viên, thanh niên tình nguyện góp công sức xây dựng công trình này. “Nhìn ngôi trường mới kiên cố, sạch đẹp, cả cô và cháu đều vui. Trẻ thơ thấy phòng học mới lại càng thích đi học hơn, cháu nào cũng chăm ngoan, vâng lời cô giáo”, cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu phó Trường mẫu giáo xã Bình An, thổ lộ.

Rời công trình “Trường mẫu giáo cho em” tại xã Bình An, chúng tôi ngược lên xã Trà Giang, huyện miền núi Trà Bồng. Thầy giáo Dương Văn Nhàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Giang, cho hay học sinh của trường chủ yếu người dân tộc Cor, đời sống gia đình còn nghèo khó, cái ăn luôn thiếu trước hụt sau, con đường đến trường gian nan, trắc trở.

Vì nhà xa trường 15 - 20 km nên nhiều học sinh phải lội bộ vượt dốc, băng rừng 3 - 4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Để có được cái chữ, các em phải mang gạo, muối xuống gần trường dựng lều ở tạm hoặc ở nhờ nhà dân. Những học sinh nhà cách trường chừng 7 - 10 km thì thức dậy từ tờ mờ sáng mang theo nắm cơm, muối giã ớt gói trong túi ni lông để đến trưa ăn tại phòng học, sau đó tiếp tục học buổi chiều. Cực nhất là những ngày mưa gió, các em đến trường quần áo, sách vở ướt sũng, thậm chí có em chân trần đến lớp.

“Con đường đến trường quá vất vả, ăn uống, sinh hoạt khổ sở nên nhiều em có tuần chỉ học 3 - 4 ngày thì bỏ về nhà. Vì thế, tình trạng nghỉ học theo kiểu “giã gạo” vẫn tồn tại suốt nhiều năm học qua, chất lượng giáo dục bị hạn chế”, thầy Dương Văn Nhàn nói và cho biết thêm khi học sinh nghỉ học “giã gạo”, nhà trường phải phân công giáo viên đến các bản, làng gặp phụ huynh vận động cho con em xuống lớp. Tuy nhiên, việc vận động cũng không dễ dàng vì nhiều em nói rằng về nhà còn có cái ăn chứ xuống trường bữa đói, bữa no, chỗ ở thì tạm bợ.

Hai tháng qua, kể từ khi công trình thanh niên “Nhà bán trú dân nuôi” gồm 4 phòng ở kiên cố, thoáng mát đáp ứng chỗ ở cho 32 học sinh nhà xa trường mà Tỉnh đoàn Quảng Ngãi bàn giao cho Trường tiểu học Trà Giang quản lý, sử dụng thì suy nghĩ của học sinh nơi đây đã thay đổi. Sau giờ học, cùng đùa vui với bạn bè trong ngôi nhà bán trú, em Hồ Thị Nản, học lớp 4, hồ hởi: “Ở trong ngôi nhà bán trú như thế này, bọn em đứa nào cũng thích. Hơn nữa, ở đây còn có cô phục vụ nấu ăn ngày ba bữa rất ngon, thức ăn được để trong khay rất sạch sẽ. Vì thế, các bạn bây giờ cả tháng mới về nhà một lần, ai cũng siêng học cả”.

Theo thầy Dương Văn Nhàn, kể từ khi có nhà bán trú dân nuôi, tình trạng học sinh nghỉ học “giã gạo” đã chấm dứt. Có chỗ ăn ở đàng hoàng, các em không còn phải lo lắng chuyện sinh hoạt, ăn uống như trước nên dồn thời gian vào việc học tập. Ngoài giờ lên lớp, các em còn đến thư viện của trường đọc sách, tối thứ bảy nhà trường tổ chức sinh hoạt văn nghệ tập thể, tạo tâm lý hứng khởi để các em ham học hơn. Nhờ đó, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ hai công trình trên, mà từ năm 2012 đến nay, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa và sự đóng góp công sức của đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng 15 nhà bán trú dân nuôi cho học sinh vùng cao và 2 trường mẫu giáo cho em, với tổng kinh phí gần 10,9 tỉ đồng. “Những công trình thanh niên tuy nhỏ về quy mô đầu tư nhưng ý nghĩa rất lớn lao, ghi dấu sự nhiệt huyết, nỗ lực của tuổi trẻ tỉnh nhà trong việc chung tay vì đàn em thân yêu”, anh Đặng Minh Thảo, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, chia sẻ.

Hiển Cừ - Hiển Cừ

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/nhung-cong-trinh-vi-dan-em-892965.html