Những con người lặng thầm của Đội K92

Họ là những người lính thế hệ sau, được giao nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia để đưa về quê cha đất mẹ. Nhân chuyến công tác sang Campuchia, chúng tôi đã có một giờ đến thăm họ, những con người lặng thầm của Đội K92.

Tỉnh Kampot những ngày qua xuất hiện những cơn mưa trái mùa, làm cho con đường đất đỏ dẫn vào nơi đóng quân của Đội K92 lầy lội, nhiều ổ trâu, ổ gà, xe ô-tô 16 chỗ lăn bánh khá vất vả. Năm 2017, là năm thứ 17 kể từ khi Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia ký kết Hiệp định về việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. Tỉnh Kiên Giang được giao nhiệm vụ, công việc tại bốn tỉnh Kampot, Preah Sihanouk, Koh Kong và Kép. Đội K92 cũng được thành lập sau đó để thực hiện nhiệm vụ này.

Trên đường đi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang - người đã nhiều năm gắn bó với công tác chính sách người có công và quy tập hài cốt liệt sĩ tâm sự: “Đội K92 là những người lính không vũ khí, công cụ của họ là len, là cuốc, là xẻng, là những thứ có thể đào, bới đất đá. Địa bàn hoạt động của Đội K92 chủ yếu ở vùng rừng núi, xa khu vực dân cư, làm việc trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Đây là nhiệm vụ tuy vất vả nhưng rất đỗi thiêng liêng, vì vậy đòi hỏi mỗi người lính trong Đội ngoài tinh thần trách nhiệm, thì cần phải có tâm, có tình và kiên nhẫn”.

Doanh trại của Đội K92 chỉ là những căn lều tạm bợ bằng lá, bạt được dựng lên giữa một khu vườn rộng cách xa nhà dân. Những ngày qua, đi cùng với đại tá Phạm Khắc Điệp, Đội trưởng Đội K92 nhưng hôm nay chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng anh, tại “nhà”. Đại tá Điệp có gương mặt và làn da đen sạm, nhưng trông hiền lành phúc hậu. Ngày trước, đại tá Điệp có thời gian dài tham gia chiến đấu giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, nên rất am hiểu địa bàn và tiếng Campuchia, nên khi thành lập Đội K92, anh được điều động từ Thị đội Hà Tiên về làm Đội trưởng.

Đại tá Phạm Khắc Điệp cho biết, từ năm 2001 đến nay, Đội K92 đã quy tập được tổng cộng 3.691 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 1.934 hài cốt được tìm thấy ở nước bạn Campuchia, số còn lại được quy tập ở các địa bàn trong nước. Nói về đời sống, sinh hoạt của Đội, đại tá Điệp bảo, khó khăn về điều kiện sinh hoạt là đương nhiên, còn về đời sống tinh thần thì đã cải thiện nhiều. Gần đây, đơn vị được một tổ chức tặng cho ti-vi màu nên hằng ngày anh em được xem Đài Truyền hình Việt Nam. Còn radio dường như đội viên nào cũng có. Đài Tiếng nói Việt Nam như là một người bạn thân thiết lúc nào cũng thủ thỉ bên tai. Sáng thể dục, chiều thể thao, những hôm có sự kiện thì biểu diễn văn nghệ tạo không khí vui tươi khỏa lấp những vất vả, buồn phiền. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong đội đã có vợ con, nhưng phải đợi xong một đợt công tác mới được về thăm nhà, dù vậy thời buổi công nghệ thông tin phát triển khi cần là có thể nghe được giọng nói của người thân ở Việt Nam.

Còn nỗi vất vả trong công việc tìm kiếm hài cốt thì không thể nào kể hết. Thời gian ngày một lùi xa, địa hình ngày một thay đổi, thông tin về mộ chí nhiều lúc rất mơ hồ thiếu chính xác, nên khi tìm được một bộ hài cốt là biết bao mồ hôi công sức, có khi là máu của cán bộ, chiến sĩ đổ xuống. Công việc của Đội chủ yếu là làm bằng sức người mà thổ nhưỡng ở Campuchia là đất đỏ, là sỏi, là đá, chỉ có thể dùng xà-beng, cuốc chim để đào bới trong thời tiết nắng như đổ lửa. Vì vậy, những người lính ở Đội K92 có đôi bàn tay “cứng như đá” vì chai sần, làn da “bánh mật” vì cháy nắng.

Khó khăn gian khổ nhưng khí thế các anh luôn hừng hực. Tôi hỏi một chiến sĩ: “Em có thấy công việc của mình cực nhọc không?”. Em cười hiền nói: “Từng trải nỗi cực nhọc mới biết niềm vui sướng. Khi mồ hôi của mình đổ xuống để rồi tìm được những hài cốt của liệt sĩ bọn em lại vỡ òa trong niềm xúc động!”. Như vậy mà các anh chưa bao giờ nản lòng, chỉ cần nghe một thông tin dù rằng mơ hồ về mộ chí của liệt sĩ là các anh lại ba lô trên lưng, tay len, tay cuốc lên đường, băng rừng, vượt suối.

“Hiện nay, Đội K92 đã có thông tin ở 53 điểm, với 213 mộ liệt sĩ, ở 11 huyện, thành phố thuộc bốn tỉnh Kampot, Preah Sihanouk, Koh Kong và Kép. Trong mùa hè này, chúng tôi sẽ triển khai tìm kiếm, quy tập”- đại tá Phạm Khắc Điệp cho biết.

Trung úy Danh An quê ở huyện An Biên (Kiên Giang) được biên chế vào Đội K92 từ những ngày đầu Đội mới thành lập. An nhập ngũ năm 2001, vừa quen với nắng gió thao trường thì nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Là người dân tộc Khmer nên khi sang đất bạn làm nhiệm vụ An hòa đồng rất nhanh. An nghe và nói được tiếng Campuchia nên giúp ích được cho đồng đội, đơn vị nhiều việc. Hết thời gian nghĩa vụ, An được đơn vị cử đi học lái xe, trở thành quân nhân chuyên nghiệp và phục vụ Đội đến hôm nay.

Trung úy Danh An (bên phải)

Với An, anh có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với đồng đội, đồng chí, với bà con Việt kiều, người dân và những vùng đất mà dấu chân của những người lính Đội K92 đã từng đi qua. An kể, công việc của những người đi tìm hài cốt thường phải luồn lách vào tận những khu rừng sâu, ăn uống tạm bợ, ngủ trên những chiếc võng giăng tạm giữa rừng từ vài ngày đến cả tuần là thường. Hạ tầng giao thông ở Campuchia giờ tốt hơn trước rất nhiều, chứ khoảng bảy tám năm trước đường sá đi lại khó khăn, trong rừng cọp beo, cá sấu, phần tử xấu đầy rẫy. Mạng sống của những người lính phó mặc cho các lực lượng bạn bảo vệ.

An nhớ lại, hôm ấy An cùng Đội đi theo một người dân dẫn đường vào tận một khu rừng già, do thời gian lâu An không nhớ chính xác địa danh, nhưng địa bàn thuộc tỉnh Kokong. Sau khi đến khu vực thông tin có hài cốt liệt sĩ, là người công tác lâu năm, biết tiếng Campuchia, An được lãnh đạo Đội giao nhiệm vụ đưa người cung cấp thông tin vượt đường rừng ra quốc lộ bằng xe gắn máy. Khi quay trở lại, An bị lạc đường, đi vòng vo trong rừng đến xế chiều xe hết xăng, nhưng chưa tìm được đường về.

Trời sụp tối, thấy An chưa về đến, cả đơn vị bỏ bữa cơm nháo nhào đi tìm. Cách xa đó, An một mình lầm lũi, vừa dùng sức đẩy chiếc xe cà tàng vừa vắc óc tìm đường quen về đơn vị. Bụng đói, chân run, trong lòng phập phòng lo sợ thú dữ. Đến khi gặp được những đồng đội, cũng là lúc An không còn đủ sức dắt xe.

“Khi biết mình lạc đường, em rất sợ. Vì sợ nên quên mất cả hướng đi, càng đi càng xa, trong rừng không một bóng người, còn rắn rết thú hoang thì nhiều lắm!”- An nhớ lại.

Còn với thượng úy Lê Thái Vĩnh, 37 tuổi, quê ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) là một câu chuyện khác. Khi được phân công vào Đội K92, Vĩnh rất lo. Không phải Vĩnh lo công việc vất vả, cực nhọc, mà cái "lo" của Vĩnh là ý niệm mơ hồ về thế lực tâm linh.

Thượng úy Lê Thái Vĩnh kể chuyện với phóng viên.

Vĩnh kể, em nhớ lần đó cả đơn vị hành quân đến một địa chỉ được xác định để đào hài cốt. Hành quân từ sáng, đến tối mịt, lãnh đạo quyết định cắm trại ngủ qua đêm, sáng mai tiếp tục hành trình. Địa điểm dựng trại là một gò đất rộng, cả Đội và lực lượng bảo vệ có đến mấy chục người chia ra dựng lều, mắc võng. Mỏi mệt sau một ngày hành quân xa, nên khi vừa nằm xuống tất cả đều chìm vào giất ngủ rất nhanh. Đến sáng, mặt trời ló dạng mọi người xem xét lại nơi đóng quân mới biết đêm qua cả đơn vị ngủ trong một nghĩa địa, nhiều người mắc võng đong đưa trên các ngôi mộ. Và đây cũng chính là địa chỉ để đào hài cốt. “Vậy mà hên đó anh, hôm sau, ngay tại nơi tụi em ngủ đào được tổng cộng 37 bộ hài cốt. Anh em mừng vui hết cỡ, bảo nhau chắc các anh, các chú linh thiên chỉ đường phù hộ độ trì”- Vĩnh cười sung sướng.

Một giờ ở Đội K92, chúng tôi còn được nghe câu chuyện vui của một chiến sĩ tên Lộc, 22 tuổi đời, hai tuổi quân, quê ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) đang làm “anh nuôi”. Lộc kể, hôm chúng tôi đến đơn vị trình diện chỉ huy hỏi: “Trong số các cậu, ai biết nấu nướng?”. Em giơ tay ngay, thế là được “biên chế” vào tổ anh nuôi. Em cứ tưởng dễ như nấu cơm ở nhà bằng bếp điện, lò ga, ai dè ông táo ở đơn vị chỉ ba cục gạch chụm lại, nấu bằng củi trên rừng. Nồi niêu, xoong chảo cái nào cũng to đùng, lọ nghẹ bám đen thui, lương thực chuẩn bị như nấu đám, lúc đó em phát hoảng. Cũng may là trong tổ anh nuôi các anh cứng tay nghề giúp đỡ, nên cả đội không phải ăn cơm vừa khét vừa nhão do em nấu.

Anh nuôi” Lộc (trái) cùng một đồng đội đang chuẩn bị bữa trưa cho đơn vị.

Còn rất nhiều những câu chuyện đáng nhớ của những người lính Đội K92 trong cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội, hay những câu chuyện xúc động về những người mẹ, người vợ, người con khi nhận được hài cốt của con, của chồng, của cha mà các anh dự định kể cho chúng tôi nghe, nhưng do thời gian có hạn, chúng tôi đành hẹn dịp khác.

Chúng tôi bịn rịn chia tay với những người lính hằng ngày thầm lặng với công việc tìm kiếm cất bốc hài cốt đồng đội trong một chiều nắng nhạt, nhưng bên tay vẫn nghe văng vẳng tiếng nói, tiếng cười hào sảng của các anh. Lạc quan, nhưng trong lòng của cán bộ, chiến sĩ Đội K92 luôn canh cánh nỗi trăn trở về những liệt sĩ đã hy sinh vẫn chưa được tìm thấy và đau đáu nỗi lòng vì nhiều hài cốt liệt sĩ dù tìm được nhưng không xác định được danh tính. Vẫn biết các anh, các chị hy sinh vì quê hương đất nước, vì tình hữu nghị cao cả giữa hai dân tộc đâu phải để được tôn vinh nhưng sao vẫn thấy ngực nhoi nhói, mắt cay cay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phongsu/item/32892802-nhung-con-nguoi-lang-tham-cua-doi-k92.html