Những công trình của nhà nông: Tại sao bị 'xếp ngăn kéo'?

Việt Nam có không ít nhà sáng chế 'chân đất' trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, việc ứng dụng vào thực tiễn các sáng chế đó lại không mấy khả thi. Đến nỗi, nhiều dự án, công trình được xây dựng thành công rồi chỉ để cho vào… ngăn kéo.

Nhưng thiết bị tự chế của kỹ sư “chân đất” vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.

Nhiều công trình bị lãng quên

Thời gian qua, ngành nông nghiệp nước nhà đã có những bước phát triển vượt bậc. Giới chuyên gia dự báo, trong 10 năm tới đây, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và công nghệ 4.0 sẽ là chìa khóa để nền nông nghiệp nước nhà phát triển.

Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu không tiếp cận được khoa học công nghệ, tiếp cận được cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp sẽ không thể bứt phá. Và dường như nắm được xu thế này, nhiều nhà sản xuất, nhiều nông dân đã đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu những sản phẩm máy móc hiện đại có thể ứng dụng vào sản xuất, trồng trọt chăn nuôi. Tuy nhiên, đáng buồn là, không nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sản xuất “chân đất” được ứng dụng vào thực tế. Và chỉ ít lâu sau, những dự án đó đã “chết yểu”.

Có thể kể ra hàng loạt các sáng kiến của bà con nông dân, của những kỹ sư “hai lúa” như các loại máy phục vụ nông nghiệp, dàn máy quy trình trồng đậu mới, máy gieo hạt… tất cả đều là những ý tưởng mang theo tâm huyết của bà con nông dân. Song, vì nhiều lý do, nhiều công trình đã bị rơi vào quên lãng khi không có tính thương mại cao, khó ứng dụng vào thực tiễn. Điều này cũng đã được dư luận đặt câu hỏi: Cần phải làm gì để các công trình nghiên cứu của các kỹ sư “chân đất” không bị xếp vào ngăn kéo?

Cần có giải pháp

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, nông dân Việt Nam đã rất sáng tạo. Nhiều nông dân trong quá trình lao động, sản xuất đã sáng chế ra các sản phẩm giàu hàm lượng công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nghiệm, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là rất cần thiết để có thể nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản nước nhà.

Tuy nhiên, ông Nghiệm cũng thừa nhận, sở dĩ nhiều dự án, công trình nghiên cứu của bà con nông dân mới chỉ dừng lại ở khâu ý tưởng, bị lãng quên…là bởi các nghiên cứu khoa học của bà con chủ yếu vẫn dựa vào suy nghĩ chủ quan của cá nhân mà chưa theo sát nhu cầu thị trường, do đó không có tính thương mại cũng như hạn chế về khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

“Trong các cuộc triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ nông lâm ngư nghiệp (Vietnam Growtech) diễn ra mới đây, chúng ta có các sản phẩm được các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao về hàm lượng khoa học, về ý tưởng sáng tạo…Tuy nhiên, xét về tính thương mại của sản phẩm công nghệ trong nước, từ nhận diện thương hiệu cho đến bảo hộ trí tuệ, mẫu mã bao bì chưa được chau chuốt theo tính thương mại trên thị trường quốc tế. Do đó, tính ứng dụng vào thực tiễn bị hạn chế” – ông Nghiệm nhận định.

Bởi vậy, thông qua các cuộc triển lãm về thiết bị, công nghệ nông-lâm-ngư nghiệp, nhà quản lý có thể có thể kiến nghị, đưa ra những chính sách để thúc đẩy tính “thương mại hóa” các sản phẩm công nghệ của các nhà nghiên cứu, nhằm giúp định hướng các nhà nghiên cứu thiết kế các sản phẩm theo định hướng thị trường, giàu tính thực tiễn, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất, nhà nông, các “nhà khoa học chân đất”.

Và từ những đề xuất chính sách hỗ trợ đó, ông Nghiệm bày tỏ kỳ vọng, những dự án, công trình sáng chế có hàm lượng trí tuệ cao của bà con nông dân sẽ có tính ứng dụng cao, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp tiếp cận gần hơn với các khoa học và công nghệ. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần.

Giới chuyên gia nhận định, để các sản phẩm nghiên cứu của bà con nông dân không bị rơi vào lãng quên, không bị “xếp ngăn kéo”, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự đồng hành của hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội để đưa các công trình nghiên cứu của bà con đi vào sản xuất một cách thiết thực nhất.

Nhật Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khoa-hoc/nhung-cong-trinh-cua-nha-nong-tai-sao-bi-xep-ngan-keo-tintuc422616