Những con số thú vị về Grammy

Lễ trao giải Grammy được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cống hiến xuất sắc nhất cho âm nhạc.

Rạng sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Grammy lần thứ 61 đã chính thức diễn ra tại trung tâm Staples ở Los Angeles, Mỹ với sự dẫn dắt của nữ ca sĩ Alicia Keys.

Năm nay, 84 hạng mục giải thưởng đã được trao cho mọi thể loại âm nhạc khác nhau nhằm vinh danh các album, ca khúc, nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc xuất sắc nhất trong năm.

Đặc biệt, khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Grammy năm nay phải kể đến sự khẳng định nữ quyền mạnh mẽ với sự góp mặt của những nghệ sĩ nữ tiêu biểu cùng cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong lễ trao giải Grammy

Lịch sử Grammy và những điều chưa ai biết

Giải Grammy (tên sơ khai Gramophone Awards hay đơn giản Grammy) là một giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực âm nhạc toàn thế giới được tổ chức bởi viện Thu âm nghệ thuật và Khoa học quốc gia của Hoa Kỳ cho những thành tựu xuất sắc trong ngành công nghiệp thu âm.

Trước tiên, ý tưởng về giải Grammy có bắt đầu từ dự án Đại lộ danh vọng 1950. Cùng với đó, viện Thu âm nghệ thuật và Khoa học quốc gia của Hoa Kỳ (NARAS) đã được thành lập.

Nhằm tôn vinh những cống hiến của các nghệ sĩ cho ngành công nghiệp âm nhạc, NARAS đã quyết định tạo ra một giải thưởng tương tự như giải thưởng Oscar (phim), Emmy (truyền hình) hay Tony (nhà hát).

Sau khi đã có quyết định thành lập, Viện gặp rất nhiều khó khăn trong việc đặt tên gọi. Ban đầu, có ý kiến cho rằng nên lấy tên giải là Eddie – tên của nhà phát minh của máy ghi âm Thomas Edison.

Tuy nhiên, cuối cùng, họ quyết định sử dụng tên của sáng chế của Emile Berliner, chiếc máy hát nhạc (gramophone), được đưa ra lần đầu tiên cho năm 1958.

Vào ngày 4/5/1959, lễ trao giải Grammy lần đầu tiên được tổ chức tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills California và Park Sheraton Hotel ở New York City nhằm tôn vinh và tỏ lòng kính trọng những thành tựu âm nhạc của các nghệ sĩ nổi danh trong năm 1958.

Trong năm đó, đã có 28 giải Grammy đã được trao.

Trước khi phát sóng Grammy trực tiếp lần đầu tiên vào năm 1971 trên kênh ABC. Vào năm 1973, hãng CBS đã mua lại quyền phát sóng sau khi dời buổi lễ đến Nashville, Tennessee.

Các giải Grammy thường được tổ chức vào chủ nhật thứ hai của tháng 2 (ngoại trừ ngày 14/2 là ngày Valentine, bất cứ khi nào ngày 14/2 rơi vào ngày chủ nhật thì giải Grammy được dời vào ngày 15/2) hoặc được tổ chức vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng Giêng trong những năm mà Thế vận hội mùa đông diễn ra.

Cúp Grammy và những chiếc túi lạ kỳ

Truyền thống trao cúp hình chiếc máy quay đĩa cho các nghệ sĩ đoạt giải Grammy của viện Thu âm nghệ thuật và Khoa học quốc gia Mỹ (NARAS) bắt đầu từ năm 1976, khi đó do bậc thầy đúc khuôn Bob Graves - người truyền nghề cho Billings - chịu trách nhiệm chế tác theo phương thức thủ công. Sau khi thầy Graves qua đời vào năm 1983, Billings chính thức tiếp quản công việc này.

Hàng năm, tại một studio gần San Juan, Ridgway, Colorado, nghệ nhân John Billings chỉ đạo đội thợ 3 người làm ra những chiếc cúp Grammy mạ vàng danh giá nhất làng nhạc thế giới.

Dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn đảm bảo mỗi năm cho ra đời 30 chiếc cúp, trong đó mỗi chiếc đều được mạ vàng 24k thủ công và mất 15 giờ đồng hồ chế tác.

Để có được chiếc cúp mang hình dáng máy quay đĩa thần thái, Billings đã phát triển một hợp kim kẽm có tên đã được đăng ký thương hiệu là grammium.

Sau khi hoàn thiện, mỗi chiếc máy quay đĩa Grammy nặng khoảng 1,9 kg và cao gần 22 cm.

Hơn 40 năm đeo đuổi nghề, Billings chia sẻ giây phút khiến ông tự hào nhất chính là lúc danh ca Bob Dylan đoạt chiếc cúp vàng Thành tựu Trọn đời do chính tay ông chế tác.

Trong giây phút đó, ông được chứng kiến người thần tượng lâu năm cầm trên tay sản phẩm của mình nên không thể kìm được những giọt nước mắt hãnh diện.

Sau khi NARAS chính thức công bố danh sách người chiến thắng, đội thợ của Billings sẽ dùng tia laser để khắc tên chủ nhân giải thưởng lên thân cúp rồi đóng gói chúng.

Đích thân Billings sẽ vận chuyển chúng tới văn phòng của NARAS ở Santa Monica. Các nghệ sĩ đạt giải sẽ nhận được chiếc cúp khắc tên mình trong vòng 60 ngày sau buổi công bố.

Khi đến lễ trao giải Grammy, các sao sẽ được nhận 20 món quà đựng trong chiếc túi trị giá 680 triệu đồng.

Distinctive Assets là một công ty marketing ở Los Angeles nhận nhiệm vụ sắp xếp những túi quà tặng tại lễ trao giải Grammy dành cho các sao đến tham dự. Có khoảng 40 món đồ trong chiếc túi có tổng trị giá lên tới 30.000 USD (tương đương 680 triệu đồng).

Ảnh minh họa

Trong đó có 1 khóa học pha rượu trị giá 5.100 USD (115 triệu đồng) tại trung tâm Liquor Lab; một cuốn sách dạy nấu ăn "Cook Yourself Happy: The Danish Way"; một tấm thẻ dịch vụ y tá Gigi trị giá 4.500 USD (100 triệu đồng) dịch vụ của y tá Gigi; dịch vụ xem bói; tấm thẻ sử dụng dịch vụ tại Golden Door Spa ở California trị giá 8.850 USD (200 triệu đồng); áo thun của công ty Cotton Canary; serum dưỡng da Healing Saint Luminosity Skin Serum trị giá 2.316 USD (52 triệu đồng); thiết bị làm sạch tai của hãng Clear Ear; mẫu thử nước hoa được đặt theo tên bài hát các ca sĩ nổi tiếng; một khóa học diễn xiếc tại rạp Le Petit Cirque; dịch vụ làm trắng răng tại Smile Direct Club trị giá 1.900 USD (43 triệu đồng); dịch vụ di chuyển hành lý của hãng Alpha Priority Worldwide trị giá 1.500 USD (34 triệu đồng); sách dạy kỹ năng sống; kem nền Oxygenating Foundation không gây tắc lỗ chân lông trị giá 1.200 USD (27 triệu đồng); mỹ phẩm chống lão hóa của hãng Evolved Science trị giá 825 USD (18 triệu đồng); khóa huấn luyện kỹ năng đứng trước công chúng trị giá 500 USD (11 triệu đồng)l; Đàn guitar trị giá 450 USD (10 triệu đồng); máy cho thú cưng ăn tự động bằng Wi-Fi; nước chanh pha chế Southern Wicked Lemonade Moonshine và một dòng nhắc nhở hãy biết ơn cuộc sống.

Những con số thú vị về Grammy

"Ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson và ban nhạc Rock Latin Santana là hai ứng cử viên Grammy "nặng ký" nhất mọi thời đại từng đạt 8 cúp Grammy ngay trong một đêm trao giải (Jackson năm 1984 và Santana năm 2000).

"Ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson cũng là nghệ sĩ có nhiều đề cử nhất trong 1 đêm với 12 đề cử.

Ban nhạc latin rock Santana đại thắng với 8 giải Grammy

Năm 2012, "họa mi nước Anh" Adele và "ong chúa" Beyoncé cũng làm xôn xao các mặt báo lớn khi giành liên tiếp 6 giải Grammy.

Nhạc trưởng người Anh Georg Solti là nam nghệ sĩ đạt nhiều giải Grammy nhất (31 lần) và danh ca dòng nhạc Bluegrass - Alison Krauss là nữ nghệ sĩ đạt nhiều giải Grammy nhất (27 lần).

Nhạc trưởng Georg Solti

Alison Krauss (bên phải) và Robert Plant

"Nữ hoàng nhạc Soul" Aretha Franklin và danh ca khiếm thị Stevie Wonder lập kỷ lục về số lần trình diễn nhiều nhất tại lễ trao giải Grammy, mỗi người 11 lần.

Stevie Wonder

"Nữ hoàng nhạc Soul" Aretha Franklin

Brian McKnight là nghệ sĩ có nhiều đề cử nhất nhưng không đoạt giải nào, với 16 đề cử.

Jay-Z là nghệ sĩ nhận được 9 đề cử trong 1 đêm nhưng lại không đoạt giải.

Quincy Jones giữ kỷ lục cho nghệ sĩ có nhiều đề cử Grammy nhất với 79 đề cử.

LeAnn Rimes là nghệ sĩ trẻ nhất thắng giải Grammy khi chỉ 14 tuổi.

George Burns là người lớn tuổi nhất đã đoạt giải Grammy ở tuổi 94. Trong buổi lễ trao giải Grammy năm 1991, ông đã đoạt giải Grammy cho Album Kể chuyện hay nhất với album Gracie - A Love Story.

Phiên bản cúp dùng tại lễ trao giải trực tiếp thường là đồ giả để mọi người thoải mái ôm ấp hay có lỡ tay làm rơi thì cũng không ảnh hưởng. Tính tới năm 2009 đã có 7.578 cúp Grammy được trao cho các nghệ sĩ.

BTS là ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên góp mặt ở Grammy 2019 với tư cách người trao giải

Minh Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-con-so-thu-vi-ve-grammy-a421745.html