Những cống hiến chưa được tôn vinh

Do kháng chiến kéo dài, khốc liệt, nhiều trường hợp không còn hồ sơ giấy tờ gốc, người giao nhiệm vụ, biết sự việc không còn sống, nên đến nay còn không ít trường hợp người có công chưa được xác nhận, người có cống hiến chưa được tôn vinh.

Khó có cơ sở giải quyết

Từ năm 2016, do tuổi cao, sức yếu và gặp khó khăn trong cuộc sống, ông Lâm Thành Đặng (nay đã 84 tuổi, ở ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) làm đơn xin nhận lại tài sản.

Theo đơn trình bày, cách nay gần 60 năm, vào năm 1959, do cần phương tiện phục vụ việc chuyển quân, ông Ba Trầu, cán bộ Huyện ủy huyện Long Phú, đề nghị ông Đặng cho mượn chiếc tàu đánh cá có tải trọng 20 tấn để chuyển quân. Sau nhiều lần chuyển quân, địch phát hiện và tịch thu chiếc tàu này.

Để tránh bị địch truy bắt, ông Đặng phải lánh về Bạc Liêu, để lại cho mẹ mình là bà Trần Thị Hành chiếc ghe lường tải trọng 3 tấn. Năm 1962, du kích xã Lạc Hòa (nay là xã Vĩnh Hải) bắn rơi máy bay AD-6 của Mỹ và vận động mẹ ông Đặng cho mượn chiếc ghe lường để chở xác máy bay.

Việc vận chuyển bị lộ và chiếc ghe lường này cũng bị địch tịch thu. Ông Đặng gửi đơn để xin nhận lại tài sản là trị giá chiếc tàu đánh cá và chiếc ghe lường.

Đơn xin nhận lại tài sản của ông Đặng có xác minh, chứng nhận của 2 cán bộ hoạt động vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, yêu cầu trên không được giải quyết.

Bà Nguyễn Kim Sâm trình bày nội dung đơn đề nghị công nhận thành tích tham gia cách mạng trước năm 1945

Ngày 26-10-2016, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng ký Công văn số 3846 trả lời đơn của ông Đặng, cho hay: Theo Công văn số 779 TC/HCSN của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thanh toán nợ dân, trong đó có quy định thời gian nhận và xét thanh toán chậm nhất là ngày 31-12-1997.

Tiếp đó, Công văn 3437 gia hạn thanh toán nợ dân đến 31-12-1998. Do vậy, các trường hợp nộp đơn sau năm 1998 không được xem xét giải quyết. Mặt khác, theo đơn và hồ sơ gửi kèm thì trường hợp của ông Đặng không có chứng từ gốc theo quy định tại Chỉ thị 108 ngày 23-5-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), nên không có cơ sở để Nhà nước thanh toán nợ dân.

Đây là một yêu cầu thủ tục rất khó với ông Đặng và nhiều người dân khác đã cho mượn tài sản phục vụ kháng chiến. Bởi lẽ thời chiến tranh, việc trưng dụng hay mượn tài sản chỉ là lời nói, chứ làm sao có chứng từ gốc.

Bà Nguyễn Kim Sâm (nay đã 88 tuổi, ngụ phường 14, quận 10, TPHCM) gửi đơn đề nghị công nhận thành tích tham gia cách mạng trước năm 1945, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Dù tuổi cao, sức yếu, bà Sâm đã dành suốt 3 năm lặn lội ra Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng để tìm gặp các cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa từng giác ngộ, giới thiệu bà vào Đảng… để nhờ xác nhận.

Theo đơn trình bày của bà Sâm, từ tháng 5-1945, bà tham gia Mặt trận Việt Minh ở Nghệ An, dưới sự chỉ đạo của ông Hồ Sĩ Thiều (Bí thư chi bộ) và đảng viên Lê Trọng Vanh, làm công tác tuyên truyền, vận động, trực tiếp phụ trách Đội Thiếu niên nhi đồng xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và cùng tham gia biểu tình tại chợ huyện Nam Đàn. Bà Sâm được kết nạp Đảng ngày 9-9-1946.

Theo Nghị định 31/2013, trong các điều kiện muốn được công nhận cán bộ cách mạng lão thành tiền khởi nghĩa, ngoài việc đã tham gia hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa của từng địa phương, người đó phải là cán bộ lãnh đạo một tổ chức quần chúng cấp xã hoặc tương đương nào đó.

Bà Sâm tâm sự: “Thời bấy giờ, đi theo cách mạng, có ai mơ tưởng “làm quan, làm tướng” gì đâu. Tôi đi theo cách mạng, theo sự phân công của Đảng, làm việc cho đến ngày nghỉ hưu. Tôi được nhiều huân chương, huy chương, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Theo hướng dẫn, tôi làm đơn để được công nhận thành tích tham gia cách mạng trước năm 1945, vì đó là quyền lợi chính đáng. Nếu được giải quyết chính sách, chế độ gì, tôi cũng sẽ dành hết cho việc ủng hộ từ thiện xã hội”.

“Tôi tin và ráng chờ”

Ông Huỳnh Thanh Xuân (73 tuổi, thuộc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Văn phòng Trung ương Cục miền Nam) kể: “Cả nhà tôi đều tham gia kháng chiến ở Cai Lậy (Tiền Giang). Má tôi làm giao liên, khi đang làm nhiệm vụ thì bị địch phát hiện, bắn chết. Do công tác bận rộn, trước đây tôi chưa làm thủ tục để Nhà nước công nhận người có công cho má tôi. Một cán bộ lãnh đạo có biết má tôi tham gia kháng chiến đã ký xác nhận quá trình hoạt động, công tác của má tôi. Lúc bấy giờ, tôi cầm tất cả giấy tờ liên quan mang đến UBND phường 19 quận Bình Thạnh (TPHCM) nộp, nhưng rồi chẳng thấy hồi âm, sau tôi hỏi lại thì mới hay hồ sơ đã bị thất lạc. Tôi lại một lần nữa đi tìm các cô chú cán bộ thời ấy xác nhận lại giấy tờ cho má mình, rồi lại tiếp tục gửi hồ sơ cho địa phương. Gần 20 năm trôi qua, việc công nhận người có công cho má tôi vẫn chưa xong. Tôi tự an ủi rằng ngày xưa khi thoát ly gia đình đi kháng chiến cứu nước có ai mong đòi sau này mình phải được Nhà nước công nhận, đền đáp gì đâu. Hẳn má tôi cũng vậy, mình nghĩ vậy thì không phải nặng lòng. Tôi nghĩ sự hy sinh của má tôi sẽ không bị quên lãng. Tôi tin và ráng chờ”.

Mới đây, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nhấn mạnh: “Chúng ta đã nỗ lực đạt nhiều kết quả, nhưng không được dừng lại, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để người có công được tôn vinh xứng đáng, cuộc sống vật chất, tinh thần của người có công, thân nhân người có công ngày càng tốt đẹp. Với yêu cầu khẩn trương, khẩn trương hơn nữa, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB-XH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đổi mới cách làm trong công tác xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch”.

Rất mong những trường hợp người có công sớm được xác nhận, người có cống hiến sớm được tôn vinh.

ĐOÀN HIỆP

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-cong-hien-chua-duoc-ton-vinh-536904.html