Những công nhân vượt khó vươn lên

Nỗ lực và kiên trì học tập, nhiều công nhân đã vượt khó vươn lên bằng chính khả năng của mình. Với họ, những thử thách trong cuộc sống và công việc sẽ là bài học để vươn lên khẳng định bản thân ở nhiều ngành nghề đặc biệt.

Anh Lê Văn Giang, làm việc tại bộ phận may Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (H.Trảng Bom). Ảnh: L.Mai

Anh Lê Văn Giang, làm việc tại bộ phận may Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (H.Trảng Bom). Ảnh: L.Mai

Đến với công việc cơ khí tại Công ty hữu hạn cơ khí Động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) ban đầu không phải vì đam mê mà chỉ muốn thử thách với công việc đặc biệt, nữ công nhân Võ Thị Thùy Trang đã dần khẳng định bản thân qua từng chất lượng sản phẩm, trở thành lao động bậc cao, người thợ giỏi tại doanh nghiệp (DN).

* Khẳng định khả năng

Từng gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc tại các DN vì công việc không phù hợp sở trường và cơ hội nâng cao tay nghề hạn chế, Thùy Trang phải chấp nhận thất bại trong những năm khởi đầu. Thế nhưng, chị không nản chí, để tìm được công việc mình thực sự đam mê, Trang dành nhiều thời gian tìm hiểu xu thế tuyển dụng của các DN, nghiên cứu những ngành nghề hấp dẫn mà DN đang cần để chọn lựa.

Và trong những ngành nghề Trang tìm hiểu, nghề cơ khí để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Theo chị Trang, đây là nghề có thu nhập cao, trong khi các DN đang rất thiếu công nhân có tay nghề ở bộ phận này. Và chị quyết định tìm hiểu thông tin ở các DN cơ khí, tranh thủ đi học thêm nghề vào ngày cuối tuần để trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề. Năm 2017, chị quyết định nộp hồ sơ vào công ty với mong muốn làm tại xưởng cơ khí.

Thùy Trang cho biết, lúc mới đến xưởng làm việc, chị cảm thâýnhỏ nhoi giữa tập thể công nhân toàn nam giới. Bước đến cầm những chiếc máy hàn thực hành, chị vừa lo lắng, vừa sợ tia lửa bắn vào người. Chưa kể, hằng ngày nghe tiếng máy chạy ồn ào, tiếng hàn phát ra khắp xưởng, làm cho chị đau đầu. Mỗi ngày, Trang tự nhủ bản thân phải nỗ lực gấp nhiều lần để không bị thua kém với đồng nghiệp, phải tự vươn lên bằng chính khả năng của mình.

Chỉ trong 6 tháng được đào tạo nghề và thực hành trực tiếp trên máy, chị Trang đã nắm bắt nhanh công việc và hàn được tất cả khung sườn xe xuất khẩu sang châu Âu theo mẫu và yêu cầu của DN, được DN đánh giá cao. “Nghề cơ khí đòi hỏi người thợ có sức khỏe, kỹ thuật và chịu được độ nóng của máy, rất ít bạn nữ chọn nghề này vì nghĩ vất vả, sức khỏe không đảm bảo để làm việc. Tuy nhiên, nếu nữ giới có quyết tâm và yêu nghề thì sẽ làm được và thậm chí làm tốt hơn cả nam giới” - chị Trang cho hay.

Hiện tại, xưởng hàn khung xe của chị Trang có nhiều công nhân làm việc, nhưng số lượng thợ hàn rất ít. Trong số 6 công nhân bậc cao thì chị là người đứng thứ hai trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, chắc chắn, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của khách hàng. Hằng ngày, phải trang bị bảo hộ lao động kín người, tiếp xúc với nhiều máy móc nhưng chưa bao giờ chị than phiền về công việc của mình. Niềm vui với chị đó là chọn đúng nghề, chọn đúng nơi làm việc để bản thân có cơ hội thể hiện năng lực, tay nghề của mình.

Theo chị Trang, làm việc môi trường công nghiệp và hiện đại, mỗi công nhân cần tự học học, phấn đấu nhiều hơn trong công việc mới thành công. Dù mỗi công việc đều có ưu và nhược điểm, có những hạn chế riêng nhưng nếu biết cách làm việc khoa học cùng với học tập kinh nghiệm và kỹ năng từ những người thợ giỏi đi trước, sẽ tìm được niềm vui, đam mê trong công việc. Hiện chị Trang đang có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những tháng làm tốt, năng suất, thu nhập của chị tăng lên 19 triệu đồng/tháng.

* Mua đất, cất nhà

Nữ công nhân Bùi Thị Thía, làm việc tại Công ty TNHH giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (H.Long Thành) hằng ngày chạy xe máy từ H.Cẩm Mỹ đến công ty làm việc. Môi trường làm việc thân thiện và thu nhập ổn định là động lực để chị làm việc hiệu quả, quên đi mọi khó khăn trong cuộc sống. Đến nay, chị đã có thâm niên 16 năm gắn bó với công ty. Chị Thía cho biết, trước đây 2 vợ chồng chị làm nghề tự do, không có bảo hiểm, lương không ổn định, lúc ốm đau không biết dựa vào ai. Từ khi đi làm công nhân, biết cách quản lý tài chính, chịu khó trong công việc, cuộc sống gia đình chị đã dần thay đổi.

“Sau khi vào công ty làm việc được 1 năm, nhận thấy có thu nhập ổn định, tôi động viên chồng cùng đến làm việc. Mỗi ngày chịu khó dậy sớm, về trễ một chút nhưng bù lại tôi thấy hạnh phúc vì lúc nào cũng có chồng bên cạnh, đến tháng có lương để nhận, trang trải chi phí và có nguồn tiết kiệm cho gia đình” - chị Thía kể.

Năm 2018, vợ chồng chị mua được mảnh đất tại H.Cẩm Mỹ. Một năm sau đó, chị cất được căn nhà nhỏ nhờ nguồn tiết kiệm từ thu nhập của 2 vợ chồng. Hiện mức thu nhập của vợ chồng chị Thía trên 10 triệu đồng/người/tháng. Chị Thía cho biết, bản thân mình không ngại khó, ngại khổ, chỉ cần DN tạo cơ hội để chị phát huy tay nghề thì mọi công việc được giao, chị sẽ nỗ lực thực hiện. 3 năm nay, chị được DN khen thưởng và tặng kỷ niệm chương vì có nhiều cống hiến cho DN. Với chị, có được công việc mình đam mê, có căn nhà nhỏ và gia đình hạnh phúc là điều mà nhiều nữ công nhân mơ ước.

“Tới đây, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để đạt mục tiêu trong năm. Tôi nghĩ, nếu mình có kế hoạch, mục tiêu để phấn đấu thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Quan trọng mình có được căn nhà ấm áp để trở về nghỉ ngơi sau một ngày làm việc” - chị Thía chia sẻ thêm.

* Nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề

Năm 2019, anh Lê Văn Giang, làm việc tại bộ phận may Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (H.Trảng Bom) được DN khen thưởng là gương điển hình trong lao động sản xuất.

Anh Giang cho biết, xa quê vào Đồng Nai lập nghiệp, anh đã trải qua nhiều nghề từ cơ khí đến điện tử nhưng chỉ khi đến với nghề may, anh mới tìm được niềm đam mê và hứng thú với công việc. Anh Giang cho hay: “Những ngày đầu lập nghiệp, tôi một mình tự đi tìm nhà trọ, tìm đường đến các DN nộp hồ sơ tuyển dụng. Có nhiều hôm đi lạc đường tìm mãi mới về đến phòng trọ. Nản vì chưa có công việc, tiền dự phòng trong người cũng hết dần, nhiều lần tôi có ý định trở về quê. Nhưng suy nghĩ lại, tôi nghĩ bản thân cần phải vượt qua thử thách để tự làm chủ cuộc sống của mình. Và tôi đã quyết định ở lại gắn bó với mảnh đất Đồng Nai”.

Bắt đầu nghề may vì không có tay nghề, không có kinh nghiệm nên anh được phân công làm bộ phận ủi đồ và đóng gói sản phẩm. Quá trình làm việc tại xưởng, theo dõi công nhân may, anh nhận thấy may mặc là nghề không quá khó nếu biết cách học nghề cộng với có một chút kỹ năng khác. Và trong lúc DN đang thiếu lao động may, anh xin tham gia lớp đào tạo may tại công ty để trực tiếp may sản phẩm.

Lớp học may của anh Giang có 30 người nhưng chỉ có 2 người là nam giới, thế nhưng anh lại là công nhân tiếp nhận công việc nhanh nhất. Sau 3 tuần được đào tạo nghề may trực tiếp trên máy, anh được giao may các công đoạn nhỏ và hiện tại là may nguyên sản phẩm. Anh Giang cho biết, xác định gắn bó với nghề may, anh tranh thủ thời gian học nghề lúc nghỉ trưa và sau giờ tan ca. Những công đoạn may nào chưa rõ, anh nhờ đồng nghiệp hướng dẫn thêm. Và những sản phẩm đầu tiên thành công với đường kim, mũi chỉ sắc nét, đúng mẫu mã, được tổ trưởng khen, đã tạo thêm nhiều động lực để anh gắn bó với nghề.

“Tôi nghĩ, với công nhân, đi làm ngoài mong muốn có thu nhập ổn định, cần phải yêu nghề, chăm chỉ và kiên trì mới thành công. Chính những thử thách trong công việc sẽ cho mình nhiều kinh nghiệm quý cho bản thân sau này” - anh Giang cho hay.

Anh Trần Hữu Đạt, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh cho hay, DN hiện có nhiều công nhân dù hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên, nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Công đoàn và công ty đã và đang tích cực hỗ trợ vay vốn và thực hiện các chương trình phúc lợi thiết thực để NLĐ ngày càng cải thiện đời sống.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202003/nhung-cong-nhan-vuot-kho-vuon-len-2992202/