Những con người nặng lòng với quê hương

Có nhiều cách khác nhau để những người Việt Nam xa Tổ quốc thể hiện tình yêu đất nước, đồng bào mình tại quê nhà, như đầu tư trực tiếp về nước, vận động các doanh nghiệp (DN) hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không ít Việt kiều lại chọn cho mình con đường trở về nước để xây dựng quê hương.

Tuổi trẻ người Việt khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tổ quốc.

Tuổi trẻ người Việt khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tổ quốc.

Đau đáu nỗi niềm xây dựng Tổ quốc

Cách đây chừng 50 năm, ông Huỳnh Hữu Tuệ đi du học tại Canada rồi ở lại đó làm việc. Năm 1969, ông trở thành giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Laval (bang Quebec, Canada), ông lập gia đình với bà Carole- một phụ nữ bản xứ hiền hậu, họ có với nhau hai người con. Cuộc sống ở Canada khá ổn định nhưng trong lòng ông lúc nào cũng nặng lòng với quê hương, nhất là cố đô Huế, nơi dòng họ Huỳnh Hữu được nhiều người biết đến như một dòng dõi nho gia yêu nước.

Sau 30 năm xa xứ, ông trở về Việt Nam theo các hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Canada. Với khả năng và tâm huyết, ông nghĩ mình có thể đóng góp phần nào cho quê hương và từ đó ông khởi đầu một hành trình dạy học rất đặc biệt.

Từ 1977 đến nay, ông Tuệ về nước với vai trò là một nhà khoa học tham gia hỗ trợ trong nước. Ông giảng dạy ở Đại học Bách Khoa về môn điều khiển ngẫu nhiên, ở Đại học Huế về chuỗi ngẫu nhiên, tại các trường Đại học ở Sài Gòn những năm 1980 về mạng cục bộ. Tháng 6/2005, GS Huỳnh Hữu Tuệ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, thuộc trường Đại học công nghệ, ĐHQG Hà Nội, ông cũng là trí thức Việt kiều đầu tiên giữ chức vụ chủ nhiệm một bộ môn tại một trường Đại học tại Việt Nam. Lần nào ông về nước cũng cố gắng “cõng” theo rất nhiều sách. Từ năm 1997 đến nay, ông Tuệ đã đưa về trong nước trên 1.000 cuốn sách quý.

Khác với GS Huỳnh Hữu Tuệ, vợ chồng bà Hồ Thị Dự và ông Cheng Chinh Chi (người dân quen gọi là A Sị, đến từ Đài Loan, Trung Quốc) ở xã An Thạnh Nhứt, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng tự làm giàu và giúp nhiều nông dân vươn lên từ cây xoài ghép. Kể về mối lương duyên của mình, A Sị cho biết, ông sinh năm 1955, trước đây theo học ngành xây dựng và thầu các công trình nhỏ ở Đài Loan. Đầu năm 1990 khi sang Việt Nam thực hiện một số công trình ở Sóc Trăng, ông gặp cô thôn nữ Hồ Thị Dự. Năm 1994, họ nên vợ nên chồng rồi qua Đài Loan sinh sống.

Năm 2003, cả xã An Thạnh Nhựt bất ngờ khi cả hai vợ chồng bà Dự về đây định cư, thuê đất trồng xoài. Hơn một năm sau, họ mang về “một đống củi”, thực ra đó là những mầm cây, làm nhiều người dân không khỏi nghi ngờ về sự thành công của nó. Chừng một tháng sau, người dân ngạc nhiên với kết quả 2 ha xoài ghép của bà Dự đạt tỷ lệ mầm sống gần 100%, các nhánh đều cho ra lá xanh um tùm.

Sau thời gian thử nghiệm thành công với kiểu ghép mầm, vợ chồng bà Dự thuê thêm đất và tăng diện tích trồng xoài lên 7 ha. Đến nay, với khoảng 10 ha xoài ghép, mỗi năm vợ chồng bà thu hoạch hơn 100 tấn xoài, trừ chi phí ra, lãi trên 1 tỷ đồng. Ông Lê Hoài Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhứt cho rằng: “Vợ chồng bà Dự không chỉ là nông dân giỏi mà còn đóng góp nhiều cho địa phương, từ việc tạo công ăn việc làm tới việc truyền nghề trong trồng trọt. Có lúc không cần địa phương đến vận động, cả hai người đã chủ động tới xã hỏi xem có đóng góp làm cầu, làm đường gì không rồi tự nguyện đóng góp”.

Còn ông Quang Lê (Lê Đình Quang), Việt kiều Mỹ, đến với công việc rà phá bom mìn ở miền Trung Việt Nam một cách tình cờ và tự nhiên sau hàng chục năm hành nghề kiến trúc sư ở Mỹ. Ông Quang Lê đã trở về Việt Nam tìm niềm vui bằng một dự án trồng rừng. Ông kể, khoảng 15 năm trước, khi đang trồng rừng tại Hòa Bình, ông nhận được điện thoại từ một người bạn có tên là George Wittler về một đề xuất tham gia tổ chức phi chính phủ có tên là PeaceTrees Việt Nam - Cây hòa bình Việt Nam (CHBVN), có trụ sở tại bang Washington. Khi đó, CHBVN đang xây dựng một Trung tâm giáo dục nhận thức về bom mìn tại Đông Hà (Quảng Trị) và ông đã đồng ý tình nguyện giúp đỡ tổ chức này từ ngày ấy. Đến tháng 11/2000 ông Quang Lê đã chính thức làm công việc rà phá bom mìn này hàng ngày tại vùng đất đầy bom đạn Quảng Trị. Năm 2010, đánh dấu 15 năm tổ chức này được thành lập, 3 cá nhân của tổ chức CHBVN, trong đó có ông Quang Lê được Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc.

Thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, trong số hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, có khoảng 10% là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức, có trình độ chuyên môn cao.

Ông Nguyễn Phú Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, chính thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài đang làm thay đổi cơ cấu cộng đồng, từng bước thay thế lớp người lớn tuổi. Thế hệ trẻ này đang trở thành một đối tượng quan trọng của công tác vận động nhằm động viên khuyến khích sự hợp tác, đóng góp của họ đối với công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

Mỗi năm có trên 200 lượt tri thức gốc Việt từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Anh, Úc, Canada,…được mời hoặc tự nguyện về làm việc tại Việt Nam ở các lĩnh vực khác nhau; trong đó có một số người đã được mời làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Một số lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu composit, giáo dục-đào tạo, tài chính-kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp.

Từ khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986), kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Đi kèm với sự phát triển này là những chính sách đối với kiều bào của Nhà nước cũng được mở rộng theo hướng hợp lý hơn, điều này được thể hiện ở việc số lượng người Việt ở nước ngoài có quan hệ hợp tác làm ăn ở trong nước ngày càng nhiều, và đa dạng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt là chúng ta đã thu hút được nhiều người trong tầng lớp trí thức gắn bó với đất nước.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Gần 30 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Mỹ được Chính Phủ kêu gọi từ Australia về quê hương xây dựng đất nước. Từng ấy thời gian, ông Mỹ được biết đến là người có nhiều gắn bó với công tác kiều bào cũng như đầu tư kinh doanh. Ông Mỹ cho biết, kiều bào ta không chỉ có nguồn vốn dồi dào mà còn nhiều thế mạnh khác nhưng vẫn chưa được quan tâm sử dụng hiệu quả như nguồn lực chất xám, với nhiều nhà khoa học, chuyên gia quản lý giỏi trên nhiều lĩnh vực đặc biệt công nghệ cao; quy trình sản xuất, các bằng sáng chế, tác phong làm việc hiện đại mà họ học được bài bản ở các nước phát triển. Ngoài ra, họ còn khả năng lớn thiết lập các mối quan hệ kinh tế, tìm kiếm đối tác, làm cầu nối với các DN, tổ chức trong nước. “Nếu vận dụng được lợi thế đó mới là điều quan trọng giúp cho đất nước phát triển bền vững, chẳng kém gì nguồn vốn đầu tư”- ông Mỹ khẳng định.

Cùng gặp nhau trên quê hương Việt Nam.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực từ kiều bào, theo ông Mỹ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nước cần cung cấp nhiều hơn cơ sở dữ liệu hay thông tin về các địa chỉ, lĩnh vực đầu tư nhằm giới thiệu cho kiều bào. Bởi thực tế nhiều người khi về nước tìm hiểu đầu tư họ đều thiếu cẩm nang giới thiệu về những tiềm năng cũng như những chính sách đầu tư, chính sách hỗ trợ cho kiều bào. Vì vậy, muốn tìm được một lĩnh vực hay dự án làm ăn phù hợp, kiều bào thường mất rất nhiều chi phí và thời gian.

Trở về từ Nhật Bản, TS. Nguyễn Trí Dũng được xem như là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo “cầu nối” các DN hai nước Việt – Nhật. TS.Dũng nhận xét, Việt Nam đã ban hành không ít văn bản điều chỉnh về vấn đề này nhưng chưa đạt được mục tiêu mong muốn, môi trường đầu tư trong nước vẫn còn không ít bất cập. Trong khi đó, chúng ta chưa vận dụng tốt tiềm năng của trí thức, nên sự phát triển vẫn còn hạn chế. Cũng theo TS.Dũng, tôn trọng trí thức ở đây không nên chỉ dừng lại ở việc đãi ngộ chung chung mà phải bằng việc làm cụ thể. “Giải pháp để sử dụng trí thức Việt kiều, tôi nghĩ đó là giải pháp hai chiều, trong đó Chính phủ tạo môi trường và điều kiện, hợp lý còn chúng tôi - những Việt kiều sẽ vận động nhau đóng góp xây dựng. Đặc biệt, Nhà nước cần chủ động xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư của DN”- TS. Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Trung Kiên- người chuyên tư vấn về pháp lý cho cho rằng, về mặt tâm lý, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài thường mong muốn được xem là nhà đầu tư trong nước hơn là nhà đầu tư nước ngoài. Khi về nước đầu tư là Việt kiều thường hợp tác với những người thân, bạn bè trong nước, việc áp dụng đối xử như nhà đầu tư trong nước sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc thực hiện những thủ tục thành lập DN, đăng ký kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam, cần tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh của kiều bào, mặt khác cần giám sát việc thực thi pháp luật để tránh tình trạng “trên thoáng mà dưới chưa thông”. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm từng bước xóa bỏ các bước rườm rà để bà con kiều bào về nước đầu tư kinh doanh không còn gặp những khó khăn cản trở.

Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng theo kiều bào, trong giai đoạn tới, khi Việt Nam hội nhập, họ cần được Nhà nước giúp đỡ nhiều hơn để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư. Cũng có ý kiến cho rằng, người Việt sinh sống ở nước ngoài nhiều và số người thành công cũng không ít, vì thế, cần tạo mối liên kết chặt chẽ để kiều bào ở các nơi dễ dàng hợp tác, giúp đỡ nhau phát triển.

Ông David Dương, kiều bào Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tâm sự: “Tất cả những người Việt Nam đang sống xa quê hương đều mong muốn được trở về và đóng góp cho nước nhà. Không đâu đầu tư hiệu quả bằng quê hương mình. Cái hiệu quả đầu tiên là mình đem được khoa học công nghệ và những gì mình học được từ xứ người. Lợi nhuận về kinh tế cũng sẽ có. Tuy nhiên, muốn thu hút thêm Việt kiều trở về đầu tư trong thời điểm này, tôi nghĩ, những chính sách, luật của Nhà nước cần có nhiều hơn, khuyến khích nhiều hơn và đi sâu hơn để bà con Việt kiều cảm thấy yên tâm hơn nữa”. Ông Nguyễn Trung Thực- Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức kiến nghị, Chính phủ nên có kế hoạch và tài chính để liên kết những người Việt Nam đang kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới, đồng thời tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức về quản lý và xúc tiến thương mại - du lịch, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ ta cho họ, khuyến khích và tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài để đôi bên cùng có lợi. Hàng ngày công dân của nước sở tại đều có quan hệ mua bán, giao dịch tại các cơ sở kinh doanh của người Việt, nhất là các chợ và nhà hàng, nơi thường xuyên có nhiều người đến mua bán và sử dụng dịch vụ. Nếu các cơ sở đó đã được trang bị kiến thức về xúc tiến thương mại và du lịch, và có nhiều tài liệu cần thiết về môi trường đầu tư, địa danh du lịch của Việt Nam để quảng bá tại các cơ sở kinh doanh của họ và có quyền lợi nếu kết nối được sự hợp tác với các doanh nghiệp trong nước thì chủ doanh nghiệp người Việt tại các quốc gia sở tại sẽ là những nhân viên xúc tiến thương mại và đầu tư du lịch…thường xuyên tích cực và hiệu quả cho đối tác và thị trường trong nước. Như vậy, chúng ta không chỉ có “những ngày Việt Nam”, mà có liên tục 365 ngày Việt Nam trong năm tại các quốc gia có người Việt đang kinh doanh.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kieu-bao/nhung-con-nguoi-nang-long-voi-que-huong-tintuc435607