Những con đường làm từ sức dân

Không chỉ giảm bớt khó khăn trong vấn đề đi lại và vận chuyển nông sản, những con đường nông thôn hoàn thành còn góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các địa phương.

Con đường 78, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa được mở rộng, bê tông hóa kiên cố, giúp giao thông đi lại thuận tiện nhờ ông Hồ Văn Lạc và các hộ dân xung quanh đồng lòng hiến đất.

Con đường 78, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa được mở rộng, bê tông hóa kiên cố, giúp giao thông đi lại thuận tiện nhờ ông Hồ Văn Lạc và các hộ dân xung quanh đồng lòng hiến đất.

ĐỒNG THUẬN CAO

Dẫn chúng tôi đến tuyến đường nối liền ấp Phước Trinh và ấp Phước Nghĩa (xã Tam Phước, huyện Long Điền), ông Phạm Văn Lý (tổ 29, ấp Phước Nghĩa) cho hay: Trước đây, người dân muốn đi lại, vận chuyển nông sản phải đi con đường đất quanh co phía sau rẫy trồng tràm của gia đình ông. Mùa mưa lầy lội, trơn trượt, mùa nắng thì bụi mù mịt. Thế nhưng, khó khăn này đã không còn khi một con đường bê tông kiên cố dài 3km, rộng 8m được xây dựng. Điều đặc biệt, con đường này là thành quả của chính người dân. Ông Lý kể, năm 2013, chính quyền địa phương vận động người dân chung tay cùng mở rộng tuyến đường đi qua hai ấp, ông đã chủ động vận động người thân hiến một phần đất rẫy. Riêng gia đình hiến hơn 1.000m2 để mở rộng đường.

Ông Phạm Văn Lý (tổ 29, ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước, huyện Long Điền) đã hiến hơn 1.000m2 đất để mở rộng tuyến đường liên ấp Phước Trinh - Phước Nghĩa.

Đối với ông Hồ Văn Lạc (ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa), không chờ vận động, ông đã tình nguyện hiến 3.000m2 đất để mở rộng con đường số 78 dẫn vào ấp Bắc 2. Ông Lạc nhớ lại, trước đây, con đường này chỉ rộng khoảng 2m, xe chở nông sản không thể vào tận nhà vì đường quá chật. Sau khi biết địa phương sẽ mở rộng tuyến đường này, ông và gia đình đã tự thuê người di dời tường rào, cổng để phục vụ thi công đúng tiến độ. Ngoài ông Lạc, các hộ dân khác trên tuyến đường cũng đã hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường. Nhờ đó, con đường số 78 đã được mở rộng lên 5m, dài 2km, thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa.

Tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc), bằng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể địa phương, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ các công trình phụ trợ, hoa màu mà không đòi hỏi đền bù. Ông Nguyễn Ngọc Anh (ấp Phú Hòa, xã Hòa Hiệp huyện Xuyên Mộc) đã tự nguyện hiến 1.500m2 đất nông nghiệp đang trồng hơn 1.500 gốc tiêu 4-5 năm tuổi, đang trong thời kỳ cho thu hoạch để làm đường giao thông nông thôn. “Diện tích trồng tiêu này nếu quy đổi ra tiền khoảng gần 300 triệu đồng, mình có thiệt một chút nhưng tuyến đường được nâng cấp, mở rộng giúp người dân đi lại tốt hơn”, ông Ngọc Anh nói.

NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ THỂ

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức được mở rộng, khang trang nhờ sự đồng lòng hiến đất làm đường của người dân.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, xác định xây dựng NTM, người dân chính là chủ thể. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là làm sao tuyên truyền, vận động để mọi người dân thông suốt về ý nghĩa, mục đích, mục tiêu xây dựng NTM. Bằng những cách làm hay, hiệu quả, thiết thực, người dân trên địa bàn tỉnh đều hiểu được ý nghĩa việc xây dựng NTM và chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Đồng chí Dương Quang Nhàn, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (huyện Long Điền) chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng NTM, một trong những mục tiêu của chương trình là xây dựng đường nông thôn. Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào cũng thực hiện được, bởi có những tuyến đường nếu mở rộng sẽ đi qua đất của người dân. Vì vậy, để người dân đồng thuận và tình nguyện hiến đất làm đường lãnh đạo, các tổ chức, đoàn thể địa phương phải kiên trì, tích cực giải thích, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Khi người dân giữ vai trò chủ thể, họ cần được biết, được bàn và khi họ hiểu họ mới tham gia tích cực và tự nguyện. Cách tuyên truyền, vận động phải linh hoạt, khéo léo để người dân hiểu được lợi ích cũng như trách nhiệm của mình”.

Trong giai đoạn 2010-2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là trên 13.866 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 17% (khoảng 1.782 tỷ đồng), thông qua các hình thức như góp tiền, góp ngày công lao động, hiến đất, hoa màu, vật tư kiến trúc… Đến nay hơn 1,1 triệu m2 đất được người dân tự nguyện hiến để phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn.

Đồng chí Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong mục tiêu xây dựng NTM Trung ương giao, việc huy động sức dân không quá 10%, tuy nhiên, tại BR-VT người dân đã đóng góp gần 17% cho thấy sự đồng lòng của người dân trong việc tham gia xây dựng chương trình NTM. “Đến cuối năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ có 39/45 xã đạt chuẩn NTM, 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Long Điền và Đất Đỏ được công nhận là huyện NTM; thực hiện các thủ tục công nhận TX. Phú Mỹ hoàn thành xây dựng NTM. Để đạt được mục tiêu này, việc hiến đất làm đường vì lợi ích cộng đồng chính là sức mạnh để tạo sự đoàn kết trong nhân dân, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng NTM tỉnh BR-VT”, đồng chí Vũ Ngọc Đăng nói.

Bài, ảnh: KIM HỒNG - SONG BÌNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202009/nhung-con-duong-lam-tu-suc-dan-909570/