Những con số không tưởng!

Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS học sơ cấp, trung cấp và 40% tốt nghiệp THPT học CĐ, là mục tiêu mà đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này là bất khả thi.

Học sinh Trường TC Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương - Ảnh: M.Q

Đề án này cũng đề ra đến năm 2025, các con số sẽ lần lượt là 40% và 45% cho từng bậc học.

Thực tế chỉ dưới 10 - 20%

Từ 7 năm trước, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị đã có nội dung về tăng cường phân luồng học sinh (HS) sau THCS. Theo đó, đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Thời điểm đó cho tới năm 2017, học nghề bao gồm hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc Bộ GD-ĐT) và hệ thống dạy nghề (các trường CĐ, TC nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH).

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho biết giai đoạn 2011 - 2017, khi quy mô TCCN có năm cao nhất lên đến 650.000 chỉ tiêu thì tuyển đầu vào THCS mỗi năm chỉ được khoảng hơn 30.000 HS. “Nếu tính trên tổng số 1,2 - 1,3 triệu HS bậc THCS hằng năm thì tỷ lệ đó chỉ khoảng 2,4%, cộng thêm với số lượng học CĐ, TC nghề nữa thì được khoảng 6 - 7%”, ông Vinh thông tin.

Tại TP.HCM, năm 2017 có khoảng 70.000 HS tốt nghiệp THCS. Thế nhưng, theo số liệu từ năm học trước, số lượng HS vào học các trường TC, CĐ cũng chỉ khoảng gần 10%. Năm nay, có khoảng 87.000 HS thi vào lớp 10, thì tổng chỉ tiêu tại các trường THPT công lập là 65.000. Sẽ có 22.000 HS không trúng tuyển còn lại đang được hàng trăm trường THPT ngoài công lập chào đón, ngoài ra còn rất nhiều trung tâm GDTX cũng sẵn sàng tiếp nhận những ai rớt cả công lập lẫn ngoài công lập. Vậy còn nguồn nào cho các trường TC và CĐ có tuyển TC?

Trong khi đó, con số 40% HS tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học CĐ cũng được cho là một con số “trong mơ”. Chẳng hạn, năm 2017 có 860.000 HS tốt nghiệp THPT thì có khoảng hơn 200.000 thí sinh vào học CĐ, chỉ đạt hơn 20%.

Theo GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong nhiều năm qua Bộ GD-ĐT luôn cố gắng hết sức triển khai lộ trình phân luồng theo Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị nhưng không làm được do nhiều bất cập. Hằng năm chỉ có khoảng 5 - 7% HS tốt nghiệp THCS vào học các trường TC.

Tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cũng cho biết những năm qua tỷ lệ vào lớp 10 luôn đạt chỉ tiêu nhưng tỷ lệ vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì không thực hiện được. “Mỗi năm chỉ có khoảng 60 - 70 em tốt nghiệp THCS vào học nghề trên tổng số hơn 6.600 HS. Nếu đúng như chỉ tiêu của Chỉ thị 10 đề ra, thì lẽ ra phải là 2.000”.

Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cũng thông tin, hằng năm tỉnh có khoảng 20.000 HS tốt nghiệp THCS thì có 85% HS vào lớp 10 công lập và các trung tâm GDTX. 15% còn lại, có HS vào trung cấp, có người đi làm xa...

Phân cấp chứ chưa phân luồng

Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, nhìn nhận: “Dường như chúng ta lâu nay mới chỉ phân cấp chứ chưa phân luồng. Mới chỉ đặt ra mục tiêu có bao nhiêu HS sẽ vào bậc ĐH, bao nhiêu vào bậc CĐ, bao nhiêu TC, chứ chưa thực sự tạo ra “luồng” cho người học theo”.

Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng ở Singapore, Bộ Nhân lực xác định luôn tỷ lệ HS đi theo các con đường giáo dục nghề nghiệp khác nhau sau 10 năm học. “Ví dụ, Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) hằng năm nhận khoảng 25%, ĐH 40%, và trường TC (Junior College 2 năm) là 30%. Sau khi tốt nghiệp có thể đi làm hoặc học tiếp lên ĐH. Vì thế, để đảm bảo tính đồng bộ, chúng ta rất cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số HS tốt nghiệp THCS hoặc bỏ học ở THCS và số tốt nghiệp THPT để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực HS chuẩn xác, để đưa ra các khuyến cáo”.

Cả một thách thức

Với mục tiêu đặt ra, ông Vinh cho rằng hiện nay có hơn 12.000 trường THCS và THPT, nếu mỗi trường tối thiểu 1 giáo viên, thì trong vòng 2,5 năm nữa, chúng ta phải đào tạo trên 12.000 giáo viên hướng nghiệp. Mỗi năm phải đào tạo khoảng hơn 4.000 người có đủ năng lực tư vấn hướng nghiệp là cả một thách thức.

Bà Trang Thủy lo ngại: “Hiện nay, hướng nghiệp tại trường phổ thông không những không bài bản mà còn lệch lạc. Giáo viên vẫn định hướng cho HS trường CĐ, TC chỉ dành cho HS trung bình, yếu, còn HS khá giỏi thì nên vào ĐH. Như vậy là không đúng. Hướng nghiệp là phải định hướng cho các em học cái gì phù hợp với sở thích, hoàn cảnh, điều kiện sống, nhu cầu nhân lực…”.

Ngoài ra, việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành khiến cho việc phân luồng cũng không hiệu quả. Bà Thủy nêu rõ: “Trong tờ phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia, chỉ có nguyện vọng học ĐH và CĐ sư phạm. Còn các nguyện vọng học CĐ, TC thì sao? Tại sao để những HS có nhu cầu học CĐ, TC thiệt thòi khi phải tìm hiểu thêm ở một kênh thông tin khác, đăng ký vào một bộ hồ sơ khác?”.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-con-so-khong-tuong-971486.html