Những con số biết nói về thị hiếu người dùng ô tô Việt Nam

Khác với nhu cầu tiêu dùng những năm trước, tháng 1-2019 đã bao quát được thị hiếu về ô tô của người Việt Nam đang thay đổi bằng những con số biết nói.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 1-2019, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp trực thuộc VAMA đạt hơn 33.400 xe. Ngạc nhiên nhất là doanh số các dòng xe du lịch đang tăng rất mạnh, khoảng 47% so với cùng kỳ tháng 1-2018 và 14% so với tháng 12-2018 khi đạt mức tiêu thụ gần 27.400 chiếc.

Kèm theo đó, số liệu được bán ra từ Hyundai Thành Công (doanh nghiệp này chưa phải là thành viên của VAMA) với 6.800 xe bán ra trong tháng 1. Dẫn đến tổng doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam tháng 1 đạt hơn 40.200 chiếc, trong đó riêng doanh số xe du lịch là 33.500 chiếc, tương đương với trên 84% tổng tiêu thụ xe hơi toàn thị trường.

Toyota Fortuner đã không còn là dòng xe được yêu thích nhất. Ảnh:Internet.

Toyota Fortuner đã không còn là dòng xe được yêu thích nhất. Ảnh:Internet.

Tháng 1-2019, thị trường cũng có sự biến động mạnh ở lượng xe nhập khẩu khi tiêu thụ đạt 14. 680 xe, tăng hơn 166% so với cùng kỳ năm ngoái (so với doanh số bán xe trong nước đạt 18.800 xe, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ).

Cùng thời điểm này, có một số dòng xe có sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Theo báo cáo của VAMA cho thấy 12 mẫu xe bán chạy nhất thị trường (với doanh số trên 1.000 chiếc) nổi lên là các mẫu xe thuộc phân khúc SUV như: Honda CRV (2.800 xe), Mazda CX5 (2.100 xe), Cerato (1.600 xe); Fortuner; Ford Ranger; Mitsubishi Xpander, rồi đến các dòng xe khác như: Mazda 3 (1.900 xe); Toyota Vios (1.900 xe) và các dòng xe phổ thông như: Hyundai i10, Accent. City; Kia Morning.

Khảo sát thị hiếu người tiêu dùng ô tô tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, người dùng chuyển nhu cầu sử dụng xe từ phân khúc A chuyển qua phân khúc SUV rất nhiều. Vì dòng xe này có thể vừa phục vụ được cho gia đình đông đủ đi lại, vừa có cấu tạo mạnh mẽ cho các chuyến du lịch đi chơi xa. Và thói quen ưa chuộng dòng xe Toyota vẫn được giữ nguyên.

Anh Nguyễn Trung Dũng (Phú Nhuận) chia sẻ: "Gia đình tôi có bốn người, nếu mua dòng xe nhỏ thì không có chỗ đựng đồ dùng khi đi chơi xa. Cho nên tôi cứ mua Fortuner cho nó tiện. Đi đường dài cũng êm và thoải mái hơn".

"Hiện tượng" mới của thị trường ô tô Việt Nam đến từ Mitsubishi Xpander. Ảnh:Internet.

Vì vậy, nhỉnh hơn khoảng 1.000 xe, Toyota Việt Nam giữ được vị trí số 1 về ô tô du lịch với gần 7.600 xe bán ra so với hơn 6.800 xe bán ra của Hyundai Thành Công.

Honda Việt Nam, nhờ doanh số tăng trưởng đáng kinh ngạc của CR-V, đã vượt Ford Việt Nam vươn lên vị trí đứng thứ 3 với tổng số 4.383 xe bán ra; Ford Việt Nam đứng thứ 4 với 3.401 xe (trong đó khách hàng vẫn lựa chọn dòng xe bán tải Ford Ranger rất nhiều với 1.546 xe).

Cũng từ đây cho thấy, một diễn biến lạ của thị trường tiêu thụ ô tô tại Việt Nam. Người dùng không chỉ dành sự ưu ái cho riêng Toyota nữa, mà còn lựa chọn một số mẫu xe khác đến từ các hãng như Honda, Hyundai, Mitsubishi…

Đặc biệt, Honda tạo nên điều bất ngờ lớn nhất trên thị trường ô tô Việt đầu 2019 với 2.800 xe. Với kết quả này CR-V không những vượt đối thủ sừng sỏ Mazda CX-5, CR-V còn soán ngôi vương xe bán chạy nhất thị trường của Toyota Vios. Mặc dù, để sở hữu chiếc xe này trước Tết các khách hàng đều phải chấp nhận mua đắt thêm vài chục triệu, hoặc “kèm” phụ tùng lên tới hơn trăm triệu.

Mẫu Hyundai Santa Fe cũng không kém cạnh, mẫu xe lắp ráp trong nước của Hyundai Thành Công cũng là cái tên gây “biến động” thị trường ô tô tháng đầu năm khi bám đuổi ngang ngửa với mẫu xe nhập khẩu rất được ưa chuộng tại Việt Nam Toyota Fortuner. 836 xe đến tay khách hàng chỉ sau chưa đầy 1 tháng một tháng ra mắt. Trong khi đó, đã có một group được thành lập trên mạng xã hội nhằm tẩy chay dòng xe do hiện tượng “bia kèm lạc”, nhưng doanh số bán ra của Hyundai Santa Fe cũng làm nên kỷ lục.

Mitsubishi Xpander cũng trở thành “hiện tượng” chỉ tháng đầu năm 2019 đã bán được tới 1.295 xe (gấp đôi so với đối thủ Avanza và Rush của Toyota chỉ là 665 xe). Mặc cho đàn anh của mình là Mitsubishi Outlander đầu năm (10-1-2019) bị triệu hồi.

Một điều thay đổi không nhỏ đến từ Ford EcoSport, Ford EcoSport đã phải nhường vị trí này cho đối thủ Hyundai Kona. Với 684 xe đến tay khách hàng trong tháng đầu 2019, Hyundai Kona lần thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 10-2018 có lượng bán hàng vượt mẫu xe của Ford (485 xe).

Từ những con số trên cho thấy, thị hiếu tiêu dùng ô tô tại thị trường Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Dòng xe nào mang đến cho khách hàng những nhu cầu thực tế thì sẽ hấp dẫn được khách hàng hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đồng cho biết: “Khi mà các loại xe rất đa dạng, thì Toyota không còn là độc quyền về chất lượng. Hơn nữa, kiểu dáng của Toyota đã cũ (khoảng 20 năm), bây giờ các dòng xe khác như Kia, Madaz, Hyundai hay Ford cũng có kiểu dáng đẹp và chất lượng cao, đặc biệt có tên tuổi bên Mỹ, châu Âu. Dẫn đến người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, phục vụ được sự yêu thích của chính họ thì họ sẽ chọn”.

Thy Nhung

Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-va-luat/nhung-con-so-biet-noi-ve-thi-hieu-nguoi-dung-o-to-viet-nam-818772.html