Những công trình tiêu biểu làm thay đổi diện mạo Thăng Long - Hà Nội sau 10 năm

Sau lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (2010), Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển và nhiều công trình mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô hoành tráng. Dưới đây là một trong những công trình tiêu biểu.

Xây dựng trường đua F1 ở Hà Nội

Tháng 3/2019, UBND Thành phố Hà Nội và công ty Việt Nam Grand Prix đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường đua F1 tại quận Nam Từ Liêm - Hà Nội. Đường đua Công thức 1 tại Hà Nội (F1 Hà Nội) và các công trình chức năng khác được xây dựng trên tổng diện tích 88 hécta trong khuôn viên của khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng, chạy qua các phố: Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ…

Đường đua tại Hà Nội do công ty thiết kế và tư vấn Tilke của Đức phối hợp cùng Tập đoàn Formula 1 tổ chức thiết kế, với chiều dài một vòng là 5.565m, gồm 22 góc cua và đặc biệt là đoạn đường thẳng dài tới 1.500m. Đây được coi là trường đua có đoạn thẳng dài nhất thế giới, với hy vọng giúp các tay đua đạt tới tốc độ 335 km/h.

Toàn bộ các hạng mục của đường đua F1 Hà Nội được hoàn tất vào tháng 3/2020. Ban tổ chức F1, đường đua sẽ chính thức đón chặng đua đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 4. Nhưng trước ngày khai mạc thì dịch COVID-19 bùng nổ nên giải đấu đã hoãn. Sau khi Công ty Vietnam Grand Prix (VGPC) - đơn vị tổ chức chặng đua Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix 2020 chính thức thông báo hoãn giải đấu, các hạng mục công trình đường đua F1 đã phải tháo dỡ.

Đây được xem là một trong những công trình nhằm chào đón 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng lại không thể diễn ra.

Tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi vào hoạt động

Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn được UBND quận Tây Hồ lên ý tưởng xây dựng từ năm 2015 và bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Cuối tháng 8/2017, UBND quận Tây Hồ dự định sẽ triển khai thí điểm tuyến phố này với nhiều hoạt động phong phú như có sân khấu phục vụ hoạt động biểu diễn, những ki-ốt hàng quán được dựng sẵn sàng để phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực, bán các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội…

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kế hoạch khai trương bị lùi lại, đến tháng 5/2018 chính thức khai trương. Tối 11/5/2018, Không gian văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ – Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) đã chính thức khai trương, trở thành tuyến phố đi bộ thứ hai của Hà Nội bên cạnh phố đi bộ hồ Gươm.

Phố Trịnh Công Sơn nằm liền kề Công viên nước Hồ Tây, dài 990m. Khu vực phố đi bộ bao gồm phố Trịnh Công Sơn (đoạn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ) và một phần ngõ 413 Âu Cơ. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoạt động từ 17h đến 23h tối thứ Sáu, từ 6h đến 23h ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi vào hoạt động, Hà Nôi có thêm không gian văn hóa, giải trí công cộng lý thú cùng với phố đi bộ Hồ Gươm. Du khách sẽ có thêm sự lựa chọn khi đến với Thủ đô. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự thu hút được du khách.

Cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân là một cây cầu tại thủ đô Hà Nội, đây là cây cầu dây văng lớn thứ hai Việt Nam hiện tại được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 5 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Cầu Nhật Tân được khởi công ngày 7/3/2009, ngay sau khi hoàn thành cầu Thanh Trì và hoàn thành nhân kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm. Theo dự án, cầu được kết cấu kiểu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương án đúng hẫng cân bằng. Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Hà Nội.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía bắc và đồng bằng sông Hồng, giúp cải thiện giao thông khu vực Bắc Thăng Long - Nội Bài, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng. Đồng thời đây cũng là trục không gian kiến trúc và cảnh quan của thủ đô. Sau 1000 năm Thăng Long, cầu Thăng Long được đánh giá là công trình đồ sộ nhất của thủ đô Hà Nội.

Hoàn thành tuyến cao tốc 2 tỷ USD Hà Nội - Hải Phòng

Tháng 12/2015, tuyến đường cao tốc Hà Nội -Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1 km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội); điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng); có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư.

Được khởi công vào năm 2008, chủ đầu tư đã giải phóng 1.430 ha đất, bao gồm 115 ha đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp liên quan 47.000 hộ dân; xây dựng 39 khu tái định cư cho 2.600 hộ dân.

Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822 m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn.

Sơn Miu

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhung-cong-trinh-tieu-bieu-lam-thay-doi-dien-mao-thang-long-ha-noi-sau-10-nam-120554.html