Những con số ấn tượng qua hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ

Qua hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ (Techdemo) đã kết nối rất nhiều hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp giá trị.

Kết nối cung - cầu công nghệ đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu. Đồng thời huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống.

Qua hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ (Techdemo) đã cung cấp chính sách, các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

1. Doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu được tôn vinh năm 2018.

1. Doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu được tôn vinh năm 2018.

Đánh giá về hiệu quả của Techdemo, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, bắt đầu từ năm 2011, đến nay Techdemo đã qua 10 kỳ tổ chức tại các vùng trên cả nước: Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Bộ; Nam Trung Bộ Tây Nguyên; Miền núi và Trung du Bắc Bộ…

Qua đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tiếp nhận 760 loại nhu cầu công nghệ; tìm kiếm và cung cấp thông tin 3.100 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp; 300 chuyên gia theo nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, lựa chọn trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN các tỉnh/thành phố.

Cùng đó, hỗ trợ thực hiện 739 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến, chuyển giao công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu (bắt đầu từ năm 2015) với sự tham gia của trên 150 lượt chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.

Thông qua hoạt động tư vấn kỹ thuật đã giúp nhiều đơn vị tháo gỡ các khó khăn về kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để canh tranh tốt hơn trên thị trường nội địa. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã được tư vấn, hướng dẫn tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, chương trình hợp tác với nước ngoài như: Công ty VNFood, Công ty Danapha, Tập đoàn Trường Hải,... với tổng kinh phí 278 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, qua Techdemo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã hỗ trợ kết nối 129 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết hơn 1.757,7 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án sản xuất Allokin-alpha (công nghệ sinh học trong lĩnh vực y sinh) của Công ty Alloferon Nobel Hàn Quốc ký với Công ty AT Pharma về chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc miễn dịch; Công ty KangJin Tech Hàn Quốc ký với Công ty TNHH Việt Solar Bắc Ninh chuyển giao công nghệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sâm thủy canh kết hợp với xây dựng dự án năng lượng mặt trời tại Hòa Bình; Công ty TNHH điện Sangyoung Hàn Quốc ký với Trường Đại học Cửu Long Việt Nam về dự án nhà máy sản xuất pin mặt trời;…

Cùng đó là kết nối cung - cầu công nghệ với các đối tác nước ngoài. Techdemo đã xác định nguồn cung công nghệ nước ngoài và tổ chức kết nối cung - cầu công nghệ cho nhiều doanh nghiệp Việt với các đối tác nước ngoài, kết nối ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến từ các nước vào Việt Nam.

1. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng các đại biểu tham quan Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ - Điểm đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, trên cả nước đã có 9 điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), Phú Yên, Nghệ An, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù các điểm này mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 đến năm 2018 nhưng đã thực hiện hiệu quả việc xúc tiến hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước. Cùng đó đã tổ chức gần 200 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung cầu; tiếp đón trên 10.000 lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 300 sản phẩm KH&CN; ký kết thành công hơn 30 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng; kết nối với các chuyên gia nước ngoài để đào tạo Điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam.

Có thể thấy hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã có những tác động tích cực đến từng đối tượng cụ thể, góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống.

Techdemo 2019 sẽ được tổ chức tại Gia Lai với chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Cùng đó nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiêp, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Đây là năm đầu tiên có sự kết hợp kết nối công nghệ với hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai. Điều này thể hiện vai trò của hoạt động đổi mới công nghệ trong các dự án đầu tư của doanh nghiệp, tạo động lực, cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Thu Hiền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nhung-con-so-an-tuong-qua-hoat-dong-trinh-dien-ket-noi-cung-cau-cong-nghe-590224.html