Những 'con ma' trên bầu trời Cairo

Xin giới thiệu phần cuối bài viết của chuyên gia Nga Archem Navilaiko với tiêu đề trên.

Kì trước: 'Con ma' và Chiến dịch 'Bình minh' trên bầu trời Ai cập

Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Vào thứ Sáu, ngày 5/9/1969, chỉ một vài giờ trước khi ngày Sa-bat (Shabbat- ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo) bắt đầu, 4 chiếc F-4E “Con ma” đã hạ cánh xuống Thánh địa (Israel).

Những ngôi sao năm cánh Mỹ ngay lập tức được sơn đè lên và trên máy bay được vẽ những ngôi sao khác- các ngôi sao sáu cánh (ngôi sao David- Israel).

Mọi việc nhanh chóng được làm rõ: chiếc máy bay mới này, mặc dù không được hưởng nhiều ân sủng như “Mirage”, nhưng lại vượt trội hơn hẳn “người Pháp” (“Mirage”) ở hầu hết mọi tính năng.

Mang nhiều bom hơn, bay xa hơn nhưng vẫn không hề thua kém “Mirage” trong các trận không chiến. Không những thế- nó còn có một radar tuyệt vời vào thời gian đó. So với "người Pháp", F-4E trông giống như một chiếc búa tạ thực sự:

và vì thế ở Israel, nó được gọi đúng như vậy - "Búa tạ" ("Kournass" theo tiếng Do Thái).

Điều thú vị nhất là một phần khoản tiền dành để mua “Con ma” lại được gom theo cách gây quỹ cộng đồng, bằng cách đăng ký ủng hộ.

Các nhà công nghiệp, các chính trị gia và ngôi sao nhạc nhẹ Israel được mời đến thăm các phi đội “Con ma”, được cho ngồi lên máy bay bay một vòng quanh căn cứ không quân- để khuyến khích họ góp thêm tiền.

Với khẩu hiệu: "Hãy dành cho con trai mình một chiếc “Con ma”. Và cách làm này tỏ ra rất hiệu quả!

Một trong những “Con ma” của Israel

Một trong những “Con ma” của Israel

Với sự xuất hiện của “Con ma”, thế chủ động đã hoàn toàn nằm trong tay người Israel.

Cho đến đầu tháng 9/69, Jerusalem vẫn rất không mong muốn phát động một cuộc xung đột và chọc tức Nasser.

Nhưng vào mùa thu, tất cả đã rõ: việc tiến hành các đòn tấn công nhằm vào nhau sẽ không mang lại bất cứ kết quả nào, và Cairo sẽ chỉ chịu kết thúc chiến tranh nếu nó cạn kiệt mọi phương tiện để tiến hành cuộc chiến tranh đó.

Ngoài ra, người Mỹ cũng nói rõ rằng họ không phản đối sự leo thang xung đột. Động cơ của Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, rất đơn giản và dễ hiểu:

người Ai Cập phải hiểu được rằng vũ khí Liên Xô và sự che chở của Liên Xô không thể bảo vệ được họ.

Nhà ngoại giao Israel Haim Herzog tuyên bố thẳng: “Chiến tuyến với Ai Cập không nhất thiết chỉ đi qua Kênh đào Suez. Nó phải phủ toàn bộ lãnh thổ Ai Cập”. Đó là một thông điệp rõ ràng và một lời đe dọa cũng rõ ràng không kém.

Giờ đây, sau khi đã có các “Con ma”, Không quân Israel đã có một công cụ gần như lý tưởng để hiện thực hóa tuyên bố này.

Vào cuối năm 1969, Jerusalem đã chấp nhận đề xuất của một người xuất thân từ Matxcova và là người đứng đầu cơ quan Tình báo quân đội AMAN, tướng Aaron Yariv (tên theo kiểu Nga: Rabinovich) bắt đầu triển khai các đợt ném bom vào sâu trong hậu phương Ai Cập và bằng cách đó buộc người Ai Cập phải chấm dứt chiến tranh.

Và như trêu trọc Cairo, một cặp "Con ma" xuất hiện trên bầu trời thủ đô Ai Cập nhưng lại đã không mang theo bất kỳ một loại vũ khí nào.

Đến tháng 11, các máy bay do phi công Shmuel Khetz và Avihu bin Nun điều khiển đã tăng tốc vượt qua rào cản (tốc độ) âm thanh ngay phía trên đầu dinh thự Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser ở Minshat al-Bakkari.

Người Ai Cập không kịp đánh chặn chúng- và thất bại này đã khiến Tư lệnh Quân chủng Không quân và Phòng không của Cộng hòa Ả Rập mất chức. Bản thân ông Nasser làm ra vẻ không hiểu thông điệp này của người Israel.

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser năm 1969

Nhưng trên thực tế thì đến thời điểm đó, Tổng thống Ai Cập đã ở tình trạng gần như tuyệt vọng. Mọi thứ đang diễn ra rất tồi tệ đối với ông. Mối đe dọa "Con ma" có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên đất nước này tác động rất mạnh lên các dây thần kinh.

Tệ hơn nữa là mọi nỗ lực đánh chặn “Con ma” đều có chung một kết cục – thêm tổn thất mới - các phi công Ai Cập “tầm trung” vẫn chưa sẵn sàng tiến hành một trận không chiến với “Con ma”.

Trước mắt người Ả Rập thấp thoáng một thảm họa quân sự thực sự... Các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 vốn thể hiện mình xuất sắc ở Việt Nam, lại đã không thể bắn hạ được một chiếc máy bay Israel nào.

Người Ả Rập không thể làm gì với chiến thuật yêu thích của Không quân Israel – chọc thủng hàng rào phòng không ở độ cao cực thấp, tiếp cận mục tiêu, và cắt bom.

Thường thì người Ai Cập thậm chí còn không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sự tuyệt vọng lớn đến nỗi Ai Cập đã phải xây dựng một mạng các trạm quan sát trên không, báo tin và liên lạc trên Kênh đào để phát hiện các máy bay Israel.

Đến cuối tháng 11, mọi sự đã rõ- Cairo suy kiệt nhanh hơn nhiều so với Jerusalem. Trên thực tế, giờ thì mối đe dọa luôn treo lơ lửng trên bất kỳ mục tiêu nào của Ai Cập. Người Ai Cập đặc biệt sợ đập Aswan bị tấn công - tuy nhiên, Israel lại không hề có kế hoạch đánh bom đập này

Và khi đó, Nasser đã bay đến Liên Xô để nói Brezhnev cứu đất nước của mình khỏi những "Con ma", "Mirage" đang có mặt ở khắp mọi nơi.

Liên Xô đồng ý, nhưng cho đến khi quân Liên Xô xuất hiện, người Ai Cập còn phải chờ thêm sáu tháng nữa. Và người Ả Rập cũng không ngờ rằng trong năm mới (1970), chiến tranh lại sẽ diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác ...

Nasser và Brezhnev, 1970 (ảnh: Vasily Egorov / TASS)

Chiến dịch"Bình minh" trên bầu trời Ai Cập

Kế hoạch của Aaron Yariv rất đơn giản - đánh bom Ai Cập cho đến khi Nasser phải xin ngừng bắn. Chiến dịch được đặt tên là "Priha" - "Bình minh". Đến thời điểm bắt đầu chiến dịch, Israel đã có 16 “Con ma”, được chia gần đều cho hai phi đội – Phi đội số 69 và Phi đội số 201.

Chiến dịch bắt đầu ngày 7/1/1970. Mục tiêu đầu tiên của các "Con ma" là Trung tâm đào tạo sỹ quan điều khiển tổ hợp tên lửa phòng không ở Helwan,- một cặp “Con ma” khác tấn công một doanh trại lính nhảy dù gần Alexandria.

Một biên đội "Skyhawk" không kích Sở chỉ huy Quân đoàn lục quân số 2 của Ai Cập tại khu vực Tel-el-Kabir, nơi Đại tá Liên Xô Mikhail Kalchenko- cố vấn của một lữ đoàn trong quân đoàn, một trong những "Rusi Habir" (“Chuyên gia Nga”) đầu tiên trong năm mới 1970 đang có mặt.

Người Ả Rập lại một lần nữa thậm chí không kịp cho các máy bay của mình xuất kích.

Tất cả các vụ không kích trên để lại một ấn tượng đáng sợ - cả người Ai Cập lẫn các cố vấn (Liên Xô) đều không hiểu mình phải làm gì để đối phó.

Các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 có trong trang bị Bộ đội phòng không Ai Cập, trên thực tế tỏ ra không hiệu quả ở độ cao dưới 300 m – trong khi các "Con ma" lại thường bay ở độ cao chỉ 30 m.

Vào ngày 13/1, lại một cuộc đột kích lớn mới, và từ giờ thì chỉ còn toàn "Con ma" bay tới Ai Cập. Một kho chứa đạn tên lửa C-75 ở Tel el-Kabir và một căn cứ huấn luyện gần Cairo đã bay lên trời. Ngày 18/1 - "Con ma" phá hủy một kho đạn ở Helwan.

“Dàn pháo hoa” từ những qua đạn này kéo dài mấy giờ đồng hồ. Cũng tại Helwan, Phi đội số 201 Không quân Israel đã “chôn” tuyệt tác cuối cùng của tổng công trình sư thiết kế máy bay nổi tiếng người Đức Willie Messerschmitt – chiếc máy bay phản lực HA-300 Helwan.

HA-300 Ai Cập ở Helwan

Ngày 22/1, đặc nhiệm Israel được các máy bay “Skyhawk” yểm hộ đã tấn công hòn đảo pháo đài kiên cố Shedwan ở cửa Kênh đào Suez.

Người Ai Cập mất khoảng một trăm quân cả chết và bị bắt làm tù binh, trong đó có nguyên một đại đội đặc nhiệm của Bộ đội đổ bộ đường không Ai Cập, về phía Israel- có 3 quân nhân thiệt mạng.

Vào cuối tháng 1, "Con ma” đã phá hủy các kho quân sự gần Cairo. Với kết quả có thể dự đoán trước - hỏa hoạn và các vụ nổ, sân bay chính của nước này đã phải đóng cửa trong một ngày.

Rất nhiều đạn pháo đã bị phá hủy và Liên Xô buộc phải khẩn cấp chở đạn pháo đến cho Ai Cập. Và một lần nữa - sự bất lực của Quân đội Ai Cập ai cũng nhìn thấy.

Các phi công Ai Cập đã cố gắng báo thù- nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể trở về từ bán đảo Sinai.

Israel gia tăng các vụ không kích- Ngày 28/1, một biên đội "Con ma” đã ném 8 tấn bom xuống trụ sở Ban tham mưu Sư đoàn cơ giới số 6 đóng ở ngoại ô thủ đô Ai Cập - hơn một trăm binh sĩ Ai Cập thiệt mạng, trong đó có toàn bộ sỹ quan Ban tham mưu và các cố vấn Liên Xô.

Đại tá Xô Viết Ivan Ogibenin chết tại chỗ, đồng đội của ông là Nikolai Vlasenko chết 2 ngày sau đó vì bỏng trong quân y viện tại Cairo. Sỹ quan phiên dịch, Trung úy Ziyaddin Yusubov, cũng tử trận.

Thêm 5 quân nhân Liên Xô nữa bị thương. Người Israel thừa biết là lúc đó tại Ban tham mưu sư đoàn không chỉ có mình người Ả Rập, nhưng vẫn không kích.

Lần đầu tiên kể từ giữa những năm bốn mươi, thủ đô Cairo đã phải tắt đèn hoặc che ánh sáng. Thủ đô Ai Cập chìm trong màu xám xịt và bóng tối, còn tiếng trống chiến tranh trước chỉ có đâu đó trên kênh đào Suez, giờ đã ở ngay trước cửa từng nhà của mọi người Ai Cập.

"Cuộc Chiến tranh tiêu hao hạn chế" đã buộc Cairo trả giá bằng sinh mạng của hàng ngàn người và các thành phố gần Kênh đào trở thành các “thành phố ma”.

Ảnh chụp từ trên không trận ném bom ngày 8/2/1970

Cơ sở hạ tầng dân sự chưa bao giờ là mục tiêu "chính thống" đối với người Israel – có lẽ chỉ trừ các nhà máy điện. Mặc dù vậy, nhầm lẫn vẫn thường xảy ra- đôi khi có những hậu quả rất bi thảm và lâu dài.

"Vụ nhầm lẫn” đầu tiên kiểu như vậy như vậy là một nhà máy luyện kim ở Abu Zabal trong Chiến dịch Priha-9 ngày 18 / 2. Một “Con ma” của Phi đội số 69 bị bắn trúng khi tiếp cận mục tiêu và tổ lái đã vội cắt bom xuống nhà máy luyện kim này thay vì nhà kho- mục tiêu của cuộc không kích.

Trường hợp thứ hai, còn đáng buồn hơn nhiều, xảy ra vào tháng 4, không lâu trước khi Liên Xô bắt đầu can thiệp quân sự trực tiếp.

Một cặp "Con ma” thuộc Phi đội số 201 đã phá hủy một trường tiểu học ở thành phố Bahr el-Bahr khi học sinh đang lên lớp.

Người Israel khẳng định rằng Quân đội Ai Cập đã cố tình sử dụng trẻ em làm lá chắn sống, tuy vậy, sau sự cố này các phi công Israel đã được lệnh không tấn công những mục tiêu đang trong các tòa nhà nữa.

Trường học ở Bahr el-Bahr sau vụ đánh bom

Báo chí Liên Xô vớ ngay hai trường hợp này và mô tả rất chi tiết, thậm chí còn gọi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan là Moshe Adolfovich (ý nói ông này là con của Adolf Hitler-ND), còn các đòn tấn công của người Do Thái nhằm vào Ai Cập – đó là các hành động khủng bố.

Dĩ nhiên, đối với Liên Xô vào thời điểm đó, cách diễn đạt như vậy là điều dĩ nhiên. Cả Mỹ và chính Israel cũng rất không hài lòng trước cả hai trường hợp này- tổn thất uy tín quá lớn, vâng và như vậy là bản thân các phi công cũng có những hạn chế nhất định về đạo đức.

Kết quả cuối cùng, người Ả Rập đã thua Cuộc chiến tiêu hao vì một lý do rất đơn giản - Không quân của họ chưa sẵn sàng đối đầu với người Israel. Bởi vì chỉ trong thời gian một năm rưỡi tính từ khi cuộc chiến tranh trước kết thúc, không một nước nào có thể đào tạo đủ được một số lượng phi công cần thiết.

Người Ai Cập có hiểu điều này không? Rất nhiều khả năng, những người hiểu ra vấn đề đã không dám nói lên chính kiến của mình. Mạng sống của mình quý hơn. Lại một lần nữa, sự khác biệt quan trọng nhất giữa các đối thủ là:

Cái mà Quân đội Israel cần - trước hết đó là khả năng chiến đấu, còn với Quân đội Ai Cập- cái quan trọng nhất phải là lòng trung thành.

Người Ai Cập lại thua, nhưng vào tháng 4, tình hình đã thay đổi - các đơn vị quân đội chính quy đầu tiên của Liên Xô cuối cùng cũng đã đến Ai Cập. Và một cuộc chiến tranh hoàn toàn khác lại bắt đầu ở nước này.

'Con ma' và Chiến dịch 'Bình minh' trên bầu trời Ai cập

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/nhung-con-ma-tren-bau-troi-cairo-3415575/