Những 'cơn sốt' trong giới trẻ Việt (AN3)

Có thể nói, năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với những hoạt động, sự kiện văn hóa sôi nổi và khởi sắc. Góp phần trong 'vườn hoa muôn màu' ấy là một số hoạt động của các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên với những tác phẩm nghệ thuật mang âm hưởng dân tộc thiểu số đã được nhiều người yêu thích, tạo nên 'cơn sốt' trong giới trẻ Việt.

“Mị” và các vũ công có màn nhảy sôi động khiến giới trẻ thích thú. Ảnh: Cắt từ MV “Để Mị nói cho mà nghe”

“Mị” và các vũ công có màn nhảy sôi động khiến giới trẻ thích thú. Ảnh: Cắt từ MV “Để Mị nói cho mà nghe”

Tạo “cơn sốt” trong giới trẻ bằng vũ điệu

Sau một thời gian tham gia đóng phim, cuối tháng 6-2019, Hoàng Thùy Linh đã trở lại vai trò ca sĩ với sản phẩm âm nhạc "Để Mị nói cho mà nghe". Lấy cảm hứng từ tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, với bối cảnh Tây Bắc thơ mộng cùng dàn trai xinh, gái đẹp trong trang phục dân tộc sặc sỡ, giai điệu đáng yêu cùng sự kết hợp âm nhạc dân gian độc đáo, "Để Mị nói cho mà nghe" là sự pha trộn của nhiều thể loại âm nhạc từ pop, dân gian, EDM (nhạc điện tử), rap với giai điệu vui tươi, trẻ trung. Ngay khi vừa ra mắt, bài hát đã ngay lập tức leo lên vị trí top 1 trending Youtube Việt Nam. Sau 5 ngày ra mắt, MV đã thu về 7 triệu lượt xem, cùng với đó là 248 nghìn lượt thích, nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ.

Trong MV, Hoàng Thùy Linh đã hóa thân thành Mị - nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Khác với một người phụ nữ cam chịu, bị A Sử giày vò, tra tấn về thể xác lẫn tinh thần trong tác phẩm gốc, cô Mị trong MV của Hoàng Thùy Linh lại độc lập, mạnh mẽ, tươi trẻ và yêu đời, không bị trói buộc bởi những luật lệ hà khắc. MV nói lên những khát khao vượt qua những khuôn khổ khắt khe của xã hội để được là chính mình của một cô gái trẻ người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, trong MV, Hoàng Thùy Linh còn đưa vào một cách khéo léo những tác phẩm văn học nổi tiếng khác, tạo hiệu ứng tốt như: Vợ nhặt, Chí Phèo, Lão Hạc, Tắt đèn. Không chỉ đơn thuần là cắt ghép các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm kinh điển đưa vào sản phẩm âm nhạc, mà thông qua đó, Hoàng Thùy Linh còn thể hiện một góc nhìn khác, đầy nhân văn, đồng thời cũng vạch ra một kịch bản tươi sáng hơn cho cuộc đời của những nhân vật như nàng Mị, chị Dậu, anh Tràng, lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... Giờ đây, họ đã có một cuộc sống mới, một kết cục mới, viên mãn và ngập tràn hạnh phúc.

Có thể nói, MV “Để Mị nói cho mà nghe” đã thổi một làn gió mới vào âm nhạc Việt Nam. Sự kết hợp táo bạo giữa nhạc điện tử và âm hưởng Tây Bắc cùng với tiết tấu vui nhộn đã vẽ lên một bức tranh sôi động. Hình ảnh bối cảnh và các nhân vật văn học cũng được khai thác khéo léo góp phần ghi điểm trong mắt công chúng. Một lý do nữa, nhiều người cho rằng, MV này ra mắt trước thềm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã góp phần “lên dây cót” tinh thần cho các sĩ tử trước áp lực đang đè nặng.

Nổi tiếng từ Vlog “chế” phim xưa

Thời gian vừa qua, nhóm bạn trẻ Hà Nội có tên 1977 Vlog (gồm 3 chàng trai trẻ Nguyễn Trung Anh, Nguyễn Việt Anh, anh em sinh đôi, sinh năm 1992 và Nguyễn Văn Tân, em họ, sinh năm 2001) đã cho ra những clip Youtube gây “bão” cộng đồng mạng. Sau hơn 2 tháng thành lập, 1977 Vlog “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội và giới vlogger. Clip nào của nhóm này cũng đạt hàng triệu view chỉ trong thời gian ngắn. Chỉ với 2 trên 3 clip xuất hiện, 1977 Vlog đã giành được nút Bạc Youtube và rất nhanh sau đó, khi clip thứ 4 trình làng vài ngày, kênh Youtube của nhóm 1977 Vlog đã ẵm trọn nút Vàng danh giá. Nhóm 1977 Vlog cũng vô cùng bất ngờ khi nhận được sự yêu mến từ cộng đồng mạng.

Từ những bạn trẻ bình thường, làm những công việc bình thường, nhưng chỉ sau một đêm, họ bỗng trở nên nổi tiếng với đoạn clip “chế” phim. Điều khiến những clip của 1977 Vlog có chỗ đứng, khi người xem ngày càng khó tính chính là chủ đề mà họ lựa chọn: Các tác phẩm văn học nổi tiếng được xây dựng dưới dạng phim xưa. Điểm đặc biệt của 1977 Vlog là màu sắc video đen trắng, nhịp phim chậm. Lời thoại ngắn sử dụng câu nói “trend” (xu hướng) trên mạng xã hội và lối diễn xuất hài hước cũng là điểm riêng thu hút cộng đồng mạng.

“Mị” mạnh dạn cởi trói cho A Phủ và cả hai cùng đưa nhau đi trốn. Ảnh: Cắt từ MV “Để Mị nói cho mà nghe”

Trong số đó, clip “Vợ chồng A Phủ Parody - vòng xoáy của bạc” cũng được lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, mang đặc trưng vùng Tây Bắc. Tuy sử dụng chất liệu là những tình tiết, nhân vật, sự kiện có sẵn trong tác phẩm văn học tiêu biểu, từng được nhiều người biết đến, nhưng 1977 Vlog cũng không ngừng sáng tạo để tạo ra nét riêng cho mình trên nền tảng ấy. Clip được tái hiện một cách dí dỏm, diễn xuất mộc mạc, nhẹ nhàng theo phong cách của phim Việt Nam những năm trước giải phóng, có tác dụng gây cười mà không hề thô tục. Các nhân vật Mị, A Phủ, A Sử giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ tươi mới, hài hước của thời @. Không những thế, hàng loạt vấn đề nóng của xã hội đều được cập nhật trong clip. Tiêu biểu như câu thoại: "...mảnh đất này đẹp đấy, tao sẽ về bảo bố tao quây hết chỗ này lại rồi lừa bán cho bọn dân bản..." chính là nhắc nhớ đến vụ việc công ty bất động sản Alibaba lừa đảo người nhẹ dạ, gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.

Từ đó, 1977 Vlog truyền tải được thông điệp của riêng mình. Nếu như trong tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, các nhân vật bế tắc, không có lối thoát thì trong clip “Vợ chồng A Phủ Parody - vòng xoáy của bạc”, nhân vật Mị và A Phủ đã mong muốn thay đổi, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Và họ đã đứng lên hành động để thay đổi cuộc đời của mình. Đó là thông điệp có chủ đích mà 1977 Vlog muốn gửi gắm đến những khán giả đã xem clip. Thông điệp dạng này hài hước, dễ nhớ, dễ dàng được các bạn trẻ truyền miệng trong cộng đồng.

Nguyên Thanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-con-sot-trong-gioi-tre-viet-an3/