Những con số 'biết nói'

Một khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tại một số trường nội và ngoại thành Hà Nội năm 2018, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 con số lên tới 39%.

Công khai như không có ai xung quanh (Ảnh minh họa)

Công khai như không có ai xung quanh (Ảnh minh họa)

Giật mình với học sinh quan hệ tình dục và nạo phá thai

Ông Trần Thành Nam (Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo nghiên cứu của ông và đồng nghiệp, trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục thì có đến 29,5% các em nam không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất; chỉ có 8% các em học sinh nữ nói rằng mình có sử dụng ít nhất một hình thức “phòng tránh thai” nào đó, nhưng đáng lo ngại là trong số đó có không ít em tránh thai bằng những phương pháp “truyền miệng” như uống nước chanh sau khi quan hệ; quan hệ bằng tư thế đứng; vắt chanh “khử trùng” vào vùng kín ngay sau khi quan hệ...

Thống kê này có thể làm choáng váng nhiều bậc phụ huynh, nhưng với các chuyên gia tâm lý thì con số thực tế có thể còn cao hơn nữa. Theo nghiên cứu quốc gia về vị thành niên và thanh niên năm 2010, độ tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu ở Mỹ là 18, ở Việt Nam cũng là 18 tuổi, tuy nhiên, tỷ lệ nạo phá thai ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 1 trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á. Còn theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) mỗi năm, nước ta có khoảng 300.000 ca phá thai trong độ tuổi 15 - 19.

Đáng nói, khoảng 10% học sinh THPT báo cáo đã quan hệ với từ 3 người trở lên, khoảng 15% các em có sử dụng các chất kích thích bao gồm cả rượu, các dạng ma túy trong khi quan hệ .

Những số liệu điều tra khác cho biết có khoảng 20% học sinh THPT đã từng trải nghiệm bị quấy rối tình dục học đường nhưng 80% trong số đó xác định rằng đó chỉ là hành vi tán tỉnh hoặc chọc ghẹo. Khoảng 25% học sinh báo cáo mình đã từng bị bắt nạt, quấy rối qua email, điện thoại, gửi ảnh chế sexy, liên tục nhắn tin hẹn hò, dọa dẫm sẽ phá hủy mối quan hệ với người yêu… 1/3 học sinh nữ cho biết đã từng bị người yêu gây áp lực gửi ảnh khỏa thân; bán khỏa thân hay chụp cận cảnh các bộ phận nhạy cảm như một cách thức chứng minh tình yêu.

Cần giáo dục đúng và đủ chứ không nói cho qua

Thực tế hiện nay cho thấy, chính người lớn đang né tránh việc giáo dục giới tính, tình dục cho trẻ, thậm chí với nhiều gia đình, đây là điều cấm kỵ vì cho rằng làm như vậy là “vẽ đường cho hươu chạy”. Theo ThS, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (khoa Tâm thể, Bệnh viện quận Thủ Đức TPHCM) dù thả lỏng, không quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý của con, hay quản lý chặt chẽ hết mức có thể cũng đều là những hình thức cho thấy, các bậc phụ huynh không có khả năng trò chuyện, truyền thụ kiến thức giới tính với con.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn đánh đồng “con học giỏi” = “con ngoan” trong khi nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt và không liên quan đến nhau. Họ đã từng tiếp xúc với không ít học sinh học rất giỏi, luôn đứng trong top đầu của lớp của trường nhưng đã từng thử qua nhiều tệ nạn, từ hút thuốc đến cần sa, uống rượu, mại dâm, quan hệ tình dục trước tuổi. Các em học giỏi không có nghĩa là các em không có rung động, không có nhu cầu sinh lý và điều tất yếu sẽ xảy ra nếu không có sự hướng dẫn và can thiệp đúng đắn.

Nhiều phụ huynh thấy sốc khi cho rằng con mình chỉ biết học, được cha mẹ đưa đón mỗi ngày, không hề tiếp xúc với các nhóm người xấu nên không thể hư. Các em “hư sớm” không phải do tiếp xúc đối tượng xấu mà sự len lỏi của những thông tin xấu trên mạng Internet khiến cho bức tường trường học không còn đủ vững để bảo vệ học sinh. Vẫn là “con ngoan, trò giỏi” nhưng khi chỉ có học sinh với nhau, các em nói chuyện gì, bàn luận chủ đề nào, gia đình và thầy cô không thể kiểm soát.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến nhận định, chính vì sự “đóng khung” về học sinh giỏi, học sinh ngoan của cha mẹ, thầy cô đã khiến trẻ không dám nói chuyện không dám cởi mở với người lớn. Điều đó dẫn đến những hệ quả tiêu cực như khi gặp sự cố, các em lúng túng tự tìm các nguồn thông tin không chính thống để xử lý hoặc tệ hơn, tìm đến cách tự hủy hoại bản thân.

Chính vì thế, gia đình, nhà trường và xã hội trước tiên cần phải thay đổi với những suy nghĩ sai lầm của bản thân về việc giáo dục giới tính, tình dục cho các em. Cần đấu tranh với suy nghĩ nói về vấn đề này là “vẽ đường cho hươu chạy” mà cần phải “vẽ cho hươu chạy đúng đường”, bởi các em cần người lớn nói cho ra vấn đề chứ không phải nói cho qua.

Theo các chuyên gia tâm lý, cần chuẩn bị giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục cho trẻ từ rất sớm. Trẻ 3 tuổi phải biết gọi tên chính xác các bộ phận cơ thể bao gồm cả bộ phận sinh dục, biết những bộ phận riêng tư trên cơ thể cũng như sự khác biệt giữa bé trai và bé gái.
Ở 4 - 5 tuổi, trẻ cần được dạy về chức năng của các bộ phận trên cơ thể, dạy trẻ về những động chạm an toàn và không an toàn, dạy trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân trước người lạ.
Ở độ tuổi 6 - 10, phải cung cấp các thông tin cơ bản về hệ thống sinh sản, quá trình dậy thì và những thay đổi thể chất, các xu hướng tình dục khác nhau (đồng tính, song tính, dị tính)…
Từ 11 tuổi trở lên, cần giáo dục trẻ về tình yêu là gì, quan hệ tình dục, quan hệ trước hôn nhân, trách nhiệm và tình dục an toàn. Đồng thời cần dạy trẻ kỹ năng lựa chọn các kênh thông tin phù hợp, kiểm tra độ tin cậy của thông tin khi tìm hiểu về tình dục và những vấn đề các em quan tâm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nhung-con-so-biet-noi-4046303-b.html