Những cơn cuồng loạn tập thể kỳ dị đã từng diễn ra trong lịch sử

Giới truyền thông quốc tế đã từng gây ra một cơn rúng động khi đồng loạt đưa tin về việc hơn 20 học sinh ở trường trung học LeRoy, Tây New York, Mỹ đột nhiên phát cuồng tập thể, co giật và nói năng không kiểm soát.

Chuyên gia xã hội học Robert Bartholomew, tác giả của nhiều cuốn sách về hiện tượng phát cuồng tập thể, kể cả cuốn “Người sao Hỏa đổ bộ: Lịch sử về các trò chơi khăm và sự hoảng sợ do truyền thông dẫn dắt”, đã lý giải trên trang Discovery News rằng: “Chủ yếu có 2 kiểu rối loạn chuyển đổi dễ lây nhiễm. Kiểu phổ biến nhất ở các nước phương Tây bắt nguồn từ sự căng thẳng đột ngột, cực điểm, thường là vì một mùi hương khó chịu. Các triệu chứng điển hình bao gồm chóng mặt, đau đầu, ngất choáng và thở gấp. Tất cả sẽ hết trong vòng khoảng 1 ngày”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dẫu vậy, ông Bartholomew nhấn mạnh: “Các học sinh ở trường LeRoy đang trải qua một dạng (cuồng loạn) hiếm thấy hơn và nghiêm trọng hơn, tác động đến chức năng vận động của các cơ và thường bao gồm việc bị co giật, chao đảo, co rút cơ mặt, giao tiếp khó khăn và rơi vào các trạng thái như bị thôi miên. Các triệu chứng xuất hiện từ từ qua nhiều tuần hoặc nhiều tháng do tiếp xúc với căng thẳng kéo dài và thường mất vài tuần hoặc vài tháng mới giảm bớt”.

Những vụ phát cuồng tập thể như trên phổ biến hơn chúng ta tưởng và được ghi nhận khắp thế giới trong nhiều thế kỷ. Dưới đây là một số vụ phát cuồng tập thể nổi tiếng nhất và kỳ dị nhất trong lịch sử.

Lỗ thông khí điên khùng ở Mattoon

Rất nhiều trường hợp phát cuồng tập thể xuất hiện cùng với báo cáo về những mùi lạ hoặc bí ẩn. Một trong những vụ nổi tiếng nhất trong số này xuất hiện năm 1944 khi các cư dân ở Mattoon, bang Illinois, Mỹ thông báo rằng rằng một “lỗ thông khí điên khùng” đang lơ lửng ở thị trấn nhỏ.

Nó bắt đầu khi một người phụ nữ có tên Aline Kearney ngửi thấy cái gì đó khác lạ bên ngoài cửa sổ nhà mình. Ngay sau đó, cô nói họng và môi của mình đang cháy và cô bắt đầu hoảng sợ khi cảm thấy đôi chân đang trở nên bại liệt. Cô gọi cảnh sát và các triệu chứng bệnh cũng nhanh chóng giảm bớt. Chồng cô, khi trở về nhà sau đó, đã thông báo liếc thấy một bóng đen ẩn nấp gần đó. “Cuộc tấn công khí” (như nó được giả định) nhằm vào cô Kearney không chỉ là chuyện đàm tiếu của khu dân cư mà còn được đưa tin trên báo địa phương, và về sau còn có những người khác ở trong thị trấn thông báo thấy mùi lạ và trải qua những triệu chứng bệnh ngắn ngủi như nghẹt thở, nôn mửa, đau nhức đầu và ốm yếu. Không có bất kỳ “lỗ thông khí” hay dấu vết của chất khí bí ẩn nào từng được tìm thấy.

Những nữ tu sĩ kêu như mèo

Trước năm 1900 có nhiều báo cáo về sự phát cuồng tập thể diễn ra bên trong các cơ sở tôn giáo. Đặc biệt, các nữ tu viện châu Âu thường là nơi bùng phát hiện tượng này. Trong một vụ, các triệu chứng bệnh được thể hiện bằng một hành động tập thể kỳ quặc. Một nguồn tin từ năm 1844 đưa tin rằng “một nữ tu sĩ, tại một nữ tu viện rất lớn ở Pháp, bắt đầu kêu meo meo như mèo; không lâu sau đó, các nữ tu sĩ khác cũng kêu meo meo không ngừng”.

Ít nhất, tất cả các nữ tu sĩ cũng cùng nhau kêu meo meo mỗi ngày, vào một thời điểm nhất định trong nhiều giờ liền. Việc kêu như mèo tiếp diễn cho tới khi những người hàng xóm lên tiếng phàn nàn và các binh sĩ được triệu đến, đe dọa đánh roi các nữ tu sĩ cho tới khi họ ngừng kêu tiếng mèo.

Trong thời kỳ này, niềm tin vào sự chiếm hữu (ví dụ như bị động vật hay quỷ ám) rất phổ biến và mèo đặc biệt bị nghi kỵ là có liên quan đến quỷ Satan. Các vụ bùng phát gây tiếng kêu hoặc cử chỉ như động vật thường kéo dài một vài ngày tới vài tháng, mặc dù một số trường hợp tiếp diễn tới hàng năm.

Sự hoảng sợ Pokémon

Một sự bùng phát hành vi kỳ quặc và dường như không thể giải thích được đã tấn công nước Nhật vào giữa tháng 12/1997, khi hàng ngàn trẻ em Nhật trải qua sự sợ hãi sau khi xem một tập phim hoạt hình được ưa thích về Pokémon. Các tia chớp sáng mạnh mẽ trong bộ phim đã gây ra các cơn tai biến ngắn ngủi nhưng có hại, nôn mửa và đau đầu. Các bác sĩ chẩn đoán một số trẻ em mắc một chứng bệnh khá hiếm gặp là động kinh cảm quang, vốn sẽ biểu hiện thành các triệu chứng bệnh khi tiếp xúc với ánh sáng chớp lóe sử dụng trong phim hoạt hình.

Tuy nhiên, các chuyên gia không thể lý giải tại sao hàng ngàn đứa trẻ khác cũng có các triệu chứng tương tự. Phần đông trong số này không mắc bệnh động kinh cảm quang. Cuối cùng, bí ẩn đã được khám phá vào năm 2001 khi một chuyên gia phát hiện ra rằng các triệu chứng ở hầu hết những đứa trẻ này là biểu hiện của cơn phát cuồng tập thể, bắt nguồn từ một làn sóng co giật động kinh.

Sự cố khí độc tại trường McMinnville

Gần 200 học sinh và giáo viên đã nhập viện do trận bùng phát bệnh bí hiểm ở trường Trung học hạt Warren ở McMinnville, bang Tennessee, Mỹ tháng 11/1998. Tờ báo địa phương Southern Standard giật tít “Các học sinh bị đầu độc: Chất khí bí ẩn gây ốm cho gần 100 người tại trường trung học”. Nó bắt đầu khi một giáo viên thông báo ngửi thấy mùi giống như xăng dầu trong lớp của mình và khiến cô phát bệnh. Một vài học sinh của cô giáo này sau đó cũng bị ốm và trường học buộc phải đóng cửa để kiểm tra.

Người ta không tìm thấy bất cứ chất độc nào cũng như không phát hiện ra bất kỳ nguyên nhân về y tế hay môi trường nào có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nôn mửa và tình trạng uể oải. Sau khi áp dụng quá trình dọn dẹp y tế, trường học tái mở cửa và nhanh chóng chứng kiến đợt học sinh phát ốm lần thứ hai, buộc cơ sở này lại phải tạm đóng cửa một lần nữa. Tất cả về sau cũng hồi phục sức khỏe bình thường.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-con-cuong-loan-tap-the-ky-di-da-tung-dien-ra-trong-lich-su/20210227022803533