Những công trình thắt chặt tình hữu nghị Việt-Xô

Tại Thủ đô Hà Nội, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô đã tồn tại suốt 34 năm và trở thành một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, gắn liền với tình hữu nghị Việt Nam và Liên Xô. Bên cạnh đó, còn nhiều công trình gắn kết Việt - Xô như: Cầu Thăng Long, công viên Lê Nin, bệnh viện Việt Xô,…

Sau khi Bác Hồ qua đời, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, cử chuyên gia sang xây dựng Lăng.

Sau khi Bác Hồ qua đời, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, cử chuyên gia sang xây dựng Lăng.

Lăng được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là 1 trong những công trình thể hiện sự hợp tác giúp đỡ chí tình của Liên Xô (cũ) đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô có tên chính thức là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô. Tuy vậy, nhiều người Hà Nội quen gọi đơn giản là Cung Việt Xô hay Cung Công nhân. Công trình nằm trên đường Trần Hưng Đạo, một trong những con đường đẹp nhất của quận Hoàn Kiếm, giữa lòng Hà Nội.

Cung Việt Xô được khởi công vào ngày 1/1/1978 trên nền cũ của nhà Đấu xảo Hà Nội. Bản thiết kế của công trình là do kiến trúc sư Isakovich người Liên Xô (cũ) sáng tạo. Nguồn tài chính do Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô trước đây trao tặng. Công trình mang dấu ấn của tình hữu nghị hai nước, như món quà mà Công đoàn Liên Xô dành tặng Việt Nam. Không may, sáng ngày 28/9/2019, nơi đây đã bị cháy, thiệt hại ước tính gần 10 tỷ đồng.

Năm 1982, để ghi nhớ học thuyết của Lê-Nin đã mở ra con đường cho cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định dựng tượng Lê-Nin tại Vườn hoa Canh Nông (cũ), ngày nay được gọi là Công viên Lê-Nin.

Tượng bằng đồng cao 5,2m do Chính phủ Liên Xô tặng với hình tượng Lê-Nin trong tư thế đang đi, đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m.

Công trình khánh thành vào ngày 20/8/1985. Ngày nay, vườn hoa được gọi là Công viên Lê-Nin, là nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô.

Tuyến đường sắt Bắc Nam được Liên Xô giúp đỡ xây dựng một phần không hề nhỏ. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Nam - Bắc.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) được thành lập năm 1950 từ Bệnh xá 303 để chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Năm 1955, Trung ương quyết định mở rộng Bệnh xá thành Bệnh viện 303.

Tháng 5/1956, Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô được khai trương tại địa điểm của bệnh viện 303 với sự giúp đỡ xây dựng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1958, 2 bệnh viện được hợp nhất thành Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô theo Nghị định 163-NĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Hà Nội, Công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành năm 1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội.

Cầu giàn thép dài 3.250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính, 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. 2 làn cầu riêng biệt, rộng 3,5m (1 làn) dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng rộng 11m, và xe máy, xe đạp. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, mặt cầu bê tông, 2 làn dành cho người đi bộ thăm quan.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến nay. Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và hướng dẫn vận hành.

Phạm Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-cong-trinh-that-chat-tinh-huu-nghi-viet-xo-a451035.html